Các lớp học được chia đôi để gia tăng số lớp. Lối đi, hành lang, sân chơi được chia theo từng khối lớp để hạn chế đám đông quá lớn. Ngay cả không gian gầm cầu thang cũng được sử dụng triệt để làm phòng dành cho giáo viên dù nơi đây không có ánh sáng tự nhiên, trần nhà dốc.
Tuy nhiên, ngôi trường này vẫn không đủ đáp ứng cho 18.638 học sinh. Vì vậy, trường phải chia 2 ca. Một số lớp bắt đầu từ 6 giờ sáng trong khi số khác học từ chiều đến 7 giờ 20 phút tối. Thậm chí, nhiều môn phải dạy trực tuyến do thiếu phòng học.
TS Eladio H. Escolano, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Dựa trên dữ liệu 5 năm của chúng tôi, trường đang tăng trung bình 600 học sinh mỗi năm. Chúng tôi phải xoay xở để có thêm phòng học cho năm học mới.
Trường Trung học quốc gia Batasan Hills là một trong những trường lớn nhất tại thủ đô Manila. Tương tự, nhiều trường học Philippines khác cũng đang chật vật xoay xở đủ diện tích cho học sinh trong bối cảnh dân số tăng nhanh chóng.
Chỉ hơn 30% dân số Philippines, tương đương 33,4 triệu người, nằm ở độ tuổi dưới 15. Quốc gia này nằm trong 8 quốc gia được dự báo sẽ chiếm 50% tổng mức tăng dân số toàn cầu vào năm 2050.
Số lượng thanh, thiếu niên tăng nhanh chóng đang gây áp lực rất lớn đối với Philippines nhưng các nhà kinh tế cho rằng nó cũng mang đến nhiều cơ hội. Nhân khẩu học tại Philippines đang thay đổi. Trong nhiều thập kỷ, tỷ lệ sinh đã giảm trong khi dân số trẻ của đất nước sẽ sớm gia nhập lực lượng lao động, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, để chuẩn bị cho người trẻ gia nhập lực lượng lao động, các nhà trường và ngành Giáo dục Philippines cần đầu tư nhiều hơn cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên. Đặc biệt tại các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ.
Bà Ruby Bernardo, thư ký Liên minh Giáo viên Philippines, cho biết: Chúng ta không thể mang lại nền giáo dục chất lượng khi giảng dạy trong một môi trường học tập không thoải mái. Một số trường ở thủ đô có sĩ số hơn 80 học sinh, chia 3 ca một ngày, đặc biệt ở các trường THPT thiếu giáo viên và phòng học.
Theo bà Ruby, sự thiếu hụt này đã tồn tại từ lâu nhưng càng trở nên cấp bách hơn sau đại dịch khiến học sinh Philippines phải học trực tuyến, hổng kiến thức. Ngoài ra, một số lượng lớn học sinh chuyển từ trường tư sang trường công gây áp lực lên hệ thống giáo dục công lập.
Em Michael Joel T Talacay, học sinh lớp 9, Trường Trung học quốc gia Batasan Hills, bày tỏ vui mừng khi được đi học lại sau thời gian dài học trực tuyến. Nhưng đến trường từ 5 giờ và vào học lúc 6 giờ sáng khiến em cảm thấy mệt mỏi, chưa kể khối lượng bài vở tương đối lớn.
TS Escolano cho biết, trường đã nộp đơn xin xây dựng thêm các tòa nhà trong khuôn viên hiện nay. Tuy nhiên, việc này sẽ mất nhiều năm để hoàn thành.
Hiện nay, nhà trường phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ từ địa phương và xã hội. Vào giờ đến trường hoặc tan học, các cơ quan an ninh địa phương được huy động để xử lý sự cố, phân luồng giao thông để tránh xảy ra ách tắc. Còn phụ huynh, mạnh thường quân quyên góp thiết bị học tập hoặc tiền tu sửa cơ sở vật chất.
Đặc biệt, giáo viên phải sáng tạo để tận dụng không gian lớp học eo hẹp và đổi mới phương pháp giảng dạy.
“Xã hội đang chung tay với nhà trường. Mỗi cá nhân đều góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ trường học vận hành suôn sẻ”, TS Escolano bày tỏ.