Lai Châu: Đề Ngữ Văn không khó nhưng đủ phân loại học sinh

GD&TĐ - Nhận định về đề thi môn Ngữ Văn, cô Nguyễn Thị Hoa cho rằng không khó. Tuy nhiên, đề thi mang tính phát hiện, đủ để phân loại học sinh.

Học sinh trường DTNT THPT huyện Than Uyên trao đổi đề thi với giáo viên.
Học sinh trường DTNT THPT huyện Than Uyên trao đổi đề thi với giáo viên.

Kết thúc môn thi đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh Lai Châu nhận định đề thi tương đối vừa sức. Cùng với đó, đề thi có nhiều câu hỏi mang tính phát hiện, gắn bó với thực tiễn cuộc sống.

“Đề thi hôm nay tương đối vừa sức với chúng em. Vấn đề nghị luận xã hội rất thực tế với giới trẻ hiện nay. Chính vì thế để nêu lên quan điểm của cá nhân mình em nghĩ đa số các bạn đều sẽ làm được. Còn vấn đề em thấy hay nhất trong đề chính là câu nghị văn học khi nó góp phần tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ với những triết lý nhân sinh" – em Lò Thị Hiền, học sinh lớp 12A, trường DTNT THPT huyện Than Uyên chia sẻ.

Theo cô Nguyễn Thị Hoa, Giáo viên môn Ngữ Văn, trường THPT DTNT Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu) cho biết, cấu trúc đề năm nay tương đối ổn định so với những năm gần đây. Theo đó, cấu trúc gồm phần đọc hiểu (3 điểm), phần làm văn (7 điểm) với 2 câu: nghị luận xã hội (2 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm).

“Với độ khó rất “đúng tầm”, phù hợp với điều kiện học sinh trong thời gian dài phải học trực tuyến. Nhìn chung đề thi môn Ngữ văn năm có sự phân hóa, đòi hỏi các em phải có cái nhìn mang tính phát hiện. Tuy đề vẫn có câu hỏi phân loại được thí sinh nhưng học sinh đã rất quen thuộc với cấu trúc này trong những năm trước nên sẽ không bỡ ngỡ” – cô Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.

Chân dung cô Nguyễn Thị Hoa, Giáo viên môn Ngữ Văn, trường THPT DTNT Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu).

Chân dung cô Nguyễn Thị Hoa, Giáo viên môn Ngữ Văn, trường THPT DTNT Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu).

Theo cô Hoa, đề thi năm nay sát với kiến thức ôn tập của nhà trường. Đối với hệ thống câu hỏi ở phần đọc hiểu, cơ bản câu 1, 2 học sinh có thể làm được. Còn câu 3, 4 khó hơn một chút nhưng nếu vận dụng tốt kiến thức đã được học, ôn tập, học sinh có thể làm được. Về dạng câu hỏi, đề thi tập trung vào những dạng câu hỏi quen thuộc, đã từng được ra nhiều lần trong đề thi của các năm trước. Với đề thi này, học sinh có sức học trung bình cũng có thể "kiếm" được điểm trung bình. Học sinh khá, giỏi có phần câu hỏi mang tính phân loại để lấy điểm cao.

“Đối với câu nghị luận xã hội, các em có thể làm tốt vì dạng đề này đã được ôn tập kỹ lưỡng. Còn phần nghị luận văn học là vấn đề hay, cụ thể, rõ ràng nên khả năng có điểm ở câu này tương đối lớn. Cái khó cho học sinh vùng cao Ka Lăng là phần liên hệ để chỉ ra thông điệp. Bởi lẽ, đối với dạng câu hỏi này, việc sử dụng ngôn từ để diễn đạt các em vẫn còn lúng túng” – cô Hoa chia sẻ.

Cô Hoa cũng cho biết, ở phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”. Câu này cũng được ra ở mức độ bình thường, đơn giản, không làm khó học sinh.

“Vấn đề nghị luận xã hội rất thực tế với giới trẻ hiện nay. Qua đề thi, học sinh sẽ thấy được những trách nhiệm của thế hệ trẻ, trong đó có bản thân các em đối với việc tiếp bước thế hệ đi trước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì để nêu lên quan điểm của cá nhân, tôi nghĩ, nhiều học sinh sẽ làm được” – cô Hoa cho biết.

Đối với phần nghị luận văn học, đề thi yêu cầu trình bày cảm nhận về một đoạn văn trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu đồng thời liên hệ giữa hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền trong một đoạn khác.

“Trong 2 yêu cầu của trên, việc trình bày cảm nhận về đoạn văn ở mức độ cơ bản. Còn phần liên hệ ở mức độ cao hơn để phân hóa học sinh. Nếu các em linh hoạt lấy dẫn chứng người thực, việc thực trong xã hội, trên các phương tiện truyền thông thì không quá khó” - cô Hoa nhận định.

Tỉnh Lai Châu có 3.676 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 3.636 thí sinh đăng ký dự thi môn Ngữ văn và 3.633 thí sinh đủ điều kiện dự thi. Toàn tỉnh có 6 thí sinh vắng thi trong môn thi này. Trong đó, 2 thí sinh thuộc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Sìn Hồ, Phong Thổ và 4 thí sinh tự do.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường đoạn 'Chiến thắng Điện Biên' của bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh minh họa

Cây súng và ngòi bút

GD&TĐ - Nhà văn Hữu Mai (tên khai sinh Trần Hữu Mai), sinh 1926 tại phố Hàng Cấp, TP Nam Định, mất 2007 tại Hà Nội.