Làm bài thi tốt nghiệp THPT: Những điều cần nhớ!

GD&TĐ - Đối diện với kỳ thi quan trọng, sĩ tử không tránh khỏi lo lắng, hồi hộp. Các giáo viên giàu kinh nghiệm chia sẻ lưu ý quan trọng giúp thí sinh làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT năm nay, cả ở hình thức trắc nghiệm và tự luận.

Cô Đinh Thị Thúy Nga và học sinh Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Cô Đinh Thị Thúy Nga và học sinh Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Đọc kỹ đề, phân bố thời gian hợp lý

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Ngữ văn là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận. Cô Đinh Thị Thúy Nga, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội), cho rằng: Để làm bài tốt, học sinh cần đọc thật kỹ đề; lưu ý phân bố thời gian, kỹ năng viết, kỹ năng lập luận... Phân chia thời gian làm bài khoa học cũng vô cùng quan trọng. Học sinh có thể tham khảo cách chia thời gian như sau: Phần đọc hiểu: 15 - 20 phút; nghị luận xã hội: 15 - 20 phút; nghị luận văn học: 80 - 85 phút; 5 phút soát lại bài làm.

Đi vào kỹ năng làm bài cụ thể, cô Đinh Thị Thúy Nga lưu ý: Khi nhận đề thi, học sinh đọc trước các câu hỏi trong phần đọc hiểu, sau đó mới quay trở lại đọc văn bản. Với câu hỏi ở mức độ nhận biết, các em tập trung vào kiến thức cơ bản như phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt; hình thức ngôn ngữ; phương thức trần thuật; các phép liên kết; thể thơ; thể loại; thao tác lập luận, biện pháp nghệ thuật… học sinh cần trả lời ngắn gọn, nhanh chóng nhưng cũng lưu ý để tránh bị nhầm lẫn.

Với câu hỏi lấy ngữ liệu từ văn bản, thường yêu cầu “căn cứ vào văn bản”, “theo tác giả”…, sĩ tử đọc kỹ văn bản chứa từ khóa, ý chính để tìm ra vấn đề được hỏi. Với câu hỏi thông hiểu, vận dụng, học sinh bám văn bản và thực tiễn để lý giải, quan điểm đưa ra phải phù hợp với chuẩn mực xã hội và có ý nghĩa trong việc thúc đẩy sự phát triển tích cực.

Với phần nghị luận xã hội, theo cô Nga, các em cần trình bày trong một đoạn văn (không được ngắt xuống dòng), dung lượng an toàn khoảng 2/3 tờ giấy thi (trên dưới 20 dòng viết tay), có thể nhiều hơn vài dòng cũng không bị trừ điểm (tối đa 1 trang giấy thi). Khi đặt bút viết, học sinh cần trả lời câu hỏi: Chủ đề/luận điểm đoạn văn mình viết là gì? Để làm sáng tỏ chủ đề/luận điểm ấy, cần nêu luận cứ cụ thể nào? Học sinh cần nắm vững bố cục cơ bản của một đoạn văn nghị luận xã hội, cách triển khai ý, cách viết câu...

Trong khi viết đoạn, thí sinh sử dụng các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, so sánh, bình luận... Ngoài những kỹ năng cứng như trên, học sinh cần nắm bắt những vấn đề nóng của xã hội đang diễn ra... Việc đưa dẫn chứng vào bài làm là bắt buộc, nhưng tránh đưa quá nhiều, hoặc những dẫn chứng đã quá quen, nhàm chán. Tránh hô khẩu hiệu, lan man, dài dòng.

Bài nghị luận văn học chiếm 50% số điểm của toàn bài, đòi hỏi học sinh dành nhiều thời gian, kiến thức và thể hiện kỹ năng viết bài cứng cáp. Để làm tốt bài này, cô Đinh Thị Thúy Nga nhấn mạnh, học trò cần nắm chắc kiến thức chung của các tác phẩm trọng tâm trong chương trình Ngữ văn THPT, đặc biệt nội dung của lớp 12.

Theo định hướng đề thi những năm gần đây, khi làm bài học sinh có thể làm theo 2 bước. Bước 1: Nhận dạng kiểu bài, xác định yêu cầu trọng tâm bằng cách gạch chân từ - cụm từ quan trọng trong đề. Bước 2: Lập dàn ý khái quát, đưa ra những ý quan trọng của từng phần.

Mở bài: Giới thiệu chung (vị trí, phong cách của tác giả; nét cơ bản về tác phẩm); dẫn dắt vào vấn đề nghị luận; khái quát về vấn đề. Thân bài: Với yêu cầu đề chính, nêu cảm nhận về hai ngữ liệu được đưa ra từ đề bài. Khái quát thêm về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ tác phẩm, sơ lược nội dung tư tưởng tác phẩm. Với yêu cầu phụ: Dựa vào đặc sắc về cảm hứng, quan điểm sáng tác, đặc trưng phong cách nghệ thuật tác giả hoặc căn cứ vào diễn biến, quá trình thay đổi của các ngữ liệu để đánh giá, nhận xét, lý giải phù hợp. Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận và đánh giá sau cùng; nêu ấn tượng bản thân về vấn đề…

Lưu ý làm bài thi trắc nghiệm

Các môn còn lại trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đều theo hình thức trắc nghiệm. Cô Vũ Thị Anh, Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) lưu ý, học sinh nhận đề xong kiểm tra các trang xem có lỗi kỹ thuật do in ấn không; kiểm tra mã đề thi trong bài thi tổ hợp xem có trùng nhau không. Học sinh dùng bút chì 2B, 3B hoặc 4B để tô vào ô mã đề, số báo danh, phương án trả lời.

Lưu ý khi tô vào các ô phải tô đủ vòng tròn, nếu tô sai hoặc thay đổi phương án lựa chọn phải tẩy sạch. Làm đến đâu, học sinh đánh dấu/khoanh đáp án vào tờ đề rồi tô đúng đáp án trong phiếu trả lời trắc nghiệm, tránh bỏ sót câu. Cần chủ động phân chia thời gian hợp lý, trung bình mỗi câu trả lời từ 0,5 - 1,3 phút. Không dành quá nhiều thời gian cho 1 câu hỏi.

Riêng với bài thi Lịch sử, cô Vũ Thị Anh cho rằng: Khi làm bài các em tuân thủ nguyên tắc: Dễ làm trước, khó làm sau. Câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm sẽ được sắp xếp theo mức độ của đề: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Trước khi đặt bút làm bài thi, sĩ tử đọc câu hỏi và đáp án, tìm ra “từ khóa”, dùng bút chì khoanh tròn “từ khóa” để có đáp án chính xác. Trường hợp học sinh không nhớ chính xác và chắc chắn về đáp án thì dùng cách loại trừ để chọn đáp án đúng.

Đề thi sẽ có 6 dạng câu hỏi. Một là dạng câu hỏi yêu cầu lựa chọn phương án trả lời đúng. Hai là dạng câu hỏi yêu cầu lựa chọn câu trả lời đúng nhất. Ba là dạng câu hỏi yêu cầu hoàn thành câu bằng hình thức điền vào ô trống những kiến thức đúng. Bốn là dạng câu hỏi yêu cầu kết nối hoặc sắp xếp đúng trật tự logic các sự kiện, hiện tượng lịch sử theo cách: Sự kiện nào có trước, có sau; sự kiện nào quyết định; sự kiện nào là nguyên nhân… Năm là dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh đọc hiểu đoạn văn bản. Cuối cùng là dạng câu hỏi yêu cầu lựa chọn ý phủ định khi câu hỏi cố tình sai buộc thí sinh nêu quan điểm khoa học. Học sinh luyện kỹ các dạng câu hỏi trên sẽ làm bài thi tốt, đạt kết quả cao.

Là giáo viên dạy Toán, cô Nguyễn Thị Hoài Thu, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) khuyên học sinh đọc qua đề xem sức học của mình sẽ làm được câu nào. Sau đó cân đối thời gian cho hợp lý, tùy theo sức của mình để chọn thời gian làm cho phù hợp. Sức học yếu, trung bình chỉ cần làm từ câu 1 - 30; sức học khá thì thêm 10 câu (31 - 40). Sau câu 35, nếu quá trình làm vướng chỗ nào thì bỏ qua, làm tiếp những câu sau. Sau khi làm xong sẽ quay trở lại giải quyết tiếp các câu còn lại. Nhiều học sinh giỏi vì không cân đối được thời gian nên làm được câu 40 đã hết giờ, trong khi sức học có thể làm tiếp được những câu sau. Với những câu chưa biết chắc chắn, học sinh dùng phương pháp loại trừ; không được bỏ sót câu không trả lời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.