Làm chủ nhiệm lớp 12 việc gì cũng đến tay

GD&TĐ - Chỉ cần chút xáo trộn về tâm lý, sức khỏe, có thể ảnh hưởng đến kết quả của cả một hành trình...

Một giờ học của cô và trò lớp 12C3, Trường THCS - THPT Quài Tở, huyện Tuần Giáo (Điện Biên).
Một giờ học của cô và trò lớp 12C3, Trường THCS - THPT Quài Tở, huyện Tuần Giáo (Điện Biên).

“Thời gian này học sinh tập trung toàn bộ cho việc ôn thi. Chỉ cần chút xáo trộn về tâm lý, sức khỏe, có thể ảnh hưởng đến kết quả của cả một hành trình. Các em ở đây đều xa gia đình nên giáo viên chủ nhiệm sẽ là người đầu tiên thay phụ huynh chăm lo, quán xuyến…”, cô giáo Lò Thanh Mùi, Trường THCS - THPT Quài Tở, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) chia sẻ.

Người đồng hành tin cậy

“…Thông tin học sinh Hạng A Sùng khi đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia thông báo lỗi, không xác thực được… Kính mong Công an xã Tà Tổng kiểm tra, chỉnh sửa (nếu có) để cháu có thể đồng bộ, kịp thời đăng ký dự thi…”. Dòng trích dẫn trong một công văn “hỏa tốc” do cô giáo Bùi Thị Thanh Huyền, Trường PTDTNT Ka Lăng (Lai Châu) thực hiện vừa qua, để gỡ vướng cho học sinh.

Không phải trách nhiệm, song đây lại là nhiệm vụ mà giáo viên chủ nhiệm như cô Huyền phải thực hiện. Năm học này, cô chủ nhiệm lớp 12A4, với 30 học sinh. Cuối tháng 4, nhà trường triển khai đăng ký thử dự thi tốt nghiệp THPT 2023. Đó cũng là khoảng thời gian cô bận rộn sớm tối đồng hành cùng trò.

“Việc đăng ký do học sinh tự thực hiện. Tuy nhiên, Ka Lăng là vùng khó, thường xuyên xảy ra sự cố mất điện, đường truyền không ổn định. Bởi vậy, mỗi giáo viên chủ nhiệm thường xuyên phải đồng hành, theo sát để kịp thời hỗ trợ học trò”, cô Huyền cho hay. Đối với trường hợp em Sùng, theo cô Huyền chia sẻ, thì ngày sinh của em trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bởi vậy, khi đăng ký thử thi tốt nghiệp THPT 2023 không thể đồng bộ được.

Nhà Sùng ở xã Tà Tổng, cách trường gần 70km. Khu vực này lại không có sóng nên qua vài cuộc điện thoại “bập bõm”, cô Huyền mới báo tin được cho gia đình về vướng mắc của em. Tuy nhiên, do không thạo tiếng phổ thông, hạn chế trong giao tiếp nên bố mẹ Sùng loay hoay không biết cách xử lý.

“Nơi khác thì chỉ cần thông tin để gia đình tự giải quyết. Nhưng ở đây thì lại khác, nếu giáo viên không vào cuộc thì chẳng biết bao giờ mới xong. Tôi sợ lỡ việc của Sùng nên phải chủ động tháo gỡ giúp em”, cô Huyền bộc bạch. Vì đường sá xa xôi nên cô Huyền phải tìm mọi cách liên hệ với công an xã, rồi làm công văn gửi đi. Sau nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại và bằng văn bản, thông tin của Sùng đã được chỉnh sửa để em kịp thời hoàn tất thủ tục đăng ký thử.

Cũng như Sùng, toàn bộ học sinh trong lớp 12C4 đều thi tổ hợp môn Khoa học Xã hội. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế thì mỗi em lại có vướng mắc riêng. Bởi vậy, nhà trường tổ chức cho học sinh đăng ký tập trung theo lớp và ngày, giờ cố định.

“Nhờ theo sát quá trình các em thực hiện mà mọi vướng mắc đều được xử lý kịp thời. Kết thúc đợt thử vừa qua, 30 học sinh lớp tôi đều đăng ký thành công. Hiện nay về thủ tục không còn vướng mắc. Các em đều tự tin và chủ động tham gia đăng ký chính thức theo lịch của Bộ”, cô Huyền chia sẻ.

Cô giáo Bùi Thị Thanh Huyền, Trường PTDTNT Ka Lăng hỗ trợ học sinh đăng ký thi trực tuyến.

Cô giáo Bùi Thị Thanh Huyền, Trường PTDTNT Ka Lăng hỗ trợ học sinh đăng ký thi trực tuyến.

“Chuyên gia” tâm lý

Với 44 học sinh lớp 12C3, Trường THCS - THPT Quài Tở, huyện Tuần Giáo (Điện Biên), cô chủ nhiệm Lò Thanh Mùi được xem là “chuyên gia” tâm lý đầy uy tín. Mỗi lần “gặp chuyện”, các em lại tìm đến cô để giãi bày và lắng nghe lời khuyên. Áp lực thi cử khiến tâm lý học sinh càng trở nên “nhạy cảm”. “Nhiệm vụ” của cô Mùi vì thế lại gia tăng.

Nhắc đến cô giáo chủ nhiệm, cậu học trò nghèo Bạc Cầm Thái không ngần ngại kể về câu chuyện của mình. Thái tâm sự, vì nhà ở xã Mường É (Sơn La) - cách trường 30km nên em được tạo điều kiện cho ở nội trú. Phải xa gia đình, song bù lại em luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình của cô chủ nhiệm.

Cuối tháng 2 vừa qua, gia đình gặp chuyện buồn nên Thái bị sang chấn tâm lý. Em quyết định nghỉ học, bỏ về Hà Nội tìm việc làm thuê. Không thấy trò đến lớp, cô Mùi đã tìm cách liên lạc. Ban đầu Thái tắt máy. Theo em chia sẻ thì do sợ cô mắng và cũng không biết trả lời như thế nào.

“Cô Mùi là người đầu tiên liên lạc sau khi em nghỉ. Không chỉ 1 lần mà cô điện rất nhiều lần, rồi sau đó lại nhắn tin. Khi đọc những dòng tin đó em đã khóc. Không có bất cứ lời mắng mỏ, trách móc nào như em nghĩ. Cô chỉ động viên và bảo thầy cô, bạn bè luôn chờ em. Em làm nghề cũng được, nhưng phải học hết phổ thông mới có tương lai. Nghe vậy nên em đã quay về”, Thái nhớ lại.

Một giờ ôn tập của cô giáo Trần Thị Hoa và học sinh.

Một giờ ôn tập của cô giáo Trần Thị Hoa và học sinh.

Với sự đồng hành, hỗ trợ của cô Mùi, Thái đã ổn định tâm lý, yên tâm học tập. Mặc dù lực học trung bình, song em đi học chuyên cần, chăm chỉ lắng nghe bài giảng và tuân chủ theo yêu cầu, hướng dẫn nên đều được thầy cô bộ môn quý mến.

Cô giáo Trần Thị Hoa, chủ nhiệm lớp 12C1 Trường THPT Thanh Chăn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) mới đây cũng vừa thực hiện thành công một cuộc “giải cứu” tâm lý đầy hóc búa.

Cô Hoa cho biết, đây là trường hợp học sinh lớp 12C1 do cô chủ nhiệm. Em này có hoàn cảnh đặc biệt, lực học rất tốt song gia đình không hòa thuận nên thường xuyên mất tập trung trong học tập. Vừa rồi, bố mẹ ly hôn nên em cương quyết bỏ học. Không đành lòng, cô Hoa đã nhiều lần đi lại, tìm gặp từng thành viên trong gia đình học sinh.

Khi tìm hiểu, cô Hoa được biết, sau ly hôn em phải sống với bố. Nhưng thực tế, em lại muốn ở cùng mẹ. Bởi vậy, một mặt cô gặp gỡ học sinh để khuyên bảo, động viên. Mặt khác, gặp riêng từng phụ huynh trao đổi, giúp bố mẹ em hiểu được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của con mình để cùng tháo gỡ.

“Lúc đầu bố mẹ em nhất quyết không đồng ý, ai cũng đưa ra lý do của mình. Tôi phải phân tích nhiều lần, rằng điều quan trọng nhất với người làm bố, làm mẹ là con cái. Đừng để vì người lớn mà hỏng cả tương lai con trẻ. Sau thì họ đã nhất trí đáp ứng nguyện vong của con. Giờ thì em ấy đã đi học lại, quyết tâm thi khối Khoa học Tự nhiên để theo học trường quân sự. Tôi rất mừng. Tuy nhiên, vẫn phải duy trì liên lạc thường xuyên với phụ huynh để có sự động viên em kịp thời trong giai đoạn này”, cô Hoa bộc bạch.

Cô giáo Lò Thanh Mùi trò chuyện, tìm hiểu tâm tư của học sinh lớp chủ nhiệm.

Cô giáo Lò Thanh Mùi trò chuyện, tìm hiểu tâm tư của học sinh lớp chủ nhiệm.

Trăm sự nhờ… cô

Trường THCS - THPT Quài Tở năm học này có 3 lớp 12, với 130 học sinh. Trong đó, có 74 em được bố trí ăn, ở sinh hoạt nội trú. Số còn lại sinh sống cùng gia đình gần trường. Tuy nhiên, theo cô Mai Thị Lan Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường thì hơn 50% phụ huynh đi làm ăn xa nên thiếu sự quản lý, đồng hành cùng con.

Đơn cử lớp cô Mùi chủ nhiệm. Sĩ số cả lớp là 44, song chỉ có 10 em ở cùng bố mẹ. Còn lại phụ huynh đều đi lao động ngoại tỉnh. Mỗi em lại có 1 hoàn cảnh, 1 câu chuyện riêng. Vì thế, thời gian này cô Mùi gần như dành trọn các ngày nghỉ và ngoài giờ để chăm lo, hỗ trợ học sinh.

“Thường thì trong các tiết học hoặc giờ sinh hoạt lớp tôi đã quan sát, nắm bắt tâm lý các em rồi. Nhưng để hiểu sâu và có thể chia sẻ được thì tôi phải tranh thủ thời gian ngoài giờ để thăm hỏi, trò chuyện cùng các em. Cô có cởi mở, thì học sinh mới dễ dàng bật mí những câu chuyện được xem là bí mật”, cô Mùi chia sẻ.

Cô Mùi không chỉ nắm bắt được mọi khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, học tập mà cả những thay đổi trong tâm lý học trò. Với quan điểm, học sinh cuối cấp thường chịu áp lực từ nhiều phía nên việc ổn định và giữ vững tâm lý để các em yên tâm ôn luyện luôn được cô đặt lên hàng đầu.

“Đa phần các em đều ở cùng ông bà, người thân hoặc thuê trọ ngoài trường nên rất khó quản lý. Phụ huynh chỉ liên lạc được qua điện thoại, người quan tâm thì nhờ tôi chăm nom con giúp, nhưng cũng có người phó mặc. Có khi cả năm không liên lạc. Học sinh khi có chuyện lại gọi cô. Nào vi phạm luật giao thông, cắm xe… Mỗi lần như vậy tôi lại phải thay cha mẹ các em giải quyết, tháo gỡ”, cô Mùi giãi bày.

Ngoài hỗ trợ về tâm lý, thay mặt phụ huynh giải quyết vướng mắc, thời gian qua cô giáo Lò Thanh Mùi đã kết nối các tổ chức từ thiện hỗ trợ học bổng cho 4 học sinh khó khăn trong lớp (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng/tháng). Đồng thời, xây dựng nguồn quỹ để thường xuyên trao tặng học sinh sách vở, bút, đồ dùng học tập, quần áo…

Tại Trường THPT Thanh Chăn năm học này có 278 học sinh lớp 12. Trong đó, chỉ có 2 lớp ở nội trú, 2/3 học sinh còn lại sinh sống rải rác trên địa bàn. Theo cô Nguyễn Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thì đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm càng thêm vất vả.

“Thời gian cuối năm các em thường rất dễ chểnh mảng việc học. Bởi vậy, chúng tôi giao giáo viên chủ nhiệm nắm bắt sĩ số, tình hình học sinh từng ngày. Trường hợp nào nghỉ học phải tìm hiểu nguyên nhân, lý do ngay để kịp thời can thiệp. Phụ huynh thì có người liên lạc được bằng điện thoại, nhưng nhiều trường hợp phải tìm đến tận nhà nên mất nhiều thời gian”, cô Thủy bộc bạch.

Đó là lý do cô giáo Trần Thị Hoa thuộc đường từng nhà học sinh trong lớp. Thời gian qua, một mình cô nhiều lần phải rong ruổi khắp các bản để gặp gỡ từng phụ huynh để trao đổi, đồng thời nắm bắt hoàn cảnh gia đình mỗi em. Cô bảo: “Có chủ động tìm hiểu hoàn cảnh học sinh thì mình mới có phương án hỗ trợ phù hợp với từng em”.

“Thời gian này, các em đã ổn định tâm lý, tập trung ôn thi. Song cũng có một số em gặp vướng mắc trong tình cảm, buồn việc gia đình hoặc không tự tin vào bản thân. Những điều này học sinh có khi không tâm sự được với cha mẹ, nhưng các em lại chia sẻ với tôi. Thường thì tôi sẽ trấn an tâm lý trước, gạt bỏ những hoang mang, lo lắng trong các em. Sau đó mới gợi ý một vài hướng tháo gỡ, giải quyết và để học sinh tự quyết định”, cô Hoa cho hay.

Dù có học sinh ở nội trú hay không thì giáo viên chủ nhiệm khối 12 ở trường thời điểm này đều rất vất vả. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn thì công tác chủ nhiệm còn rất nhiều việc không tên. Hễ có chuyện lớn, bé là học sinh lại gọi thầy, cô. Bởi vậy, Ban giám hiệu cũng cố gắng cân đối các nhiệm vụ, làm sao để giảm bớt gánh nặng cho giáo viên làm chủ nhiệm. - Cô Mai Thị Lan Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ