Sáng 17/3, tại Hà Nội, trong khuôn khổ của Hội báo toàn quốc 2018, diễn ra tọa đàm “Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, giảng viên, nhà báo và sinh viên các trường báo chí.
Cơ sở đào tạo báo chí sẵn sàng bắt nhịp với công nghệ
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Quang Diệu - giảng viên khoa Báo chí Học viện Báo chí và tuyên truyền - cho rằng: Cuộc cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt.
Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống.
Cách mạng 4.0 tạo ra một lớp công chúng tương thích của thời kỳ truyền thông số.
Chẳng hạn, thay bằng tiếp cận với các tờ báo in, kênh phát thanh hay truyền hình thuần túy, công nghệ thực tại ảo (VR) và thực tại tăng cường (AV), hình thành “báo nhúng” trong đó, công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình.
Bởi họ như được tham gia chính vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 chiều hay 4 chiều, nơi có thể tái hiện lại sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động cũng được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường.
Công nghệ cảm ứng, sự phát triển của hạ tầng viễn thông, công nghệ 3G, 4G phát triển, song song với nó là mạng xã hội thịnh hành, thân thiện với người dùng, làm tăng đột biến số công chúng tiếp cận với thông tin qua thiết bị thông minh.
Nhận thức rõ điều này, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đầu tư khoảng 65 tỷ đồng cho việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện giảng dạy cũng như mời các chuyên gia trong và ngoài nước giảng dạy, cập nhật kiến thức cho các giảng viên, xây dựng các bộ môn, phương pháp đào tạo.
Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam cũng liên tuc mở các lớp bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên để cập nhật kiến thức cũng như cách thức làm báo trong thời đại kỷ nguyên số cho đội ngũ các phóng viên, tòa soan.
Công nghệ viết tin tự động sẽ “cạnh tranh” việc làm với phóng viên
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - cho rằng, nhà báo hiện đại không chỉ biết kỹ năng 3 trong 1 (viết báo hay, chụp ảnh đẹp, quay video ngắn). Họ cần phải biết những kỹ năng khác như tương tác mạng xã hội, lập trình.
Ông Minh đặt ra câu hỏi, liệu trước sự tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0, phóng viên có dễ bị mất việc hay không khi mà máy móc có thể thay thế được cả con người?
Nhiều chuyên gia, nhà báo tại tọa đàm cũng khẳng định, công nghệ viết tin tự động sẽ “cạnh tranh” việc làm với phóng viên, thậm chí khiến phóng viên mới vào nghề khó tìm việc hơn.
Ví như, hiện phần mềm tự động viết tin tức tài chính đã được hãng thông tấn AP đưa vào sử dụng từ năm 2014 với tốc độ lên tới 2.000 bản tin/giây và tiếp tục được mở rộng sang lĩnh vực khác.
Với công nghệ có thể “lắng nghe” mạng xã hội, các nhà báo sẽ nhanh chóng phát hiện những xu hướng nội dung được thích và chia sẻ nhanh nhất, nhiều nhất.
Một trong những thách thức lớn nhất cho các mạng xã hội hiện nay lả khả năng phát hiện sớm và ngăn chặn những tin tức giả mạo lan truyền nhanh chóng và không giới hạn. Điều đó có thể tác động rất nguy hiểm đến lòng tin và sự ổn định trong xã hội.