Sáng nay (21/11), Cục Hàng không, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cùng với Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Phòng không không quân - Bộ Quốc phòng họp tại TP.HCM để làm rõ nguyên nhân và đánh giá tính chất của sự cố máy bay Vietnam Airlines suýt đụng trực thăng khi vừa cất cánh mới đây.
“Trước hết phải xem xét lại công tác của mình, phải đánh giá lại năng lực điều hành bay dân dụng xem đã đúng chưa, có sai sót ở khâu nào không, thực hiện hiệp đồng với bên quân sự thế nào, đánh giá đúng vai trò của dân sự và quân sự…
Hai bên cùng phân tích, điều tra làm rõ sự cố và nguy cơ uy hiếp an toàn bay, từ đó làm rõ trách nhiệm của mỗi bên chứ không được đổ lỗi cho nhau” - Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Như đã đưa tin, một sự cố nghiêm trọng đã xảy ra hôm 29/10 trên bầu trời Tân Sơn Nhất, khi đó chuyến bay VN1376 của Vietnam Airlines vừa cất cánh thì tổ lái của chuyến bay phát hiện chiếc trực thăng Mi172/423 của quân sự cắt ngang đầu máy bay ở cự ly khoảng 200 feet.
Tình huống trên xảy ra khiến tổ lái VN1376 phải giảm tỷ tốc và góc bay lên khi máy bay đạt độ cao 476 ft, trong khi đó tín hiệu radar sơ cấp không hiển thị độ cao.
Liên quan đến sự cố mất điện tại Trung tâm kiểm soát bay đường dài Hồ Chí Minh (ACC Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao dẫn tới sự cố nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trong tiền lệ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam khẩn trương tìm hiểu làm rõ sự việc, làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan và xử lý nghiêm nếu có vi phạm gây sự cố nghiêm trọng.
Sự cố mất điện hơn 1 tiếng đồng hồ tại ACC Hồ Chí Minh xảy ra trưa hôm qua (20/11) đã làm ảnh hưởng đến hơn 50 chuyến bay đang hoạt động trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, trong đó 3 chuyến bay quốc tế quá cảnh bị ảnh hưởng trực tiếp.
Các cơ sở điều hành bay của Việt Nam tạm thời dừng cất cánh đối với các máy bay chuẩn bị khởi hành, các chuyến bay đang đến sân bay Tân Sơn Nhất quay lại sân bay khởi hành, bay chờ tại các khu vực chờ hoặc hạ cánh xuống sân bay dự bị.
Các biện pháp ứng phó không lưu cũng đã được triển khai. Các chuyến bay được theo dõi tại Trung tâm ứng phó tại Hà Nội thông qua hệ thống tự động quản lý không lưu (ATMS) của Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội (ACC Hà Nội).
ACC Hồ Chí Minh đã thông báo cho các ACC của các quốc gia lân cận là Singapore, Manila, Sanya, Kuala Lumpur, Vientiane, Phnom Penh triển khai ngay kế hoạch ứng phó không lưu.