Kỳ vọng và mong muốn với Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 phải có những thay đổi phù hợp với lứa học sinh đầu tiên học Chương trình GDPT 2018 dự thi.

Thay đổi cần phù hợp bảo đảm mục tiêu chương trình và quyền lợi của người học. Ảnh minh họa: ITN
Thay đổi cần phù hợp bảo đảm mục tiêu chương trình và quyền lợi của người học. Ảnh minh họa: ITN

Khẳng định điều này, nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mong muốn phương án thi thay đổi không quá đột ngột và kết quả thi có thể là cơ sở tin cậy để trường đại học sử dụng trong xét tuyển.

Thay đổi phù hợp, có tính kế thừa

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế nhận định: Những năm qua, Kỳ thi THPT quốc gia (mấy năm gần đây là Kỳ thi tốt nghiệp THPT) đã khẳng định được tính ổn định và hiệu quả. Kỳ thi đã đáp ứng được yêu cầu đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình THPT; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Kết quả kỳ thi cũng là cơ sở tin cậy để các trường đại học sử dụng trong tuyển sinh.

Thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) cho rằng, việc thay đổi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là tất yếu vì đây là năm những học sinh đầu tiên hoàn thành Chương trình GDPT 2018 cấp THPT sẽ thi tốt nghiệp. Có điều, thay đổi cần phù hợp để bảo đảm mục tiêu chương trình và quyền lợi của người học, vì các em chỉ được học chương trình mới trong 3 năm cấp THPT.

Tuy nhiên, năm 2025, lứa học sinh đầu tiên học Chương trình GDPT 2018 trong 3 năm THPT sẽ thi tốt nghiệp THPT. So với Chương trình GDPT 2006, điểm khác quan trọng của Chương trình GDPT 2018 là chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học; cấp THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Do đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng phải thay đổi cho phù hợp nhưng không phải đổi mới hoàn toàn vì lứa học sinh tốt nghiệp năm 2025 mới chỉ thụ hưởng chương trình mới trong 3 năm.

Chương trình GDPT 2018 quy định 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc và 9 môn học lựa chọn. Trong các môn học bắt buộc có 4 môn đánh giá bằng điểm số là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 và Lịch sử. Với môn lựa chọn, học sinh chọn 4 trong số 9 môn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Để phù hợp với quy định này, tôi cho rằng, việc thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử) và thêm môn thí sinh tự chọn phù hợp với lựa chọn môn học và định hướng nghề nghiệp.

Điều này vừa phù hợp với chương trình mới, vừa kế thừa được hình thức thi tốt nghiệp THPT những năm vừa qua; thuận lợi cho thí sinh xét tuyển đại học khi các trường sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh. “Có thể tăng cường ứng dụng công nghệ để bảo đảm tính nghiêm túc của kỳ thi. Đề thi tăng tính ứng dụng thực tiễn, thực hành nhằm đánh giá được tốt hơn năng lực của người học”, ông Nguyễn Tân chia sẻ.

Kỳ thi tin cậy để xét tuyển

Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng: Chương trình GDPT 2018 có những thay đổi căn bản so với Chương trình GDPT 2006 về quan điểm, mục tiêu, nội dung và thời lượng giáo dục… Do đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT chắc chắn phải có những thay đổi phù hợp.

Hướng dẫn quy chế và điều chỉnh thông tin cho thí sinh tại TPHCM (Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022). Ảnh: INT

Hướng dẫn quy chế và điều chỉnh thông tin cho thí sinh tại TPHCM (Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022). Ảnh: INT

Không bàn sâu về phương án, nhưng với điểm mới là học sinh ngoài các môn bắt buộc còn được lựa chọn môn học, theo cô Nguyễn Bội Quỳnh, sẽ hợp lý nếu môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 4 môn học bắt buộc được đánh giá bằng điểm số (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) và học sinh được chọn thêm môn thi phù hợp với việc lựa chọn môn học ở THPT, năng lực, định hướng nghề nghiệp. Như vậy, phải thiết kế đề thi của tất cả các môn học trong chương trình mới, kể cả môn đánh giá bằng xếp loại chứ không chỉ môn đánh giá bằng điểm số.

Đặc biệt, học sinh, phụ huynh, giáo viên nhà trường mong muốn Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được tổ chức bảo đảm chất lượng, đánh giá được quá trình 12 năm học phổ thông của học sinh và các trường đại học vẫn tin tưởng sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển đầu vào. Điều này sẽ giảm áp lực cho cả học sinh, nhà trường khi phải tham gia nhiều kỳ thi riêng để được xét vào đại học.

“Những học sinh đầu tiên học Chương trình GDPT 2018 ở THPT đã đi được gần 3/4 thời gian năm học lớp 10. Ban đầu có khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng đến nay cơ bản đã đi vào nền nếp. Việc học sinh lựa chọn môn học có sự đồng hành, hỗ trợ của gia đình, thầy cô, nhà trường, nên đến thời điểm này trường chưa có học sinh nào có nguyện vọng chuyển đổi môn học”, cô Nguyễn Bội Quỳnh cho biết thêm.

Chia sẻ về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế ngoài nhấn mạnh đến việc thay đổi để phù hợp với đối tượng học sinh học Chương trình GDPT 2018, còn mong muốn kỳ thi bảo đảm tính định hướng nghề nghiệp. Khi các trường đại học tin tưởng sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, cả thí sinh và trường đại học đều được hưởng lợi. Việc tổ chức 1 kỳ thi riêng không đơn giản với trường đại học. Với thí sinh, khi có nhiều kỳ thi riêng sẽ thêm áp lực, tốn kém.

Đồng quan điểm từ thực tế cơ sở giáo dục, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) cho rằng: Thực hiện Chương trình GDPT 2018 ngoài các môn bắt buộc, học sinh được lựa chọn các môn học khác. Như vậy, ngoài lộ trình điều chỉnh thi tốt nghiệp cho phù hợp mục tiêu chương trình thì việc duy trì sử dụng kết quả tốt nghiệp để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ là cần thiết nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu và quyền lợi của người học.

“Việc thay đổi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, cần sớm có lộ trình để quá trình dạy và học được điều chỉnh tương ứng, kịp thời tránh những thay đổi lớn và quá cận về mặt thời gian…” - Thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ