“Tẩm” hóa chất, rối loạn NTTSD
Hiện nhiều người đang có xu hướng dùng quá nhiều sản phẩm làm đẹp cùng lúc, từ dầu gội, sữa tắm, nước hoa đến kem, phấn, son… và mỗi loại có đến hai-ba sản phẩm để dùng “luân phiên” cho đỡ nhàm chán.
Chỉ riêng MP dưỡng da, có người cùng lúc xài từ sữa tẩy trang, sữa rửa mặt, kem tẩy tế bào chết, nước cân bằng da đến nước xịt khoáng, tinh chất dưỡng ẩm, kem chống lão hóa, kem làm sáng da, mặt nạ dưỡng da, kem chống nắng.
Thế nhưng, ít ai biết rằng, việc lạm dụng quá nhiều MP, hóa MP chẳng khác nào tự “tẩm” hóa chất lên cơ thể mình và điều này tiềm ẩn nhiều tác hại. TS-BS Lê Thái Vân Thanh - phòng Chăm sóc da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cảnh báo: “Một số chất có trong MP, hóa MP sẽ gây nhiều tác dụng phụ, về lâu dài không tốt cho sức khỏe người sử dụng mà ít ai để ý đến. Các tác dụng phụ này không xảy ra tức thì mà âm ỉ, khó nhận biết”.
Theo TS-BS Vân Thanh, những hóa chất có trong MP, hóa MP có thể gây độc cho mắt, thần kinh, gan, thận khi người dùng hít, nuốt phải, đồng thời có thể xâm nhập vào máu và đến các mô của cơ thể qua đường hít, nuốt và cả đường xâm lấn trực tiếp qua da, bán niêm mạc gây rối loạn NTTSD.
“Đã có những thử nghiệm phát hiện hoạt chất phthalates (ổn định mùi hương) khá phổ biến trong các loại MP, hóa MP mà người ta nghi ngờ chính là thủ phạm gây rối loạn NTTSD. Các xét nghiệm chỉ ra rằng, chất này tồn tại ở các mô, chứng tỏ nó đã xâm lấn bề mặt của da, đi vào máu và đến các mô” - TS-BS Vân Thanh dẫn chứng.
TS-BS Vân Thanh phân tích: các hóa chất, hoạt chất có cơ chế hoạt động tương tự như các NTTSD, mặc dù chúng có nồng độ rất thấp trong máu; do đó, có một sự hoạt động cạnh tranh với các NTTSD trong cơ thể.
Các hóa chất, hoạt chất này khi xâm nhập vào máu sẽ đến các tổ chức có chức năng tiết ra NTTSD gây tác hại và làm suy giảm chức năng của các tổ chức này. Hóa chất, hoạt chất sẽ ức chế cạnh tranh với các NTTSD tại các thụ thể (ví như các ổ khóa trên các tế bào của cơ thể) của các NTTSD trên các tế bào của cơ thể.
Nhận diện hóa chất độc hại
Hoạt chất phthalates thường có trong những thành phần tạo mùi hương nước hoa, dầu gội, sữa tắm, lotion dưỡng thể, nước xả vải, sản phẩm xịt phòng, nước sơn móng… giúp ổn định cho các hóa chất tạo mùi khác nên sản phẩm lưu mùi hương lâu.
Một nghiên cứu gần đây của CDC (cơ quan kiểm soát bệnh của Hoa Kỳ) thử nghiệm trên 289 bệnh nhân, người ta thấy chất phthalates tồn tại trong nước tiểu của bệnh nhân, chứng tỏ chất này đã vào máu, lưu thông trong hệ tuần hoàn qua thận và thải ra nước tiểu.
Ảnh hưởng của phthalates trên tình trạng NTTSD là gây mãn kinh sớm, có nguy cơ gây vô sinh ở cả nam và nữ, làm giảm nồng độ NTTSD…
Chất thứ hai ảnh hưởng đến NTTSD cũng tồn tại phổ biến trong MP, hóa MP là một dòng của hóa chất có đuôi amine. Đây là chất nhũ tương hóa có tác dụng làm ổn định những thành phần khác trong MP, hóa MP, giúp các hoạt chất thẩm thấu vào da.
Dòng đuôi amine hay gặp trong xà phòng dạng thỏi, xà phòng dạng dung dịch, dầu gội, chất bảo quản… vì nó giúp sản phẩm tồn tại lâu dài trong nhiều sản phẩm MP, hóa MP. Tác động của dòng này trên NTT của người là nó làm phá vỡ những hoạt chất dẫn chất từ NTTSD.
Khi đó, NTTSD trong cơ thể cũng giảm xuống và ảnh hưởng đến nhiều mô khác nhau. Ngoài ảnh hưởng đến NTTSD thì chất này cũng gây độc gan, thận, có thể gây ung thư, gây tổn thương các mô của mắt.
Nhóm thứ ba là nhóm có đuôi phenol, là những hóa chất gây độc cho NTTSD, thường gặp ở những sản phẩm có màu như: thuốc nhuộm tóc, các sản phẩm vẽ mắt, chân mày, lông mi… Chất này có cấu trúc giống với cấu trúc của NTT estrogen làm cho cơ thể bị xáo trộn và rối loạn NTTSD, ảnh hưởng nhiều đến vấn đề sinh sản, sinh dục…
Nhóm thứ tư là nhóm parabens - một hoạt chất dùng để làm chất bảo quản không những trong mỹ phẩm mà còn dùng trong thuốc và dược. Cục Quản lý dược, Bộ Y tế từng cấm lưu hành những sản phẩm chứa parabens có các đuôi như: methyl, ethyl, propyl, butyl vì những sản phẩm này thường làm rối loạn NTTSD, làm giảm estrogen dẫn đến bà mẹ mang thai dễ bị sinh non, khiến phụ nữ bị mãn kinh sớm.
Nhóm cuối cùng thường có trong MP, hóa MP cũng ảnh hưởng đến NTTSD là triclosan, là một hoạt chất dùng để tiệt trùng, làm cho sản phẩm không bị ôxy hóa hay bị lên men bởi các vi khuẩn hay vi sinh vật.
Chất này thường thấy trong các sản phẩm như: xà phòng, sản phẩm khử khuẩn cho tay chân và là một trong những thủ phạm phá vỡ hệ NTTSD trong cơ thể con người. Các nghiên cứu gần đây cho thấy ảnh hưởng của triclosan đến NTTSD ngày càng tăng, đặc biệt là ở các nước phát triển.
Nên dùng MP, hóa MP như thế nào?
MP, hóa MP giúp làm đẹp nhưng lại gây những tác hại khác. Ngoài chọn lựa những sản phẩm MP, hóa MP được kiểm soát chất lượng và có ít các thành phần kể trên, cần hạn chế sử dụng quá nhiều sản phẩm có cùng tính năng vì khi dùng như vậy, chất chồng chất sẽ gây tác hại đến sức khỏe càng nhiều.
Thông thường, các thành phần trên nhãn MP, hóa MP được ghi bằng chữ viết tắt như P. (phthalates), D. (Dn batyl), B., E., H... Vì vậy, người tiêu dùng cần trang bị kiến thức cho mình để đọc nhãn hiệu, lựa chọn sản phẩm ít nguy cơ nhất có thể.
Theo TS-BS Vân Thanh, nên hạn chế tối đa số lượng sản phẩm MP, hóa MP sử dụng hàng ngày; đặc biệt, cần hạn chế dùng những sản phẩm có quá nhiều tác dụng, như vừa dưỡng trắng, lưu mùi hương lâu, vừa diệt khuẩn, làm mềm da… vì càng nhiều tác dụng, càng chứa nhiều hoạt chất và nguy cơ khi tiếp xúc hóa chất càng nhiều.
“Với tuổi mới lớn, chưa cần thiết dưỡng da; sau 20 tuổi thì chỉ cần dưỡng ẩm, chống nắng cho da; từ 30 tuổi, nếu có vấn đề gì về da (nhăn, da tối màu, sạm nám…) thì chỉ nên tập trung vào vấn đề đó.
Thay vì dùng hai sản phẩm riêng lẻ thì nên dùng một sản phẩm tích hợp hai tính năng, như kem chống nắng vừa làm kem lót nền khi trang điểm, và khi chống nắng, trang điểm, không nên thoa trực tiếp lên da, mà phải dùng trên lớp dưỡng da.
Hạn chế dùng quá nhiều son môi vì son thường chứa chất màu, kim loại nặng. Không nhất thiết phải sử dụng sản phẩm tẩy trang, tẩy tế bào chết, nước cân bằng da; chỉ cần sữa rửa mặt là đủ làm da sạch” - TS-BS Vân Thanh lưu ý.