Nhưng nếu đà lạm phát không sớm được kìm lại thì giá mặt hàng này cũng sẽ bị “phá băng”.
Chính vì vậy, giá mặt hàng mì ăn liền đang được coi như thước đo mức lạm phát có bị nằm ngoài vòng kiểm soát của một số nước như Indonesia và Thái Lan hay chưa.
Đây cũng là sản phẩm hiếm hoi mà tại các quán cà phê vỉa hè “warkop” phổ biến ở Jakarta (Indonesia) vẫn đang được phục vụ nguyên giá như thời kỳ chưa có lạm phát tăng vọt.
Mì gói vốn là một mặt hàng rất phổ biến ở Indonesia, không chỉ được nấu tại nhà mà còn xuất hiện ở tất cả các quán ăn bình dân và quán cà phê với đủ loại hương vị để đáp ứng khẩu vị của người dân. Tương tự như vậy, các loại mì ăn liền cũng rất được ưa chuộng tại Bangkok, Thái Lan, vì sự tiện lợi cũng như giá bán dễ chịu luôn được bình ổn.
Mặc dù gạo vẫn là mặt hàng nhu yếu phẩm được cung ứng chính của Thái Lan, nhưng mì gói cũng đang trở thành một món ăn phù hợp với túi tiền của người nghèo. Một người dân sinh sống tại Bangkok có tên Ungkool Wongkolthoot nói với tờ Strait Times rằng, ông đã làm quen với mì gói trong thời gian đại dịch và nay càng ngày càng trở thành “người bạn cuối tháng” của nhiều người như ông.
Tuy được các chính phủ bảo hộ “đóng băng” giá bán chống lạm phát, sản phẩm mì gói cũng đang đứng trước rủi ro tăng giá do một lý do đặc biệt. Đó là thành phần chính của mì gói là lúa mì, một mặt hàng mà Ukraine đang là nhà sản xuất chủ lực trên thế giới.
Tuy nhiên, hàng triệu tấn lúa mì cùng với các loại ngũ cốc khác như ngô và lúa mạch lại đang bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine, do bị phong tỏa vì cuộc xung đột với Nga.
Tia sáng cuối đường hầm cũng mới xuất hiện gần đây khi một thỏa thuận của Nga và Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đang cho phép hoạt động xuất khẩu của Ukraine được khởi động trở lại. Những chuyến tàu biển chở lúa mì và ngô đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra hồi tháng 2 đã rời cảng Ukraine theo thỏa thuận này để xuất khẩu ra bên ngoài.
Đây là một tín hiệu khiến nhiều người hy vọng giá ngũ cốc trên toàn cầu sẽ sớm giảm xuống. Nhưng đối với Indonesia, nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, thì tin vui này không thể đến sớm.
Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Indonesia đã nhập khẩu hơn 10 triệu tấn lúa mì vào năm 2020 và 1/4 trong số đó đến từ Ukraine. Tình hình nhập khẩu lúa mì tại Thái Lan cũng tương tự vì Ukraine là nguồn cung cấp lúa mì lớn thứ hai của nước này.
Các chuyên gia dự báo giá thực phẩm tại Indonesia có thể tăng 5% trong năm tới. Con số này sẽ gây thêm áp lực lên nền kinh tế vốn đã chứng kiến lạm phát đạt 4,35% trong tháng 6, mức cao nhất kể từ năm 2017.
Nền kinh tế Thái Lan cũng đang cảm thấy khó khăn, khi tỷ lệ lạm phát của nước này vượt xa dự báo, ở mức 7,66%, con số cao nhất trong 14 năm qua. Chỉ riêng giá thực phẩm đã tăng 6,42% so với năm trước.
Bối cảnh này khiến các nhà sản xuất mì ăn liền của Thái Lan và Indonesia nhiều lần cảnh báo rằng do chi phí sản xuất tăng cao, họ có thể buộc phải tăng giá bán mì gói lần đầu tiên sau hàng chục năm. Nếu điều này xảy ra, thước đo lạm phát bằng mì ăn liền có thể sẽ bị phá vỡ, đánh dấu lạm phát cao kỷ lục ở Indonesia và Thái Lan.