Lạm phát vì hành tây

GD&TĐ - Trên thực tế, tình hình của Philippines cũng không khác biệt so với nhiều quốc gia trên thế giới vốn đang phải đối phó với lạm phát tăng cao.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Philippines đang trong tình trạng lạm phát cao do giá thực phẩm gia tăng, khiến chính phủ nước này phải vật lộn đưa ra các chính sách và đặc biệt là bình ổn giá hành tây, nguyên liệu chính trong hầu hết các món ăn của người dân nơi đây.

Trên thực tế, tình hình của Philippines cũng không khác biệt so với nhiều quốc gia trên thế giới vốn đang phải đối phó với lạm phát tăng cao. Nhưng quốc gia Đông Nam Á này dễ tổn thương hơn do phải nhập khẩu năng lượng.

Một trong những yếu tố chính thúc đẩy lạm phát ở Philippines còn là giá thực phẩm thiết yếu leo thang, đặc biệt là hành tây.

Theo Dennis Mapa - nhà thống kê quốc gia của Philippines - sản phẩm hành tây đóng góp tới 0,3 điểm phần trăm vào lạm phát chung của Philippines, giá trị tương tự như mặt hàng thiết yếu là gạo.

Từ tháng 4 - 12/2022, giá hành tây tại Philippines đã tăng 10 lần, từ mức 1,28 USD/kg tới mức cao chót vót 12,8 USD/kg, khiến nó trở thành một mặt hàng thực phẩm đắt hơn cả thịt cá.

Vào thời điểm đó, chính phủ Philippines đã xác nhận được nguyên nhân cho việc chuỗi cung ứng hành tây tắc nghẽn nằm ở khâu nhập khẩu. Hành nhập khẩu tại Philippines chủ yếu được mua từ Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng gặp khó trong việc nhận được giấy phép vệ sinh an toàn và chứng nhận kiểm dịch thực vật cho mục đích an toàn sinh học.

Để giải quyết vấn đề nguồn cung, chính phủ Tổng thống Marcos đã tăng tốc độ nhập khẩu hành tây. Các quan chức kinh tế tại quốc gia này cũng khẳng định lạm phát cao chỉ là tạm thời và sẽ giảm bớt khi các vấn đề về nguồn cung hành tây cho nhu cầu trong nước được giải quyết.

Tuy nhiên, chỉ số lạm phát tại Philippines cao hơn dự đoán trong tháng 1/2023 vừa qua đã làm tăng kỳ vọng của các nhà kinh tế rằng lãi suất sẽ tăng hơn nữa. Dữ liệu chính thức cho biết trong tháng 1/2023, tỷ lệ lạm phát tại Philippines đạt 8,7% trong khi giá lương thực tăng tới 11,2%, mức cao nhất kể từ năm 2009.

Giá hành tây trên thị trường nước này đã có cải thiện và giảm so với ngưỡng cao kỷ lục hồi tháng 12 năm ngoái nhưng hiện vẫn cao gấp đôi so với mức đầu năm 2022.

Ngoài hành tây, giá trứng và đường cũng tăng cao, càng khiến lạm phát thực phẩm tại Philippines đang trở nên nóng hơn. Chậm trễ trong khâu nhập khẩu và mùa màng bị thiệt hại do thời tiết xấu khiến giá một kg đường tăng gần gấp đôi, lên 1,81 USD so với một năm trước.

Trong khi đó, giá trứng vốn ở mức 0,11 USD/quả trong năm 2022 cũng tăng lên 0,18 USD/quả năm 2023, trong bối cảnh các trang trại quay cuồng giải quyết hệ quả của dịch cúm gia cầm bùng phát.

Chính phủ Tổng thống Marcos đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ phía các chính trị gia đối lập do đã không có chính sách giải quyết vấn đề giá cả leo thang từ sớm.

Các dự báo kinh tế cho thấy, GDP Philippines sẽ giảm trong năm 2023 so với mức tăng 7,6% được dự báo trước đó, trong khi một số nhà kinh tế cho rằng quan điểm lạm phát chỉ là tạm thời của chính phủ đang “quá lạc quan”.

Về phía những người trồng hành tây, họ lại lo lắng vì việc gia tăng nhập khẩu muộn sẽ khiến vụ mùa hành trong nước, dự kiến thu hoạch từ tháng 2 - 4, bị giảm giá mạnh.

Trong bối cảnh đó, mặt hàng hành tây đang gây ra tình huống khó xử cho thị trường khi nhập khẩu nhiều vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, còn nếu không nhập khẩu thì giá sản phẩm này sẽ khiến lạm phát xấu hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điều hòa phải bật 24/24 giờ để duy trì nhiệt độ tằm mới phát triển tốt.

Lắp điều hòa cho … tằm

GD&TĐ - Phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh giúp hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với nuôi ngoài điều kiện bình thường.

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.