Làm ấm thêm tình nghĩa thầy trò

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Câu nói “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy” vẫn không hề xưa cũ trong thời đại công nghệ số.

Học trò đến thăm thầy Huỳnh Văn Minh (86 tuổi) - cựu giảng viên bộ môn Hán Nôm, Trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: X. Lương
Học trò đến thăm thầy Huỳnh Văn Minh (86 tuổi) - cựu giảng viên bộ môn Hán Nôm, Trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: X. Lương

Những cuộc viếng thăm bất ngờ từ học trò đã lâu không gặp, hay thành công dù nhỏ của trò trên đường đời được báo tin cho thầy cô… đều làm ấm thêm tình nghĩa thầy trò.

Mộc mạc Tết thầy

Tết Nguyên đán hằng năm ở vùng đất sông rạch, bưng biền miền Tây vừa lưu giữ những phong tục tập quán chung, vừa có nét riêng của người dân vùng sông nước.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, phong tục đón Tết ở miền Tây không cầu kỳ với nhiều nghi thức lễ hội nhưng vẫn thể hiện sự chỉn chu, tươm tất, cầu toàn và mang nét độc đáo, dân dã. Người vui xuân, đón Tết xưa nay đều ghi nhớ “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy”. Đó là phân biệt chuyện giao đãi, thăm viếng chúc tụng người thân, trong đó có thầy cô.

Nhà văn Lê Xuân (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ) cho biết: Xưa nay, mối quan hệ thầy - trò luôn gắn bó, dù ở thời điểm nào trong năm. Đặc biệt trong những ngày Tết, tình sư đệ được thể hiện rõ nét qua mỹ tục Tết thầy vào ngày mồng Ba. “Tết thầy” ở miền Tây Nam Bộ tuy bình dị nhưng chứa đựng tình cảm cao quý. Không chỉ học trò ở lớp thầy cô đang giảng dạy mà cả những cựu học trò, nhiều người lớn tuổi và đảm nhiệm các chức vụ vẫn nhớ ơn tìm đến chúc Tết.

Ngày xưa, do đặc thù vùng sông nước nhiều khó khăn, Tết thầy chủ yếu là gắn kết tình cảm; chuyện tặng quà thầy cô cũng đơn sơ, mộc mạc. Cứ như thế, ngày mồng Ba Tết, học trò rủ nhau đi chúc Tết thầy là một mỹ tục trải dài hết thế hệ này đến thế hệ khác. Điều mà trò thể hiện chủ yếu là tình cảm, lòng biết ơn đối với người đã có công truyền đạt sự hiểu biết, đạo đức… Ngày đầu năm mới, thầy trò ngồi ôn lại với nhau những vui buồn của năm cũ. Thầy nhớ cái hay cái dở của từng trò, nhắc nhở mỗi em học hành, làm việc tốt hơn trong năm mới.

Trong ký ức của GS Võ Tòng Xuân, những năm cuối thập niên 1940, lúc đó còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cái ăn đã khó nói gì đến quần áo mới, tập, sách. Tuy nhiên, thầy cô luôn đồng cảm, yêu thương học trò nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Lớp học chỉ có một giáo viên dạy từ đầu đến cuối năm nên trò nào tính tình, hoàn cảnh thế nào, thầy cô biết rõ…

“Đời sống ngày càng tốt hơn, con người nên sống với nhau tình cảm hơn. Lẽ tất nhiên, truyền thống tôn sư trọng đạo càng cần được củng cố, bồi đắp, lưu truyền và khẳng định là phong tục tốt đẹp của dân tộc”, GS Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Ngày nay, điều kiện kinh tế xã hội phát triển, tuy nhiên Tết thầy vẫn được nhiều gia đình và các thế hệ học sinh ở miền Tây Nam Bộ giữ gìn. Ngày mồng Ba Tết, nhà thầy cô giáo luôn rộn ràng tiếng cười nói của nhiều thế hệ học trò đến chúc Tết. Cả thầy, trò đều không phân biệt chức vụ, vị trí xã hội. Học trò cứ tự phục vụ bánh kẹo hay dùng bữa cơm; rồi ngồi quây quần tâm sự, nghe thầy cô hỏi chuyện và chia sẻ với thầy cô về công việc, gia đình năm qua cũng như dự định sắp tới…

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chúc Tết thầy cô. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chúc Tết thầy cô. Ảnh: NTCC

Những cuộc viếng thăm đậm nghĩa tình

Đã thành thông lệ, ngày mồng Một Tết Nguyên đán hàng năm, Trường THPT Lý Sơn (Quảng Ngãi) có buổi chào cờ đặc biệt vào 7 giờ sáng. Thầy cô, học sinh và cựu học sinh cùng tham gia hái lộc đầu năm tại sân trường hoặc hội trường ngay sau nghi lễ chào cờ. Đây cũng là dịp để học sinh, cựu học sinh chúc Tết, thăm hỏi, tri ân thầy, cô giáo.

Sau các tiết mục văn nghệ, sân khấu của Trường THPT Lý Sơn được “nhường” lại cho Đoàn Thanh niên tổ chức giao lưu giữa học sinh khối 12 và những cựu học sinh đang là sinh viên. Trò lớp 12 có thể hỏi anh chị khóa trước về bí quyết chọn ngành, trường…

Thầy Hiệu trưởng Huỳnh Văn Long cho biết: “Có học sinh ra trường đã nhiều năm, đi làm xa nhưng mỗi dịp về quê ăn Tết đều tham dự lễ chào cờ đầu năm của nhà trường. Sự liên lạc giữa nhà trường và cựu học sinh duy trì nhờ sợi dây gắn kết giữa các em với thầy cô giáo cũ”.

Thầy trò Trường PTDTBT Tiểu học xã Keo Lôm gói bánh chưng trong Ngày hội Bánh chưng xanh. Ảnh: Hà Thuận

Thầy trò Trường PTDTBT Tiểu học xã Keo Lôm gói bánh chưng trong Ngày hội Bánh chưng xanh. Ảnh: Hà Thuận

Dù đã nghỉ hưu nhưng không cứ gì mồng Ba Tết, thầy giáo Lê Quốc Hưng - Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, TP Đà Nẵng mới có học trò ghé nhà thăm. Thầy Hưng dạy môn Tin học, có nhiều học trò cũ là chuyên gia lập trình giỏi đang làm việc ở các công ty đa quốc gia.

Thầy Hưng chia sẻ: “Tôi dạy THCS, lúc nào dạy hết chữ tôi giới thiệu các em sang học thầy cô khác. Tôi chỉ tâm niệm rằng, học trò yêu quý thầy cô giáo môn nào sẽ thích học môn đó, nên phải làm sao thu phục được nhân tâm các em”. Thế nên đôi khi thầy trò chỉ đi cùng nhau một đoạn ngắn trên con đường học hành, chữ nghĩa nhưng kỷ niệm về nhau luôn đong đầy.

Nhiều học trò cũ của thầy Hưng sinh sống ở nước ngoài, mỗi lần về Đà Nẵng lại ghé tới thăm. Có người lái xe chở thầy đi quanh phố. Trọn vẹn với nghề dạy học, thầy Hưng có những cô cậu học trò kính thầy hết mực, được thầy yêu như con, có thể gọi điện cho thầy từ nửa bên kia trái đất chỉ để kể với thầy vừa được nhận vào làm ở một công ty toàn cầu; ngày cưới cũng mong thầy có mặt; gia đình thầy có chuyện đại sự trò không thể đến thì nhờ bố mẹ đến giúp…

Chừng đó thôi cũng khiến lòng thầy rưng rưng. “Có lẽ tấm lòng, công sức mình dốc lòng hướng dẫn, dạy dỗ ngày xưa đã để lại trong các em những tình cảm, ấn tượng tốt đẹp”, thầy Hưng tâm sự.

Lễ chào cờ và hái lộc đầu năm của Trường THPT Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: NTCC

Lễ chào cờ và hái lộc đầu năm của Trường THPT Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: NTCC

Phù hợp hoàn cảnh

Với những giáo viên đang công tác trên vùng cao, gần như không có ngày Tết thầy trọn vẹn. Chia sẻ điều này, cô Phạm Thị Liền - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) cho hay: “Giáo viên lên vùng cao công tác chủ yếu người dưới xuôi hoặc ở xa, ngày Tết gần như mọi người về quê hết, trong khi học sinh tiểu học còn bé nên không thể đến thăm và chúc Tết thầy cô.

Học sinh nơi đây phần lớn là người Thái và Mông. Đồng bào Mông có ngày Tết cổ truyền của dân tộc, còn người Thái ăn Tết Nguyên đán nhưng điều kiện khó khăn, việc thăm hỏi, chúc mừng thầy cô dịp năm mới chủ yếu là tình cảm”.

Năm nào Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Keo Lôm cũng tổ bữa cơm tất niên trước khi học sinh nghỉ Tết. Đây cũng là dịp để thầy cô giáo dục các em ý nghĩa ngày Tết truyền thống, cùng đó là tinh thần tương thân, tương ái, tôn sư trọng đạo…

Tương tự, Trường THCS Hàm Rồng, thị xã Sa Pa (Lào Cai) với 100% học sinh là con em đồng bào Mông. Thầy Đoàn Tuấn Long - Phó Hiệu trưởng chia sẻ: “Tại địa phương thường có hội xuân, nên từ mồng 2 Tết trở đi các em mặc quần áo mới đi chơi xuân. Mặt khác, thầy cô lên đây công tác đa phần cố gắng dành thời gian về thăm nhà, ăn Tết cùng gia đình. Vì vậy, học sinh không có điều kiện để đến thăm thầy cô. Đây cũng là điều thiệt thòi của giáo viên vùng cao”.

Theo thầy Long, Tết thầy không chỉ là truyền thống thể hiện tấm lòng tri ân của học trò đối với thầy cô mà còn là niềm vinh dự, tự hào của những người đang làm nhiệm vụ “trồng người”.

“Chúng ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo” để nhắc nhở mỗi người nhớ về công lao dạy dỗ của thầy cô. Mặc dù thầy cô nơi đây không được hưởng Tết thầy trọn vẹn nhưng chúng tôi không câu nệ chuyện đó. Với nhà giáo vùng cao, học trò ăn Tết vui vẻ, an toàn và đến trường đông đủ sau Tết là vui lắm rồi”, thầy Đoàn Tuấn Long chia sẻ.

Còn thầy Trần Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho biết: Học sinh của trường phần lớn người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, ở xa trường. Thường trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các thầy cô giáo bộ môn, giáo viên chủ nhiệm dành một khoảng thời gian phù hợp để cô trò gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Còn dịp Tết thầy, chỉ các em ở quanh khu vực thị trấn Sìn Hồ phát huy truyền thống bằng việc đi chúc Tết, thăm hỏi thầy cô.

“Các em đến chúc Tết thầy cô không quan trọng quà cáp, chúng tôi đón nhận tình cảm của trò đến thăm. Giữa nhịp sống thời đại công nghệ hiện nay, chỉ cần một tin nhắn, lời chúc, cuộc điện thoại từ học trò để thầy trò chúc mừng nhau năm mới an lành cũng đủ vui rồi”, thầy Tuấn chia sẻ.

Ở những nơi thuận lợi hơn, với thầy cô giáo, cho dù đã nghỉ hưu thì vào “Mồng Ba Tết thầy” vẫn có nhiều thế hệ học trò cũ tới thăm. Cô Nguyễn Thị The - nguyên giáo viên Trường THCS xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên (Điện Biên) tâm sự: “Không kể ngày nào, các trò còn nhớ và đến thăm cô là niềm vui, hạnh phúc không gì sánh được. Cô trò được gặp gỡ, hàn huyên, phấn khởi khi nghe kể những thành công của trò và ôn lại năm tháng kỷ niệm xưa”.

Nhà ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, năm nào sắp xếp được thời gian, anh Cà Văn Thân lại rủ bạn bè về thăm lại thầy cô cũ. Đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm thời THCS vì ở gần nhà. “Tôi thấy ngày này rất ý nghĩa để chúng ta về thăm lại những người thầy đã một thời dạy dỗ, dìu dắt và bao dung cho những lỗi lầm”.

Thầy Nguyễn Đình Hòa - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho rằng, không như ngày xưa, mỗi làng xã chỉ có một thầy đồ chuyên lo việc dạy dỗ, uốn nắn học trò. Con đường học vấn của mỗi người vì vậy không có quá nhiều thầy.

Giờ gần như mỗi năm, học sinh đều học với một giáo viên khác nhau, “Mồng Ba Tết thầy” hầu như chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng, nhắc nhớ học sinh về công sức dạy dỗ của người thầy. “Đời mỗi người đi học đều có nhiều thầy cô, nên giáo viên phải thực sự có dấu ấn, sự sẻ chia, quan tâm và ảnh hưởng đến phát triển tính cách sẽ được các em nhắc nhớ”, thầy Hòa nhận xét.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ