Đề nghị thu hồi cuốn sách của TS Vũ Thị Trang

GD&TĐ - Đơn kiến nghị lần 2 của TS Đỗ Hải Ninh gửi Học viện Khoa học xã hội, đề nghị thu hồi cuốn sách “Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật”.

TS Đỗ Hải Ninh cho biết, tác giả đã lấy hơn 40 đoạn văn (khoảng hơn 11.700 chữ) để đưa vào cuốn sách.
TS Đỗ Hải Ninh cho biết, tác giả đã lấy hơn 40 đoạn văn (khoảng hơn 11.700 chữ) để đưa vào cuốn sách.

Như Báo GD&TĐ đã thông tin liên quan đến cuốn sách của TS Vũ Thị Trang được giải thưởng của Hội Nhà văn, nhưng sau đó bị tố vi phạm quyền tác giả. Người tố cáo là TS Đỗ Hải Ninh - Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học đã đưa ra các bằng chứng và đề nghị thu hồi cuốn sách – vì một nền học thuật liêm chính.

Nghi vấn đạo văn

Cuốn sách “Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật” do TS Vũ Thị Trang (Viện Văn học) là tác giả từng được trao tặng thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, sau đó là giải thưởng Tác giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tuy nhiên, sau đó TS Đỗ Hải Ninh phát hiện tác giả Vũ Thị Trang đã lấy rất nhiều kết quả nghiên cứu của bà trong đề tài cấp bộ “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học” nghiệm thu năm 2019 mà không hề có chú thích hay xin phép.

Ngày 21/1, bà Ninh có đơn đề nghị lên Học viện Khoa học xã hội về việc TS Vũ Thị Trang vi phạm quyền tác giả. Ngày 27/1, Học viện có công văn trả lời, cho rằng TS Đỗ Hải Ninh đã không thực hiện toàn bộ Chương 2 của đề tài “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học” mà chỉ thực hiện 2 nội dung.

“Việc kiến nghị TS Vũ Thị Trang vi phạm bản quyền tác giả do sử dụng phần viết của TS Đỗ Hải Ninh… cần phải có minh chứng rõ ràng, xác thực và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quyền tác giả” – công văn do PGS.TS Bùi Nguyên Khánh, Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội nêu rõ.

Ngày 21/2, TS Đỗ Hải Ninh đã làm đơn kiến nghị lần 2, nhấn mạnh toàn bộ chương 2 do bà là tác giả. Đồng thời đưa ra các bằng chứng liên quan chứng minh sự thật.

Bà Ninh cho rằng: Nghiên cứu khoa học là hoạt động đặc thù diễn ra trong một quá trình nhất định. Trên thực tế các đề tài nghiên cứu khi triển khai không tránh khỏi việc điều chỉnh, thay đổi về nội dung và nhân sự. Vì vậy không thể chỉ thuần túy dựa trên các văn bản hành chính mà còn phải dựa trên thực tế triển khai.

TS Đỗ Hải Ninh đề nghị thu hồi cuốn sách vi phạm quyền tác giả.
TS Đỗ Hải Ninh đề nghị thu hồi cuốn sách vi phạm quyền tác giả.

Đề nghị thu hồi cuốn sách

TS Đỗ Hải Ninh cũng đưa ra các bằng chứng thư email với những trao đổi với TS Vũ Thị Trang. Các so sánh giữa phần bà Ninh từng viết, từng trả lời tạp chí nghiên cứu chuyên ngành với nội dung trong cuốn sách của TS Vũ Thị Trang… để chứng minh cuốn sách “Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật” đã vi phạm tác quyền.

Với các dẫn chứng cụ thể, TS Đỗ Hải Ninh đề nghị Học viện Khoa học xã hội làm rõ các vấn đề. Thứ nhất, từ thuyết minh đến báo cáo tổng hợp, đề tài có sự thay đổi nội dung và tên chương mục ở chương 2.

Theo đó, chủ nhiệm đề tài có bản giải trình gửi cơ quan chủ trì theo quy chế quản lý khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội hay không? Học viện có lưu giữ bản giải trình của chủ nhiệm đề tài không? Bà Ninh đề nghị được cung cấp bản giải trình của chủ nhiệm đề tài về việc điều chỉnh nội dung và thành viên tham gia viết.

Giấy chứng nhận tham gia đề tài với đầy đủ thành viên tham gia.
Giấy chứng nhận tham gia đề tài với đầy đủ thành viên tham gia.
Thông tin từ Học viện Khoa học xã hội, cho biết sẽ lập hội đồng đánh giá để có kết luận về vụ việc này. Đồng thời, sau đơn kiến nghị lần 2 của TS Đỗ Hải Ninh, hồ sơ đã được chuyển lên Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - đơn vị đặt hàng và cấp kinh phí cho đề tài nghiên cứu xem xét.

Thứ hai, TS Đỗ Hải Ninh đề nghị Học viện cho biết tại sao bà là thành viên tham gia đề tài có tên trong thuyết minh, dự toán kinh phí và trong Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước - do Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia cấp ngày 16/9/2019. Trong khi đó, bản báo cáo tổng hợp lại không ghi rõ các thành viên thực hiện. Cách làm đó có đúng quy cách trình bày và quy định thực hiện đề tài cấp bộ hay không?

Đề nghị thứ ba của bà Ninh yêu cầu viện cho biết tại sao khi in đề tài cấp bộ theo kinh phí của Nhà nước cấp cho đề tài đạt kết quả xuất sắc thành sách, lại chỉ để tên 1 tác giả - trong khi cả nhóm thực hiện? Nếu có điều chỉnh về nội dung viết và thành viên tham gia, Học viện cần cung cấp báo cáo giải trình của chủ nhiệm đề tài theo đúng quy chế quản lý khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội.

Đồng thời, bà Ninh đề nghị viện trả lời câu hỏi sách in bằng kinh phí của Nhà nước dành cho đề tài cấp bộ xuất sắc, lại in kèm cả 2 chương của luận án tiến sĩ “Sáng tác của Vũ Trọng Phụng nhìn từ phê bình phân tâm học” của tác giả Vũ Thị Trang. Nhập gộp 1 nửa đề tài cấp bộ và 1 nửa luận án tiến sĩ trong một cuốn sách in từ kinh phí cấp cho đề tài cấp bộ có đúng quy định xuất bản?

“Học viện cần làm rõ hành vi đạo văn và mức độ vi phạm quyền tác giả của TS Vũ Thị Trang trong sách “Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật”, để có hình thức xử lý thích đáng nhằm bảo đảm liêm chính khoa học và đạo đức nghề nghiệp”, TS Đỗ Hải Ninh cho hay.

Với các kiến nghị cần được giải quyết, bà Ninh đề nghị Học viện Khoa học xã hội sớm xem xét vấn đề vi phạm quyền tác giả của Vũ Thị Trang, phối hợp với nhà xuất bản Khoa học xã hội để rút Giấy phép xuất bản số 339/QĐ-NBX KHXH ngày 28/12/2020. Đồng thời thu hồi cuốn sách “Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật”.

Liên quan đến tố cáo vi phạm quyền tác giả, những cơ quan trao giải cho cuốn sách của TS Vũ Thị Trang cũng đang chờ kết luận chính thức – để ra quyết định bảo lưu hay rút lại giải thưởng đã trao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.