Sau hơn 9 tháng, Viện Văn học mới có công văn báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về việc giải quyết đơn đề nghị của TS Đỗ Hải Ninh cho rằng chương 2 trong cuốn sách “Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật” là bà viết khi cùng thực hiện đề tài cấp bộ do TS Vũ Thị Trang làm chủ nhiệm và TS Trang đã tự ý đem đi in sách mà chưa xin phép bà.
Những tưởng vụ việc sẽ được khép lại bằng các kết luận thỏa đáng của Viện Văn học, song trên thực tế 3 kiến nghị được cơ quan này đưa ra trong công văn còn khiến dư luận thêm phần bức xúc.
Cũng vì, điều dư luận mong chờ nhất là kết luận cuối cùng, minh định đúng sai cho sự tranh chấp về bản quyền của 2 vị tiến sĩ, từ đó lấy lại danh dự và sự công bằng cho người làm khoa học nghiêm túc.
Vậy nhưng cơ quan chủ quản này chỉ có thể đưa ra những kiến nghị mang tính chất tung thêm hỏa mù của vụ việc khi cho rằng đơn kiến nghị của TS Đỗ Hải Ninh không đủ điều kiện để xử lý rồi thẳng chân đá quả bóng trách nhiệm sang những 3 cơ quan chức năng khác, gồm: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Học viện Khoa học Xã hội.
Và càng hỏa mù hơn khi Viện này còn kiến nghị: “Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam xem xét sửa chữa, điều chỉnh Quy chế quản lý hoạt động khoa học, Quy chế quản lý công tác xuất bản và phát hành sách theo hướng cập nhật phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành…”.
Có thể thấy, đây là một kiểu ứng xử vòng vo, thiếu trách nhiệm, “đổ lỗi” cho cơ chế, chính sách vẫn thường thấy của những cơ quan quản lý yếu kém và tắc trách khiến cho vụ việc gần như đã rõ ràng mười mươi lại trở thành khó hiểu, gây sự hồ nghi, tác động sâu sắc đến danh dự và lòng tự trọng của những người làm khoa học chân chính. Còn với những kẻ gian dối thì lại vin vào đây để lấp liếm, che đậy hành vi ăn cắp chất xám đầy xấu xa, đáng lên án của mình.
Dù rằng cách đây gần 20 năm, năm 2004, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Công ước Bern – Công ước về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật song những vụ việc đạo văn, đạo ý tưởng vẫn xảy ra khá phổ biến và luôn gây không ít bức xúc trong cộng đồng, đặc biệt là với những người cầm bút chân chính.
Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, cùng với ý thức trung thực tự thân của người cầm bút, người làm khoa học thì luôn cần một môi trường trong lành, minh bạch về bản quyền được thiết lập từ những kết luận công tâm của các cơ quan có thẩm quyền.
Đừng vì ngại va chạm, vị nể, né tránh trách nhiệm mà góp gió độc khiến cho môi trường bản quyền thêm vẩn đục, tạo cơ hội cho những kẻ cơ hội, lười lao động nhưng chăm… đạo văn sinh sôi trong khi khiến các nhà khoa học chân chính thấy đau lòng vì bị xúc phạm rồi nản mà buông bút.
Và đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến đại họa cho sự phát triển văn học nghệ thuật của nước nhà!