Lai Châu tập trung hướng nghiệp gắn nhu cầu sử dụng lao động

GD&TĐ - Ngành GD&ĐT Lai Châu đã tập trung phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Tỉnh Lai Châu tập trung phân luồng, hướng nghiệp khi học sinh còn học cấp THCS.
Tỉnh Lai Châu tập trung phân luồng, hướng nghiệp khi học sinh còn học cấp THCS.

Chủ động phân luồng...

Công tác phân luồng cho học sinh trung học có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược phát triển GD&ĐT, góp phần quyết định trong việc tạo được nguồn nhân lực phù hợp cơ cấu, trình độ để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Theo kế hoạch tuyển sinh của Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, năm học 2022 - 2023, các cơ sở giáo dục trên địa bàn sẽ tuyển gần 4.650 học sinh, chiếm gần 60% tốt nghiệp THCS. Trong đó, các trường chuyên và THPT tổ chức thi tuyển gần 3.400 học sinh; các trường Dân tộc Nội trú tuyển hơn 850 học sinh, còn lại là các Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh và Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

Ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu cho biết: "Chỉ tiêu thi và xét tuyển học sinh vào lớp 10 tại các cơ sở giáo dục năm học 2022 - 2023 nhằm nâng chất lượng đầu vào lớp đầu cấp, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Từ đó, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh".

Với đặc thù của địa phương biên giới, vùng cao, đông đồng bào dân tộc, những năm gần đây, Lai Châu luôn chú trọng công tác định hướng và đào tạo nghề, giúp học sinh sớm có được việc làm ổn định, phù hợp.

"Ngành GD&ĐT đã phối hợp với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Tỉnh đoàn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền hướng nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đẩy mạnh tuyên truyền, tuyển sinh đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp" - ông Lưu Hồng Phương cho biết.

Cũng theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, học sinh học hết THCS cũng đã có đủ kiến thức để có thể học nghề. Sau khi tốt nghiệp trường nghề có thể tham gia vào thị trường lao động.

"Sở GD&ĐT đã phối hợp với các ban, ngành liên quan để đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn cụ thể đến học sinh để giới thiệu các trường nghề và nghề nghiệp theo nhu cầu của xã hội. Các trường cũng đã chủ động phối hợp để tổ chức những ngày hội tư vấn, hướng nghiệp và tìm hiểu nghề nghiệp cho học sinh" - ông Lưu Hồng Phương cho biết .

Lớp Công nghệ ô tô trường Cao đẳng cộng đồng Lai Châu.

Lớp Công nghệ ô tô trường Cao đẳng cộng đồng Lai Châu.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động

Với nhiều ngành, nghề đào tạo, trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu đang là cơ sở đào tạo thu hút nhiều học sinh, sinh viên tham gia học tập. Nhà trường đang nỗ lực để trở thành cơ sở đào tạo nhân lực có chất lượng trong khu vực, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Được thành lập từ năm 2007, đến năm 2019, trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu sáp nhập thêm trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú và trường Trung cấp Y tế. Từ việc sáp nhập, nhà trường có 62 mã ngành, nghề đào tạo. Các mã ngành, nghề đào tạo chủ yếu gồm: Nông, lâm nghiệp và thủy sản, du lịch, chế biến món ăn, điện công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, sư phạm…

Bà Lương Thị Tuyến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi đã điều hành tập trung sâu vào ổn định tổ chức bộ máy sau sáp nhập. Đồng thời, ổn định công tác dạy và học, cơ sở vật chất cho các hoạt động đào tạo. Đặc biệt là quan tâm đến công tác tuyển sinh chính quy, tuyển sinh liên kết, đào tạo nghề nông thôn, bồi dưỡng ngắn hạn”.

Năm học 2022 – 2023, Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu được giao tuyển sinh 550 chỉ tiêu. Đến nay, tỷ lệ tuyển sinh đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Nhà trường cũng có nhiều biện pháp để duy trì số lượng và nâng cao chất lượng học sinh, sinh viên và học viên.

Bà Lương Thị Tuyến chia sẻ: “Công tác tuyển sinh, chất lượng đào tạo luôn có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban giám hiệu, các Khoa, Phòng và tổ chức chính trị trong nhà trường. Nhờ đó, chất lượng đào tạo cơ bản đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, tỷ lệ học sinh ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng ngày một tăng, đáp ứng nhu cầu lao động”.

Em Vàng A Dũng, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ hiện đang theo học lớp K14 Công nghệ ô tô. Dũng chia sẻ: “Sau khi học hết lớp 9, được thầy cô định hướng nghề nghiệp và đến trường tuyển sinh, em đã đăng ký theo học lớp công nghệ ô tô. Em hy vọng sau khi ra trường có thể vào làm việc tại các khu công nghiệp để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình”.

Lai Châu hướng học sinh đến các nghề nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động cao.

Lai Châu hướng học sinh đến các nghề nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động cao.

Những khóa học gần đây, trên 80% học sinh sinh viên ra trường đều có việc làm ngay và được các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp đánh giá cao về trình độ chuyên môn cũng như khả năng thích ứng với tình hình thực tiễn.

“Công tác đào tạo được nhà trường chọn lọc, chúng tôi tập trung vào một số ngành, nghề chính mà đang nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng. Bên cạnh tuyển dụng học sinh, sinh viên trong tỉnh, chúng tôi phối hợp với tuyển sinh ở các tỉnh lân cận, đặc biệt là huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) để đào tạo nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường” - bà Lương Thị Tuyến nói.

Em Chang A Sỉ đến từ xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: “Em đam mê nghề sửa chữa ô tô từ khi còn nhỏ. Khi biết nhà trường có tuyển sinh và đào tạo lớp Công nghệ ô tô, em đã đăng ký theo học tại trường. Em mong muốn sau này học ra mình có chuyên môn tốt để về làm tại địa phương”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tin đăng tìm việc làm tại hà nội tại Vieclam24h du học Hướng dẫn tìm việc nhanh 24h