Học Lịch sử: Coi trọng sự kiện & dữ liệu gốc

GD&TĐ - Nhà giáo dục - TS Bùi Trân Phượng chia sẻ về góc nhìn cũng như lối tiếp cận bài học lịch sử theo cách mới mẻ và đa chiều. Qua đó cho thấy, môn Lịch sử không có gì quá khó khăn, phức tạp mà nó chính là những câu chuyện gắn liền với sự tồn tại của con người.

 Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet

* Thưa bà, đâu mới là phương pháp tiếp cận lịch sử đúng đắn?

- Đầu tiên, chúng ta phải coi trọng sự kiện và dữ liệu gốc. Sau đó, tài năng và bản lĩnh của người học sử mới được thể hiện thông qua thao tác phân tích, đối chiếu, diễn giải, lập luận. Ví dụ như tiếp cận Hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862 phải đọc toàn văn trước khi đưa ra nhận định về thái độ chính trị của nhà Nguyễn. Đó cũng là hạn chế của việc giáo dục lịch sử suốt 12 năm phổ thông, khi học sinh ít có điều kiện tiếp xúc tài liệu gốc, trừ những áng thiên cổ hùng văn như Bình Ngô Đại Cáo được học như một tác phẩm văn chương.

Tiếp cận sử liệu thì nên tham khảo càng nhiều nguồn càng tốt. Đặc biệt là lịch sử chiến tranh, phải đọc từ nguồn của quân đội, của chính khách, thậm chí là của thường dân. Ví dụ như Lê Thánh Tông là một trong các vị vua trị vì lâu nhất của nước ta, được xem là minh quân thánh chúa. Tuy nhiên, ông cũng là người chủ trương phát động cuộc chiến tranh đưa Vương quốc Chăm pa tới bước đường lụi tàn.

Điều này là sự thật, được ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư (tác giả Ngô Sĩ Liên). Tác phẩm liệt kê đầy đủ đến tận chi tiết như phá bao nhiêu kinh thành, lấy về bao nhiêu của cải…

TS Bùi Trân Phượng
 TS Bùi Trân Phượng

* Nhiều người nhận định học lịch sử để “biết quá khứ, hiểu hiện tại, đoán tương lai” và khơi dậy lòng yêu nước, quan điểm của bà như thế nào?

- Tương lai vốn dĩ bất định. Quá khứ không thể bảo đảm điều gì cho tương lai. Ví dụ như trường hợp quốc gia Hy Lạp, từng là cái nôi của nền văn minh Hi - La rực rỡ nhưng hiện giờ đang là gánh nặng của Liên minh châu Âu.

Ai cũng có nhu cầu hiểu biết toàn bộ sự thật diễn ra trong quá khứ nhưng điều đó là bất khả. Đơn cử như Hùng Vương là vua đầu tiên của nước ta, tuy nhiên lại được ghi nhận ở góc độ huyền sử. Bản thân các sử gia khi viết sử cũng bị chi phối bởi cảm quan cá nhân và tư tưởng thời cuộc. Như vậy, hiểu quá khứ để hiểu mình hơn. Hiểu lịch sử để hiểu các thao tác của lý trí. Vì lịch sử gắn liền với sự tồn tại của con người, dù có biết hay không, chúng ta không thể phủ nhận sự tồn tại đó.

Theo tôi, học lịch sử để hiểu, chứ không phải chỉ để “yêu nước”. Yêu nước là lẽ tự nhiên, không cần ai phải dạy. Người ta sinh ra tự động đã yêu mến nơi chốn mà mình cư ngụ, với bao nhiêu kỉ niệm, hồi ức. Như ông Nguyễn An Ninh từng phát biểu, thanh niên nên bớt hô hào về “tổ quốc và yêu nước”, thay vào đó, hãy tìm hiểu bản ngã để biết mình là ai, mình muốn gì. Bản ngã đó chứa đựng cả 4.000 năm lịch sử. Hai chữ Tổ quốc và Yêu nước sẽ cao thượng hơn và chúng ta sẽ phải hổ thẹn khi hiểu khái niệm đó một cách hẹp hòi, nông cạn.

Trong bối cảnh hiện tại, có nhiều xu hướng học thuật phủ định vấn đề dân tộc vì nỗi lo sợ chủ nghĩa dân tộc sẽ sản sinh ra những Hitler, Pol Pot quá khứ. Ví dụ, có tác giả cho rằng tư duy dân tộc chỉ là huyễn hoặc bởi vì mối quan hệ của một cá nhân rất hạn chế trong một cộng đồng quốc gia lên đến hàng chục triệu người. Tuy nhiên, tinh thần dân tộc là không thể phủ nhận được, nhưng cũng không nên cực đoan hóa nó.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

* Vậy phải nhận định như thế nào cho đúng về lịch sử và nên tiếp cận từ đâu?

- Lịch sử con người bắt đầu bởi tiếng nói, sau đó là chữ viết, rồi mới đến những cuộc di dân lớn giúp cho hiểu biết của chúng ta va chạm, trộn lẫn vào nhau và phát triển nhảy vọt. Cho nên, muốn hiểu lịch sử thì việc học mỗi môn lịch sử là không đủ. Chúng ta phải cần đến những môn khoa học tương cận như nhân chủng học, khảo cổ học và các bộ môn nghệ thuật khác. Người học sử bài bản phải học rất rộng. Để nắm bắt diễn tiến cơ bản của các triều đại phong kiến Việt Nam là điều không khó, chúng ta cứ nhớ câu thần chú Ngô - Đinh - Lê - Lý - Trần - Lê - Nguyễn là được.

Tuy nhiên, sự tồn tại độc lập của Việt Nam sau bao nhiêu phong ba bão táp lịch sử không phải chỉ nhờ vào những chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa. Các sự kiện, cột mốc lịch sử như phần nổi của một cái cây, bao gồm thân, cành, lá. Còn gốc rễ chính là bề sâu văn hóa. Quá trình hòa nhập, tiếp thu, tiếp biến từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau đã hình thành tập quán sinh hoạt hằng ngày mà người Việt chấp nhận là của mình. Ví dụ những món cuốn của người Việt là quán tính quay về văn hóa nguồn cội của Đông Nam Á, bị ảnh hưởng bởi tập tục ăn bốc của người Ấn Độ.

* Bà có nhắc đến vấn đề truyền thuyết lịch sử (huyền sử - PV). Nếu như không dựa vào thư tịch thì làm sao kiểm chứng các vấn đề lịch sử.

- Nhiều nhà khoa học lịch sử thường phủ nhận truyền thuyết nhân danh khoa học, thậm chí là khoa học phương Tây. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận đó là phương tiện lưu giữ ký ức thời nhân loại chưa có chữ viết, hoặc chữ viết của một số dân tộc bị mai một đi. Truyền thuyết không hoàn toàn giả dối, nó luôn có thông điệp cần giải mã, ví dụ như nguồn gốc Con Rồng Cháu Tiên. Vấn đề này, khi tiếp cận tác phẩm Hồng Bàng thì sẽ thấy được sự định vị rõ ràng trong vị thế của Việt Nam so với Trung Hoa.

Hiện nay, huyền sử đời Hùng được ghi nhận trong hai tác phẩm Việt Điện U Linh tập Lĩnh Nam chích quái. Hai tác phẩm này hoàn thành vào khoảng thế kỷ XV do trước đó dân tộc Việt Nam trải qua thời kỳ thuộc Minh kéo dài 20 năm (1407 - 1428). Tuy chỉ 20 năm ngắn ngủi nhưng dưới ách cai trị của nhà Minh, văn hóa lịch sử Việt Nam bị tàn phá nặng nề nên phải ghi chép lại. Trong bối cảnh thư tịch bị hủy hoại, thất lạc thì ký ức lưu truyền rất quan trọng.

* Xin chân thành cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ