Kỳ vọng đột phá chất lượng

GD&TĐ - Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29, chất lượng GD-ĐT ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt được những thành tựu quan trọng.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Ảnh: TG

Năm 2024, ngành Giáo dục vùng đất Chín Rồng tập trung nguồn lực với quyết sách và kỳ vọng đột phá về chất lượng.

Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ là nhiệm vụ chiến lược

Thành phố có trên 17 nghìn công chức, viên chức, người lao động ngành GD-ĐT. Thời gian qua, các thầy, cô giáo luôn vững vàng bản lĩnh chính trị, tận tụy, tâm huyết với nghề. Chất lượng giáo dục toàn diện, tỷ lệ học sinh giỏi ngày càng nâng lên ở các cấp học. Công tác giáo dục mũi nhọn được chú trọng, nhiều học sinh đoạt giải cao tại cuộc thi quốc gia, quốc tế và luôn giữ vị trí dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngành Giáo dục thành phố tiếp tục đổi mới công tác đánh giá, xếp loại nhà giáo; lấy kết quả đánh giá làm căn cứ để đề bạt, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ quản lý đối với nhà giáo. Đảm bảo chế độ chính sách cho nhà giáo. Xây dựng môi trường sư phạm tích cực để nhà giáo yên tâm cống hiến… - Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ

Ngành Giáo dục thành phố xác định khó khăn hiện nay là tình trạng thiếu giáo viên các cấp học; nhất là giáo viên tiểu học. Giải pháp tháo gỡ trước nhất là thực hiện tuyển dụng bổ sung giáo viên.

Đối với đơn vị trực thuộc, sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyển dụng bổ sung giáo viên giảng dạy. Đối với quận, huyện, sở đề nghị chỉ đạo phòng Nội vụ, phòng GD&ĐT khẩn trương tham mưu thực hiện tuyển dụng viên chức bổ sung cho số lượng giáo viên còn thiếu…

Ông Trần Thanh Bình.

Ông Trần Thanh Bình.

Năm 2024, ngành GD-ĐT thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như chú trọng phát huy truyền thống cao quý của nhà giáo; đổi mới căn bản công tác quản lý GD-ĐT.

Để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp, thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xem đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ chiến lược trong việc phát triển đội ngũ nhà giáo. Đào tạo phải gắn với nhu cầu, theo địa chỉ; kết hợp đồng thời đào tạo với nâng cao chất lượng tuyển sinh các ngành sư phạm.

Ngành phối hợp với cơ sở đào tạo để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên với các nội dung: Bồi dưỡng giáo viên dạy môn học mới, đào tạo văn bằng 2… Bên cạnh đó, đa dạng nội dung, hình thức bồi dưỡng (thường xuyên, theo chuyên đề, nâng cao trình độ lý luận chính trị…) gắn bồi dưỡng lý thuyết với tham quan các mô hình tốt, cách làm hay, hoạt động chia sẻ kinh nghiệm…

Với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo thành phố, phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, địa phương, chung tay góp sức của nhân dân và nỗ lực quyết tâm của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo toàn ngành, tin tưởng rằng, ngành GD-ĐT thành phố sẽ tiếp tục duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về giáo dục được giao; hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang: Nâng chất giáo dục vươn tầm cao mới

Ông Lê Quang Trí.

Ông Lê Quang Trí.

Năm 2023, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu đề ra với những kết quả nổi bật. Nhiều mô hình mới, cách làm hay được nhân rộng và lan tỏa qua 10 năm triển khai; chất lượng giáo dục của tỉnh nâng cao; chất lượng đội ngũ nhà giáo nâng lên, cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư phát triển.

Ngành Giáo dục tỉnh luôn quan tâm, chăm lo kịp thời cho đội ngũ. Các kỹ năng chuyên môn, kiến thức mới kịp thời phổ biến rộng rãi đến đông đảo giáo viên. Để tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên, cùng việc tuyển dụng, sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết số 11/2021, Nghị quyết số 12/2021 và Nghị quyết số 21/2022 để thu hút, khuyến khích đối với viên chức quản lý và giáo viên mầm non. Các nghị quyết này có ý nghĩa quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh.

Năm 2024 được xác định là năm cuối cùng của chu trình đổi mới giáo dục theo Chương trình GDPT 2018. Với những kết quả đạt được năm 2023, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang tiếp tục có giải pháp đột phá, nâng cao chất lượng GD-ĐT vươn tầm cao mới.

Cùng với cả nước, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đang triển khai công cuộc đổi mới một cách căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng GD-ĐT. Trong đó, tập trung triển khai đổi mới sâu rộng đối với giáo dục phổ thông; cụ thể là triển khai Chương trình GDPT năm 2018. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, ngành GD-ĐT tỉnh thực hiện nhiều yếu tố, nguồn lực khác nhau; trong đó đội ngũ cán bộ, giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng.

Năm 2024, ngành GD-ĐT Tiền Giang tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần thực hiện tốt hơn công tác giảng dạy. Theo đó, ngành sẽ triển khai hiệu quả Đề án 1374 về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tiếp tục triển khai kế hoạch nâng cao trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo quy định. Chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Cùng đó, ngành Giáo dục tỉnh thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bố trí đủ giáo viên dạy môn Ngoại ngữ và Tin học để triển khai Chương trình GDPT 2018; nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.

Bà Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu: Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống

Bà Lâm Thị Sang.

Bà Lâm Thị Sang.

Năm 2023, ngành GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi được công nhận hoàn thành chương trình GD mầm non.

Chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được duy trì, ổn định và đạt ở mức khá cao: Tiểu học có 96,69% học sinh hoàn thành chương trình lớp học; THCS có 67,04% học sinh xếp loại học lực khá, giỏi; THPT có 61,21% học sinh xếp loại học lực khá, giỏi; Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có 99,89% học sinh đỗ tốt nghiệp.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp nâng lên và chuẩn hóa. Tỉnh tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ còn một số hạn chế, khó khăn như: Đội ngũ giáo viên thiếu so với định mức; tuyển dụng bổ sung giáo viên chưa đáp ứng kịp yêu cầu (do thiếu nguồn tuyển và thực hiện tinh giản biên chế) dẫn đến khó khăn trong việc bố trí đội ngũ, nhất là giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đối với các môn học mới, môn tích hợp chưa có giáo viên đáp ứng yêu cầu, vẫn phải bố trí nhân sự các môn hiện tại để giảng dạy gây khó khăn trong việc sắp xếp và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Cùng đó, các cơ sở giáo dục còn thiếu các chức danh như nhân viên văn thư, kế toán, thư viện, y tế…

Thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi mầm non được cải thiện đáng kể từ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và địa phương nhưng chưa đủ đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học ở các cấp, ngành học. Đến nay, toàn tỉnh còn 24 điểm trường chưa có đồ chơi ngoài trời (chủ yếu là điểm lẻ)… những khó khăn này phần nào ảnh hưởng đến việc đảm bảo yêu cầu thực hiện chương trình GD mầm non. Trong số trường công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỉnh có 35 trường hết thời gian công nhận trong năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở vật chất các trường chưa đáp ứng tiêu chuẩn mới theo quy định của Bộ GD&ĐT...

Năm 2024, ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu tập trung giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng GD-ĐT trong tình hình mới. Đặc biệt nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo Nghị quyết 12 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XVI) về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Triển khai đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Tỉnh tiếp tục triển khai thí điểm mô hình lớp tiểu học chất lượng cao trên địa bàn; thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”… Đồng thời định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS thông qua việc triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, đảm bảo an toàn trường học.

Ngành Giáo dục Bạc Liêu tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Thực hiện tốt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2017 - 2025. Lồng ghép có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho cơ sở giáo dục. Huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho giáo dục…

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, sở GD&ĐT cũng như các địa phương tổ chức nhiều đợt tuyển dụng trong năm. Hướng dẫn các trường thực hiện thỉnh giảng đối với giáo viên nghỉ hưu cũng như điều chuyển giáo viên giữa các trường. Phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức bồi dưỡng giáo viên giảng dạy các môn mới cấp tiểu học và THCS theo Chương trình GDPT 2018. - Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ