Kỳ vọng đổi mới

GD&TĐ - Xây dựng sớm phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, là một yêu cầu cấp thiết và thời gian qua...

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2022, xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2023 - 2024 và từ năm 2025, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh.

Quyết định tiếp tục giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 như 2022 của Bộ GD&ĐT được các nhà trường, địa phương, học sinh, giáo viên, phụ huynh bày tỏ sự đồng tình nhất trí cao. Bởi trong bối cảnh chương trình GDPT 2006 đang triển khai những năm cuối, việc giữ ổn định mô hình, cách thức tổ chức thi cho phù hợp là rất cần thiết, tránh gây sốc với người học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

Ngay sau hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương cho biết khá chủ động và thuận lợi trong việc xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT 2023 - 2024. Vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người và cũng là nội dung “căng não” hơn là xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Thực tế cho thấy, năm học 2022 - 2023 cả nước có lứa học sinh lớp 10 đầu tiên theo học Chương trình GDPT 2018 với nhiều đổi mới so với chương trình cũ. Theo kế hoạch, năm 2025 lứa học sinh này sẽ tốt nghiệp THPT.

Trong bối cảnh nhiều trường đại học vẫn dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp, những thay đổi điều chỉnh về phương thức cũng như kỹ thuật của kỳ thi này ảnh hưởng rất lớn đến đường hướng ôn luyện của học sinh. Vì thế, không chỉ giáo viên, học sinh, phụ huynh mà chính quyền địa phương, trường đại học, cao đẳng cũng đang ngóng chờ một “định dạng” thi tốt nghiệp THPT từ 2025 phù hợp với thực tiễn dạy học Chương trình GDPT 2018.

Xây dựng sớm phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, vì thế, là một yêu cầu cấp thiết và thời gian qua, cơ quan quản lý ngành đã hết sức khẩn trương trong triển khai thực hiện. Không chỉ trong Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2022 - 2023, trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 đối với công tác thi và quản lý chất lượng khối Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT cũng đã cho biết sẽ có những thay đổi của kỳ thi từ 2025 và đã có một vài phương án đã được dự kiến, lấy ý kiến chuyên gia.

Trước đó nữa, năm 2020, báo cáo Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực về định hướng Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GD&ĐT cũng cho hay từ năm 2023, sẽ chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, đề thi phục vụ cho việc áp dụng Chương trình GDPT mới từ năm 2025 với các hình thức thi trên máy tính do địa phương chủ trì toàn diện.

Quá trình đổi mới thi cử bao giờ cũng thu hút sự quan tâm của dư luận vì nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh mà còn tác động trực tiếp đến tổ chức giảng dạy, ôn tập tại các trường phổ thông. Vì thế, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, điều quan trọng nhất của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là thực hiện được nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện nay và điều chỉnh để phù hợp với đổi mới của Chương trình GDPT 2018.

Chương trình này tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng, do đó kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực. Những yêu cầu này tạo ra không ít thách thức, khó khăn trong triển khai thực hiện xây dựng phương án thi từ 2025, nên cần thời gian để tính toán kỹ lưỡng.

Cho đến nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ, các địa phương đã và đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất về các phương án thi. Bên cạnh xây dựng và hoàn thiện phương án Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 - 2024 theo hướng ổn định, các địa phương cũng cẩn trọng nghiên cứu phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với nhiều đổi mới theo lộ trình. Tin rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của ngành, sự chung sức của các địa phương, “định dạng” Kỳ thi tốt nghiệp sau 2025 sẽ sớm được công bố, đáp ứng kỳ vọng đổi mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ