Thời điểm giáp Tết Nguyên Đán, làm đẹp đã trở thành thói quen và nhu cầu của không chỉ các chị em phụ nữ mà với cả nam giới, những người lớn tuổi với mong muốn trẻ đẹp, thời trang hơn. Tuy nhiên, không ít trường hợp phải nhập viện vì những tai nạn xảy ra trong quá trình làm làm hay kết quả làm ra không như mong muốn.
Mới đây, cô gái có tên P.T (16 tuổi, ở Lâm Đồng) đã phải đến Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) để "khắc phục hậu quả" sau một lần đi làm đẹp tóc đón Tết. Cô gái trẻ nhập viện trong tình trạng một mảng lớn da đầu khoảng 10x5cm bị loét nặng.
Nhiều người bị tổn thương vùng da đầu nghiêm trọng khi đi làm đẹp (Ảnh minh họa)
Theo P.T cho biết, trước đó cô gái đi uốn tóc tại một tiệm làm tóc gần nhà. Trong lúc uốn tóc, ống uốn tóc bị xì hơi nóng ra. Mặc dù cảm nhận được hơi nóng bất thường, song, cô gái vẫn nghĩ uốn tóc thì phải chịu nóng.
Chính suy nghĩ ấy khiến cô phải chịu một vết bỏng lớn trên đầu. Cô về nhà và tự chăm sóc vết bỏng vì nghĩ sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, sau hơn 3 tuần, vết thương không những không lành mà càng ngày càng ăn sâu và loét ra khiến cô phải nhập viện.
Tại Bệnh viện Trưng Vương, bác sĩ cho biết, vùng da đầu của bệnh nhân bị bỏng sâu. Các bác sĩ Khoa Bỏng Tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện đã phải cắt lọc vùng da bị bỏng sâu cho cô. Sau đó, bác sĩ đã tạo hình lại da đầu cho cô gái.
Cũng tại Bệnh viện Trưng Vương, chị T.L (38 tuổi) phải điều trị lâu dài để lấy lại hình dáng vành tai lành lặn. Chị L cũng là một nạn nhân của tiệm làm tóc. ThS.BS Trần Lê Hồng Ngọc, Khoa Bỏng Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương cho biết, chị T.L đến bệnh viện trong tình trạng ½ vành tai trên bị bỏng nghiêm trọng, một phần vành tai đã chuyển màu đen vì hoại tử.
Ảnh minh họa
Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó khoảng 3 tuần, chị đi hấp dầu để làm đẹp tóc. Trong khi hấp dầu, nước từ máy hấp dầu chảy xuống tai khiến vành tai bỏng nặng. Nhưng vì chủ quan nên chị tự điều trị ở nhà khoảng 3 tuần.
Khi thấy tình trạng càng ngày càng nặng mới đến bệnh viện. Tuy nhiên, vì nhập viện quá trễ nên 1/3 vành tai của chị L đã bị hoại tử nên phải cắt bỏ để tránh nhiễm trùng. Phần vành tai còn lại cũng bị bỏng nhưng còn bảo tồn được.
BS Trần Lê Hồng Ngọc nhận định, với vết bỏng sâu đến nỗi hoại tử như bệnh nhân này, nguyên nhân bỏng chắc chắn phải do hóa chất hấp dầu. Nếu bỏng do hơi nước bình thường không thể dẫn đến bỏng sâu như vậy.
Dù chưa ảnh hưởng đến tính mạng, song hậu quả về mặt thẩm mỹ đối với cả 2 bệnh nhân là rất nặng nề.
Một trường hợp khác cũng là nạn nhân của việc làm đẹp, chị Mai Dung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, sau khi dùng chất làm đầy tiêm vào môi tại một spa ở Đống Đa, Hà Nội, môi chị có hiện tượng vón cục bên trong, khi ăn có cảm giác đau đớn.
Theo chị Dung, cách đây gần 2 năm, chị đến cơ sở spa để tiêm filler tạo môi trái tim với giá 6 triệu đồng/1cc. Sau một năm, môi chị có hiện tượng bị vón thành nhiều cục, không tan.
Môi nổi nhiều hạt do tiêm filler tạo môi trái tim.
Lúc đầu, chị Mai Dung nghĩ không sao nên để vậy. Sau một thời gian, lúc ăn thấy tức, sờ thấy cục nổi nhiều trên môi nên chị đã đi khám và được bác sĩ cho biết trong môi mình có dạng bị vón thành nhiều cục tròn như viên bi.
Quá hoảng sợ, chị Mai Dung đã yêu cầu bác sĩ loại bỏ những cục tròn này. Kết quả là bác sĩ đã gắp được 18 cục to tròn trong môi của chị Dung.
Cũng là nạn nhân của một cơ sở thẩm mỹ, Chị Lê Thủy cũng gặp trường hợp tương tự như chị Dung, nhưng không đến bệnh viện chữa trị triệt để mà lại tới một cơ sở thẩm mỹ khác để làm. Cuối cùng những hạt li ti trên môi vẫn không hết chị phải đến viện 108 để chữa trị. "Mọi người muốn làm đẹp nên chọn chỗ uy tín chứ đừng tiêm, không biết thuốc thật giả ra sao nguy hiểm lắm" - chị Thủy chia sẻ.
Làm đẹp là nhu cầu không thể thiếu của các chị em phụ nữ, nhưng làm đẹp thế nào thì cần phải cân nhắc và tìm hiểu thật chính xác mọi thông tin trước khi quyết định thực hiện việc tân trang nhan sắc để tránh tiền mất tật mang.