Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc: Nỗ lực từ nhiều phía

GD&TĐ - Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc, các địa phương trên cả nước đều chú trọng tăng cường tiếng Việt (TCTV) trong nhà trường.

Giờ chơi của HS điểm trường MN Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái). Ảnh: TG
Giờ chơi của HS điểm trường MN Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái). Ảnh: TG

Bên cạnh thực hiện đúng chế độ chính sách của Nhà nước, hỗ trợ của địa phương cho trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm bảo đảm tỷ lệ chuyên cần, việc đa dạng hóa, linh hoạt hoạt động TCTV đã và đang đem lại kết quả cao.

Đa dạng hình thức

Thấy rõ nhất là việc tích cực phối hợp với cơ quan, ban ngành, đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Công đoàn các nhà trường, già làng, trưởng bản… các bậc cha mẹ trẻ trong việc TCTV cho trẻ em người DTTS. Ông Nguyễn Minh Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ xã được sự trợ giúp của các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học & THCS Hưng Thịnh đã đến từng ngõ, gõ từng nhà để thuyết phục phụ huynh cùng tham gia dạy học, giúp con làm quen với tiếng Việt.  

Tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện hơn 300 lượt truyền thông về nhiệm vụ TCTV cho trẻ mầm non và HS tiểu học vùng DTTS với nhiều hình thức khác nhau cho hơn 30.000 lượt phụ huynh HS. Các trường kết hợp tuyên truyền qua buổi họp phụ huynh định kỳ, lồng ghép hoạt động trong trường mầm non, thông qua loa đài, bảng tuyên truyền tại trường lớp...

Nhiều tỉnh tổ chức ngày hội giao lưu tăng cường tiếng Việt qua phóng sự “Tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số” trên Đài Truyền hình, báo viết của địa phương, trang tin điện tử của ngành GD-ĐT. Quảng Ninh là một trong những địa phương thực hiện tốt điều này. Bà Đàm Thị Thanh Thủy – Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Quảng Ninh) cho biết:

Chúng tôi luôn xác định việc tăng cường dạy tiếng Việt cho HS khu vực dân tộc thiểu số vô cùng quan trọng. Các cháu có sõi tiếng Việt mới học giỏi, nâng cao chất lượng dạy – học ở khu vực này được. Thế nên hàng năm, có hơn 600 lượt tuyên truyền trên loa, đài phát thanh ở các thôn bản, trên 400 đợt họp phụ huynh, hơn 9.500 cha mẹ, phụ huynh, cộng tác viên và cộng đồng được tuyên truyền, phổ biến về nội dung TCTV cho trẻ.

Tăng cường tiếng Việt giúp HS tự tin, học tốt hơn khi vào lớp 1.
Tăng cường tiếng Việt giúp HS tự tin, học tốt hơn khi vào lớp 1.

Tích cực vào cuộc

Trường Mầm non Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái) có đông HS người Mông nên nhiều năm qua, ban giám hiệu, đội ngũ GV nhà trường luôn quan tâm và tăng cường dạy tiếng Việt cho các em.

Cô Phạm Thị Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trẻ nhập học đều chưa biết hoặc chưa nói thạo tiếng Việt và rụt rè trong giao tiếp. Trước thực tế đó, nhà trường và tổ chuyên môn đã xây dựng kế hoạch dạy tiếng Việt cho các em phù hợp với tình hình thực tế. GV sẽ lồng ghép, tổ chức hoạt động sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt kết hợp với văn hóa dân tộc, nghe kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca dao.  

Giờ học trải nghiệm của lớp mẫu giáo 5 tuổi, Trường MN Hưng Thịnh huyện Trấn Yên (Yên Bái), do cô giáo Đinh Thị Nga phụ trách. Lớp có 30 HS là người dân tộc Tày được chuyển từ điểm lẻ Yên Thuận về trung tâm. Để giúp trẻ dân tộc thiểu số TCTV, cô Nga chủ động tổ chức soạn bài và chuẩn bị tranh ảnh, băng đĩa, phù hợp, thân thiện với trẻ em DTTS. Những quả táo, cam, bưởi và hình ảnh con trâu, bò… gần gũi, thân thiện được cô giáo giới thiệu bằng tiếng dân tộc và tiếng Việt, giúp trẻ dễ dàng nhận biết, tăng cưởng khả năng nói tiếng Việt.

Cô Trần Thị Kim Oanh - giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học & THCS Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) chia sẻ: Tiếp cận nội dung bài học dù mới bước vào lớp 1 nhưng các em nhanh chóng làm quen và ham thích môn học. “Giúp trẻ người dân tộc làm quen với tiếng Việt ở bậc học mầm non rất quan trọng. Lên lớp 1 các em tiếp cận bài học được ngay, GV không phải dạy lại tiếng Việt nên chất lượng giờ học cao hơn”, cô Oanh thông tin.

Đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của việc TCTV cho HS dân tộc, bà Tô Thị Ánh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái, cho biết: Các trường đã linh hoạt trong hoạt động dạy – học: Tổ chức hội thi, ngày hội đọc sách, tổ chức hoạt động vui chơi gắn với tiếng Việt, trong đó tập trung vào việc luyện phát âm cho trẻ... 

Huyện Văn Chấn, để TCTV cho HS DTTS, phòng GD&ĐT chỉ đạo nhà trường đã xây dựng các mô hình thư viện lưu động, thư viện thân thiện, tổ chức “Ngày hội đọc sách”, Hội thi “Giao lưu tiếng Việt”; tăng cường thời gian luyện nói cho HS trong các giờ chính khóa. Thông qua hoạt động tập thể như sinh hoạt Đội, sao nhi đồng… HS tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Để hiệu quả hơn, phòng GD&ĐT biên tập hai cuốn sổ tay từ vựng của đồng bào Dao, Mông giúp GV tự học và giao tiếp với trẻ mầm non. Với cách làm trên, trẻ DTTS đều phát âm và nhận biết chuẩn tiếng Việt để chuẩn bị vào lớp 1.

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ GD Mầm non (Bộ GD&ĐT), các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm học theo nội dung phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường và nhu cầu TCTV của từng trẻ. Nhiều tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở GDMN tổ chức cho trẻ “Làm quen và giao tiếp bằng tiếng Việt” trước khi bước vào năm học mới; tổ chức “Xây dựng môi trường văn hoá đọc”; “Thư viện thân thiện”; “Tiếng Việt của chúng em”; “Câu lạc bộ nói, viết bằng tiếng Việt”, “Tổ chức hội thi kể truyện, đọc thơ, hát”... Điều này đã và đang góp phần nâng cao chất lượng GD vùng dân tộc thiểu số.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ