Làm cho học sinh thấy cần học Lịch sử

GD&TĐ - Từ điểm trung bình môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia, câu hỏi “làm thế nào để học sinh yêu thích lịch sử” thực sự là nỗi niềm, trăn trở của các giáo viên giảng dạy môn học này.

Đổi mới phương pháp dạy là cách tốt nhất để thu hút người học
Đổi mới phương pháp dạy là cách tốt nhất để thu hút người học

Chỉ “thích” thôi chưa đủ?

Chia sẻ của cô Lê Thị Vân Anh - giáo viên Lịch sử Trường THPT Phù Ninh (Phú Thọ) – trong nhiều năm gần đây, giáo viên Lịch sử được tham gia bồi dưỡng, học tập, tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học bộ môn theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh... Những cách thức ấy nhằm làm cho học sinh “thích” học bộ môn hơn.

Và qua thực tế giảng dạy, với việc giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới kiểm tra đánh giá trong dạy học, Bộ GD&ĐT đổi mới hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm, đề thi không yêu cầu học sinh nhớ chi tiết sự kiện, ngày tháng, số liệu... đã làm cho học sinh không “sợ” học Lịch sử như trước, đã “thích” học bộ môn hơn. Điều đó, một phần được thể hiện qua số lượng học sinh đăng ký thi tổ hợp khoa học xã hội, trong đó có môn Lịch sử tăng lên.

Nhưng tại sao, điểm thi THPT quốc gia môn Lịch sử vẫn thấp? Cô Lê Thị Vân Anh cho rằng: Bởi chúng ta chưa làm cho học sinh thấy “cần” học môn Lịch sử.

“Qua chia sẻ với nhiều học sinh chúng tôi thấy, khi đăng kí thi tổ hợp khoa học xã hội, nhu cầu của các em với môn Lịch sử chỉ là “không liệt”, hoặc chỉ cần “3 đến 4 điểm” là đủ đỗ tốt nghiệp. Phần nhiều thời gian các em tập trung cho môn xét tuyển ĐH – đó mới là những môn cần đạt điểm cao. Qua đó cho thấy, phần lớn các em chưa “cần” học môn Lịch sử. Do vậy, để giải quyết tận gốc rễ, chúng tôi nghĩ phải làm cho các em thấy “cần” học môn Lịch sử” – cô Vân Anh nêu quan điểm.

Cô Vân Anh cũng thể hiện sự đồng tình với ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải tính lại để làm sao kiến thức Lịch sử cần cho tất cả mọi người, nhất là với cán bộ lãnh đạo, trở thành một tiêu chí lựa chọn cán bộ. Hay, nên có sự thay đổi các môn trong tổ hợp tuyển sinh, môn Lịch sử cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay.

Thầy cô phải thay đổi

Trước câu chuyện về môn Lịch sử, cô Hà Thị Minh Trang – giáo viên Lịch sử, Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Nội) – chia sẻ: “Với tư cách một giáo viên Lịch sử, tôi cho rằng mình cần phải có trách nhiệm, với một phạm vi nhỏ hơn – đó là làm cho học sinh yêu thích môn Lịch sử. Để làm được điều đó, trước hết bản thân giáo viên phải thay đổi. Để môn Lịch sử không khô khan, tôi đưa các phương pháp dạy học tích cực vào giáo án; để trong mỗi giờ học Lịch sử, học sinh sẽ như đang sống trong thời khắc lịch sử đó.

Tâm lí học sinh khi học Lịch sử là phải học thuộc, phải ghi nhớ, phải học những số liệu nhàm chán, phải học những diễn biến dài ngoằng… Đánh vào tâm lí đó, cô Trang sử dụng sơ đồ tư duy để dạy học. Đây là một “mẹo” học Lịch sử rất dễ nhớ. Sơ đồ tư duy có rất nhiều dạng và học sinh được giới thiệu tất cả các dạng sơ đồ như: Sơ đồ về nguyên nhân, sơ đồ kết quả, sơ đồ chuỗi (tiến trình), sơ đồ so sánh…

“Tôi thường khuyến khích học sinh “mã hóa” các nội dung thành từ khóa quan trọng, thành hình ảnh, biểu tượng khi làm sơ đồ. Với cách đó, học sinh sẽ ghi nhớ rất nhanh. Trong năm học 2019 - 2020, sơ đồ tư duy là phương pháp dạy học chủ đạo của Trường THCS – THPT Ban Mai” - cô Minh Trang chia sẻ.

Cùng với sơ đồ tư duy, cô Trang đã áp dụng rất nhiều cách khác nhau đối với từng bài. Khi cần tìm hiểu về một nhân vật lịch sử, thay vì phải ghi chép máy móc, giáo viên tổ chức cho học sinh lập một profile, một trang cá nhân (Facebook, Instagram...), một blog về nhân vật lịch sử. Trên đó, học sinh sẽ sáng tạo không giới hạn (có thể tưởng tượng, hư cấu một chút…) về nhân vật dựa trên nội dung thông tin tìm hiểu (đã qua sự kiểm duyệt của giáo viên). Hoặc, học sinh sẽ sáng tác một truyện tranh hoạt hình về nhân vật lịch sử; làm một cuốn lịch về nhân vật, một cuốn sách về nhân vật.

Học sinh còn được đóng vai các nhân vật lịch sử. Các em tự lên kịch bản, đạo diễn về nội dung, hình ảnh, phân vai, tập kịch. Phương pháp đóng vai được cô Trang sử dụng rất nhiều trong bài dạy, học sinh không chỉ đóng vai nhân vật, mà đóng vai là một nhà khảo cổ học, hướng dẫn viên, luật sư, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, họa sĩ, tổng thống… Khi đó, lịch sử hiện hữu qua góc nhìn của học sinh rất sinh động, mặc dù có thể chưa sâu, nhưng việc có thể tiếp cận lịch sử như vậy đã góp phần giúp các em hào hứng hơn nhiều với môn học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ