Lá thư gửi cô giáo cũ

GD&TĐ - Cô ơi! Thế là em đã trở về nơi đây, ngôi trường khi xưa em từng học, trong cương vị một hiệu trưởng như lời cô chúc em ngày vào học sư phạm. Em cố hình dung mãi để nhớ ra vị trí của lớp vỡ lòng ngày trước cô đã dạy chúng em…

Lá thư gửi cô giáo cũ

  Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2017

Cô kính mến!

Thấm thoắt đã 45 năm rồi cô nhỉ?

Đó là năm 1972, cả dân tộc ta bước vào những ngày tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tháng 9 năm đó, em cùng các bạn đồng trang lứa được đến lớp vỡ lòng ở đầu làng. Đón chúng em vào lớp là cô hàng xóm lam lũ. Điều này khiến em ngạc nhiên bởi trong đầu em vẫn nghĩ cô giáo là phải xinh, phải diện.

Em đem chuyện này nói với mẹ, thì mẹ bảo: “Mày chỉ được cái viển vông. Cô Đậu dạy thì đã sao? Cô ấy lam lũ vì vẫn phải đi làm ruộng, hàng ngày dạy vỡ lòng cũng chỉ là ăn công điểm của Hợp tác xã thôi. Nhưng bao nhiêu thanh niên làng này đều nhờ cô mà biết chữ, sau học thành tài cả đấy”.

Buổi đầu, cô phát cho mỗi đứa một tấm bảng gỗ nhỏ, mấy viên phấn và quyển “Học vần”. Em hân hoan tận hưởng niềm vui lần đầu tiên được làm học trò. Nhưng chỉ sau một tuần, khi phải nộp giấy khai sinh để làm danh sách lớp, em bị mời ra khỏi lớp vì chưa đủ tuổi. Em khóc nức nở, muốn níu chân lại lớp học mà không được…

Những ngày sau đó, khi các bạn đi học, em cũng đến lớp, và chỉ dám thập thò ở cửa. Tuy nghe “ké” cô dạy các bạn, nhưng em lại nhận mặt chữ nhanh hơn một số bạn trong lớp. Thấy em hiếu học, lại tiếp thu nhanh, cô đã bảo lãnh cho em được vào học chính thức.

Ký ức non nớt của em không bao giờ quên giây phút cô cầm tay mình dắt vào lớp sau nhiều buổi đứng ngoài nghe giảng “ké”, và vui mừng khi nhận quyển “Học vần” cô trao. Cô bảo: “Sách và bảng của em cô đã nộp trả rồi, nên em lấy quyển Học vần của cô mà dùng”.

Bố em đã tìm được miếng gỗ dán, cưa vuông vắn, phủ lên một lớp sơn đen, thế là em có được chiếc bảng xinh xắn để đi học. Em tự nhủ mình phải học thật giỏi để không phụ lòng cô và công lao của bố mẹ.

Ngày ấy, trong bờ lũy tre đầu làng, người lớn đã dựng cho chúng em hai gian lán tranh, trát vách bằng bùn trộn rơm, dùng làm nhà mẫu giáo và lớp vỡ lòng, cạnh đó là một căn hầm chữ A. Cô đã hướng dẫn chúng em biết xuống hầm tránh bom khi báo động và lên lớp ngồi học khi còi báo yên.

Thế rồi một lần, em nghe được cô và cô Cõi (dạy lớp mẫu giáo bên cạnh) nói chuyện, trong đó có nhắc đến một hôm, còi báo động vang lên, do quá sợ hãi nên em đã ngất ngay cạnh miệng hầm.

Cô biết em vốn yếu tim, liền vội vàng bế em chạy đến nhà bác y tá thôn để sơ cứu. Cô chia sẻ thêm với cô Cõi: “Từ lần ấy, lúc nào trong túi mình cũng có vài miếng gừng nướng và mấy thìa đường gói trong một tờ giấy chống ẩm để sơ cứu cho con bé mỗi khi cần thiết”. Thảo nào mà cô hay bắt em uống nước gừng pha đường thế… Cay cay nơi sống mũi, em thấy mình thật có lỗi với cô. Cuối giờ học hôm đó, em đến bên khoanh tay xin lỗi vì đã từng nghĩ sai. Cô ôm em vào lòng, nhẹ nhàng nói: Chỉ cần em học giỏi, sau này về xây dựng quê hương là cô vui rồi.

Suốt những năm học phổ thông sau đó, em vẫn luôn được cô gần gũi động viên. Mỗi lần được giải học sinh giỏi, em đều chạy sang khoe với cô, và được cô thưởng khi thì chiếc nơ xinh xinh màu hồng, khi thì cái cặp tóc sáng loáng. Năm em vào thẳng cấp III, cô còn tặng em cả một chiếc cặp sách bằng vải bạt có quai đeo ở lưng. Chiếc cặp đó bây giờ em vẫn giữ, như một kỷ niệm đẹp về cô giáo của mình.

Cô ơi! Em nhớ như in, khi em thi đỗ Đại học Sư phạm. Trước ngày nhập học, hai cô trò đi một vòng quanh làng, thăm lại những nơi đã từng là lớp học dã chiến với cái tên nôm “Xóm Roi”, “Nền Vật”, “Quán Tổng”… Cô nói: “Cô mong em sau này trở về xây dựng quê hương, về lại ngôi trường quê mình trong cương vị hiệu trưởng. Em hứa với cô sẽ phấn đấu nhé…”.

Những lần về thăm gia đình sau đó, em được biết một số giáo viên dạy vỡ lòng hưởng công điểm Hợp tác xã như cô đã được tuyển vào biên chế chính thức, dạy lớp 1 của trường tiểu học. Mẹ em bảo: Cô Đậu đã nghỉ hưu và sống với con gái lập nghiệp tận miền Nam, chỉ thỉnh thoảng mới về quê, bệnh thấp khớp khiến sức khỏe cô không tốt, nhưng cô vẫn dõi theo từng bước đi của trò.

Cô ơi! Hơn 30 năm đứng bục giảng, em vẫn ước ao có một ngày được trở về công tác ngay chính ngôi trường quê mình. Hôm nay em về đây, các thầy cô giáo cũ người còn người mất, lớp học trò chúng em khi xưa có người đã lên ông lên bà rồi.

Quê mình từng ngày thay da đổi thịt, khoác một tấm áo mới. Bờ tre đặt lớp vỡ lòng của chúng em khi xưa, bây giờ đã thành con đường bê tông rộng rãi, chạy bên ngoài tường bao của trường. Trường mình bây giờ được đầu tư đạt chuẩn quốc gia rồi ạ.

Ai cũng bảo đạt chuẩn quốc gia là do lớp lãnh đạo mới nhiệt huyết xây dựng. Nhưng em lại nghĩ: tất cả phải bắt nguồn từ những nền móng đầu tiên. Nếu không có cô gieo cho chúng em những con chữ đầu tiên, thì làm sao chúng em trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục như hôm nay.

Cô kính mến!

Suốt quãng đời học sinh, rồi đi dạy học, em đã từng tiếp xúc với biết bao thầy cô giáo, nhưng tấm lòng người mẹ của cô giáo vỡ lòng đã đọng lại trong em ấn tượng sâu sắc nhất.

Ngày 20 tháng 11 hôm nay, nhận những bó hoa học trò tặng, ký ức trong em lại ùa về. Nó làm em nhớ lại thời thơ dại. Chúng em chỉ có những bông hoa mào gà tặng cô trong dịp Hiến chương các nhà giáo…Nếu bây giờ có một điều ước, em mong được sà vào lòng cô, đan tay mình vào những ngón tay thô ráp, ngả đầu vào mái tóc dài thơm mùi bồ kết mà hít hà cho thỏa nỗi nhớ. Em luôn tự nhủ: Cho dù trong cương vị nào, em vẫn mãi là người học trò bé nhỏ ngày xưa của cô.

Trước khi dừng lời, em xin kính chúc cô luôn mạnh khỏe, sống vui, gia đình hạnh phúc. Mong gặp cô một ngày gần nhất ạ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ