Theo đó, các nhà trường cần thực hiện quản lý tài sản, kiểm kê tài sản theo đúng quy định; kiểm tra và bảo quản tốt thư viện, thiết bị, phòng máy, hồ sơ, sổ sách...; không để ẩm mốc, không để mưa dột; khơi thông cống, rãnh thoát nước.
Đồng thời, rà soát lại mức độ an toàn của các trường học, các lớp học ở điểm bản, nhà ở bán trú cho học sinh, thư viện, kho (đặc biệt các đơn vị trường ở các khu vực có địa hình đồi núi cao khe sâu, chịu tác động rất lớn của lũ ống, lũ quét)… để tham mưu với chính quyền địa phương phối hợp phòng, chống mưa bão, có phương án cụ thể để ứng cứu khi có thiên tai xảy ra;
Chủ động có kế hoạch chống xung quanh nhà; buộc, giằng mái nhà trước khi nghỉ hè để tránh gió lốc gây thiệt hại (nhà tạm; nhà lợp tôn, mái ngói, mái gianh).
Nếu trường, điểm bản không đảm bảo an toàn (có nguy cơ sạt lở, lũ quét…) cần báo cáo chính quyền địa phương, cấp quản lý trực tiếp để có hướng giải quyết, khắc phục và di dời.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu nhà trường di chuyển các loại thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi vào những phòng học kiên cố để đảm bảo an toàn, phòng chống mất mát, hư hỏng do mưa bão hoặc cháy nổ do sự cố chập điện, sét đánh...; kiểm tra an toàn của hệ thống điện, bếp ga.
Phân công trực trường và giao trách nhiệm cụ thể trong việc bảo quản CSVC, trường, lớp học, có sổ sách ghi chép và bàn giao giữa các ca trực đầy đủ.
Phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thanh niên các xã, phường, thị trấn bàn giao học sinh về địa phương để sinh hoạt hè và tham gia các phong trào thanh niên, thiếu niên, nhi đồng do đoàn thanh niên tổ chức.