Từ những cái chết thương tâm!
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 11 trẻ bị đuối nước. Trong giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh đã có 103 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Hồi chuông cảnh báo về tai nạn đuối nước ở trẻ liên tục được “gióng” lên.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 5, khi học sinh các trường bước vào kỳ nghỉ hè, cũng là lúc mùa nương mới bắt đầu vào vụ. Vợ chồng anh Vàng A Của (bản Tà Hử, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên) gửi các con ở nhà với bà ngoại để đi làm.
Đúng hôm đó, nhà mẹ vợ anh cũng nhờ người cấy giúp. Trong lúc bà bận nấu cơm cho thợ cấy thì cháu V.T.U.C (3 tuổi, con gái đầu của anh Của) cùng các bạn ra suối Lĩnh chơi. Hậu quả, cháu C bị ngã xuống suối và tử vong.
Chị Thào Thị Lia (mẹ của C.) nói trong tiếng nấc nghẹn: “Bản ở gần suối nên khi đi làm, tôi đều dặn các con không được ra đó chơi. Giờ con mất rồi, không chỉ vợ chồng tôi đau đớn mà bà ngoại cháu cũng day dứt nhiều. Rất mong từ sự việc của gia đình tôi, bà con trong bản chú ý hơn khi để các con ở nhà”.
Còn nhớ, trong ngày tổng kết năm học 2021 – 2022, người dân trên địa bàn thành phố Lai Châu đã chứng kiến câu chuyện đuối nước thương tâm của 2 học sinh lớp 7, Trường THCS Đông Phong. Sự việc xảy ra tại khu vực đầu nguồn suối San Thàng, thuộc địa phận giáp ranh giữa xã San Thàng (thành phố Lai Châu) và xã Tả Lèng (huyện Tam Đường).
Vào đầu giờ chiều 27/4, một nhóm sinh rủ nhau đi tắm suối. Trong đó có 1 em không biết bơi nên khi xuống tắm có biểu hiện đuối nước. Một bạn trong nhóm xuống cứu cũng đuối theo. Thấy vậy, bạn còn lại trên bờ chạy đi gọi người lớn đang tắm gần đó đến cứu. Tuy nhiên, khi có người đến đưa lên bờ thì cả 2 đều đã tử vong.
Đây chỉ là 3 trong số 11 trường hợp tử vong do đuối nước từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Cái chết thương tâm, được cảnh báo từ trước của những đứa trẻ càng khiến người thân thêm day dứt, xót xa. Trong nỗi đau vô cùng ấy, nhiều bậc phụ huynh phải nghẹn ngào thốt lên 2 tiếng “giá như”.
Đoàn viên huyên Than Uyên tạo sân chơi cho trẻ vùng cao. |
Cần sự chung tay của cộng đồng
Ông Nguyễn Thanh Văn bày tỏ: “Hy vọng rằng, phong trào tập luyện môn bơi, phòng, chống tai nạn đuối nước trên địa bàn huyện sẽ được duy trì, thu hút đông đảo người dân tham gia. Để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường và tổ chức xã hội trong việc rèn kỹ năng và tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ”.
Lai Châu là địa bàn có nhiều sông, suối, ao, hồ. Với tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhất là những địa bàn vùng cao, vùng sâu, bài toán thiếu sân chơi cho trẻ em trong dịp hè vẫn chưa có lời giải. Con trẻ ra đi để lại những nỗi đau, mất mát cũng như sự day dứt tâm can của cha mẹ, người thân, nhà trường và toàn xã hội.
Theo thống kê của huyện Tân Uyên, giai đoạn 2016 - 2021, toàn huyện có 24 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Từ đầu năm đến nay, đã có 2 trẻ thiệt mạng.
Nguyên nhân chủ yếu do trẻ em chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước. Cùng với đó là thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn đối với trẻ khi sống trong môi trường không an toàn…
Do vậy, giảm thiểu tình trạng trẻ em đuối nước, việc phổ cập bơi và trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản phòng, chống đuối nước được cho là giải pháp cấp thiết hiện nay.
Chiều 20/6, UBND huyện Tân Uyên đã tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước trẻ em huyện Tân Uyên năm 2022. Sự kiện có sự tham gia của 250 đoàn viên, thanh niên, học sinh, thiếu niên nhi đồng.
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Nguyễn Thanh Văn - Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên khẳng định: “Việc tổ chức Lễ phát động nhằm tuyên truyền lợi ích, tác dụng của tập luyện môn bơi. Đồng thời, phổ biến kỹ năng an toàn trong môi trường nước và công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở mọi đối tượng, nhất là trẻ em”.
Trước đó, ngày 29/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Lai Châu cũng đã tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước. Hoạt động có sự tham gia của lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và hơn 300 học sinh thuộc các trường học trên địa bàn thành phố Lai Châu.
Ông Trần Quang Kháng - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Lai Châu cho biết: “Lễ phát động nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và phòng chống tai nạn thương tích.
Cùng với đó, tuyên truyền và giáo dục kĩ năng phòng, chống đuối nước, nhất là đối với học sinh trong dịp hè. Tạo sân chơi bổ ích để các em tránh xa khu vực nguy hiểm có thể gặp phải”.
Thời điểm này, học sinh đã nghỉ hè và được bàn giao về gia đình, địa phương quản lý. Thực hiện “Mùa hè vui tươi, an toàn, ý nghĩa cho trẻ em”, ngoài sự vào cuộc của ngành GD&ĐT, các đơn vị, tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã tích cực xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em (bắt đầu từ 25/5 đến ngày 30/6).
Theo đó, các tổ chức đoàn đã tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu niên, nhi đồng với nhiều hoạt động rèn kỹ năng sống vui chơi, bổ ích. Cùng với đó, tổ chức cắm biển cảnh báo tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh trong công tác quản lý con em trong dịp hè.
Phòng, chống tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước cho trẻ em từ nhiều năm qua đã được các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể, nhà trường đặc biệt quan tâm.
Mặc dù vậy, vào mỗi dịp hè, khi không còn sự kiểm soát của nhà trường, thầy cô, việc con trẻ chơi ở đâu, chơi như thế nào và quản lý ra sao vẫn luôn khiến các bậc phụ huynh lo lắng, bất an.