Nâng chất bài báo khoa học ở Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Nhiều trường đại học tại Đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy mạnh công bố bài báo khoa học trên tạp chí trong nước và quốc tế.

Khảo sát thực nghiệm nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Kiên Giang. Ảnh: NTCC
Khảo sát thực nghiệm nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Kiên Giang. Ảnh: NTCC

Đây cũng là tiêu chí để đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên và nhà trường.

Mạnh dạn đầu tư

Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các trường đại học, trong đó, đội ngũ nòng cốt là cán bộ, giảng viên giảng dạy và làm công tác nghiên cứu. Để có bài báo khoa học, nhiều trường đại học mạnh dạn đầu tư kinh phí, tăng cường công tác tập huấn, hỗ trợ đội ngũ, đồng thời có chính sách khen thưởng, khuyến khích giảng viên.

Năm học 2022 - 2023, Trường ĐH Đồng Tháp công bố hơn 300 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, trong đó 62 bài công bố trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục WoS/Scopus. Nhà trường đã triển khai hiệu quả chính sách khuyến khích công bố bài báo khoa học.

Theo đó, công trình thuộc danh mục WoS (SCIE, SSCI, AHCI) và được xếp hạng giá trị Q theo Tổ chức Scimago có mức hỗ trợ cao nhất 81 triệu đồng, thấp nhất 16 triệu đồng. Công trình thuộc danh mục ESCI/Scopus và được xếp hạng giá trị Q có mức hỗ trợ cao nhất 40 triệu đồng, thấp nhất 14 triệu đồng.

Viên chức là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ của nhiều công trình công bố quốc tế thuộc danh mục WoS (SCIE, SSCI, AHCI) và Scopus trong năm (có từ 3 công trình trở lên) nhận mức tối đa là 10 triệu đồng/năm. Đơn vị (khoa) dẫn đầu về số lượng công trình công bố thuộc danh mục WoS/Scopus vượt chỉ tiêu giao hằng năm được hỗ trợ từ 10 - 30 triệu đồng…

Theo TS Hồ Văn Thống - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, nhà trường tiếp tục triển khai Dự án nâng cao chất lượng nhằm đưa Tạp chí Khoa học Trường ĐH Đồng Tháp vào chỉ mục trích dẫn Đông Nam Á - ACI. Mỗi giải thưởng danh giá mà sinh viên đang học tại trường đạt được, công trình, bài báo khoa học được công bố, hay mỗi tân thạc sĩ, tiến sĩ bảo vệ thành công luận văn, luận án rồi trở về trường công tác… đều là niềm vui, sự tự hào của tập thể, hòa chung và được nhân lên từ niềm vui mỗi cá nhân.

Trong năm 2022, Trường ĐH Cần Thơ có 2.125 bài báo được công bố, trong đó có 1.888 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành, 237 bài báo đăng tại hội thảo, hội nghị và 695 bài báo thuộc danh mục Scopus và WoS. Năm 2022 trường dành hơn 1,4 tỷ đồng để khen thưởng cho tác giả 529 bài báo được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục Web of Science…

Để nâng chất bài báo khoa học, Trường ĐH Cần Thơ thường xuyên tổ chức hội thảo học thuật, tọa đàm về cách thức, kinh nghiệm, chuẩn bị bài báo khoa học xuất bản trên tạp chí uy tín cho giảng viên, nhà khoa học, nghiên cứu sinh và học viên cao học.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Ngữ - Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp (Trường ĐH Cần Thơ), trường có nhiều hoạt động để đẩy mạnh công bố khoa học quốc tế, trong đó việc mời các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong công bố khoa học nhằm hỗ trợ giảng viên, nhà nghiên cứu của trường; đồng thời thúc đẩy hoạt động công bố khoa học trên các tạp chí uy tín trên thế giới.

Trường ĐH Cần Thơ tổ chức hội thảo học thuật chủ đề cách thức, chuẩn bị bài báo khoa học. Ảnh: NTCC

Trường ĐH Cần Thơ tổ chức hội thảo học thuật chủ đề cách thức, chuẩn bị bài báo khoa học. Ảnh: NTCC

Thành lập nhóm nghiên cứu

Bên cạnh tạo điều kiện, khen thưởng, các trường đại học chú trọng hình thành nhóm nghiên cứu mạnh, trọng điểm. Việc hình thành nhóm nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng bài báo khoa học, đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học.

Tại Trường ĐH Đồng Tháp, thời điểm trước năm 2019 chưa thành lập các nhóm nghiên cứu. Giai đoạn này, các nhóm nghiên cứu của trường được hình thành dựa trên sự tự giác của giảng viên, người học để hoàn thành nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã phê duyệt.

Đến năm 2020, Trường ĐH Đồng Tháp thành lập 10 nhóm nghiên cứu trọng điểm về lĩnh vực khoa học tự nhiên với 83 thành viên trong và ngoài trường. Theo TS Phan Trọng Nam - Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ (Trường ĐH Đồng Tháp), việc hình thành, phát triển các nhóm nghiên cứu đã tác động tích cực đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Chia sẻ về công tác nghiên cứu khoa học, ThS Võ Xuân Huyên - Phó Trưởng phòng phụ trách Hợp tác và Khoa học công nghệ (Trường ĐH Kiên Giang) thông tin: Mỗi năm trường có khoảng 110 bài báo khoa học, trong đó có hơn 30 bài báo quốc tế.

Để khuyến khích, tăng cường công bố bài báo khoa học quốc tế, trường hỗ trợ kinh phí cho viên chức, giảng viên với các mức khác nhau, tùy thuộc xếp hạng của tạp chí; mức hỗ trợ từ 15 đến tối đa 35 triệu đồng/bài. Viên chức, giảng viên có thể tham gia nghiên cứu khoa học thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, hoặc viết báo khoa học.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ kinh phí công bố, khen thưởng như trên, viên chức, giảng viên tham gia viết báo còn được tính điểm thưởng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ khi đánh giá xếp loại cuối năm, từ đó tăng thêm thu nhập nếu có kết quả xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

ThS Võ Xuân Huyên cho biết thêm, để nâng cao năng lực và khơi gợi đam mê nghiên cứu, cũng như phát triển các ý tưởng nghiên cứu, trường đã mời chuyên gia tập huấn nghiên cứu khoa học; xây dựng quy định về thành lập nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh, tiến tới thành lập các nhóm nghiên cứu gồm thành viên trong và ngoài trường. Qua đó, trường kết nối, tạo cơ hội cho viên chức, giảng viên tiếp xúc, học hỏi từ các chuyên gia, nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước.

Theo TS Phan Trọng Nam - Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ (Trường ĐH Đồng Tháp), để các nhóm nghiên cứu của cơ sở giáo dục đại học phát triển thành nhóm nghiên cứu mạnh theo quy định hiện hành, Bộ GD&ĐT cần ban hành các tiêu chí đặc thù dành riêng cho các cơ sở giáo dục ở vùng khó khăn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.