Sự trở về của những di vật, kỷ vật ấy như chiếc cầu nối quá khứ và hiện tại. Không chỉ mang theo ký ức thiêng liêng của bao thế hệ đã từng chiến đấu quên mình để bảo vệ Tổ quốc, mà còn là lời nhắc nhở chúng ta phải trân trọng hòa bình, không để lặp lại đau thương chiến tranh.
Những kỷ vật lưu lạc hơn nửa thế kỷ trở về
Tháng 4 của 50 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cựu binh Lê Đức Thuận (quê Thanh Hóa) bất ngờ được kết nối thông tin để nhận lại cuốn sổ ghi chép đã thất lạc khi tham gia kháng chiến chống Mỹ. Bàn giao cuốn sổ cho ông Thuận là những người đến từ nửa bên kia trái đất, trong nỗ lực hàn gắn, khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam.
Cựu binh Lê Đức Thuận lần giở trang sổ đã ố vàng, ký ức một thời kháng chiến như sống dậy. Ông nhập ngũ tại Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, sau nhiều tháng tập trung huấn luyện, ông và đồng đội lên đường chiến đấu. Cuốn sổ này ông đã bị thất lạc trong lần đụng độ với đối phương tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, ngày 12/7/1970.
“Tôi may mắn trở về sau chiến tranh, nhưng có những người bạn chiến đấu đã mất một phần cơ thể, hoặc nằm lại mãi mãi đâu đó trong chiến trường cũ, trong các nghĩa trang liệt sĩ. Có những đồng đội đã ra đi mà đến giờ gia đình vẫn chưa tìm được mộ, không có một tấm ảnh hay dòng thư để lại. Đó là nỗi day dứt của những cựu binh…”, giọng ông Lê Đức Thuận chùng xuống.
Nhận lại kỷ vật trong chiến tranh, ông được sống lại ký ức thiêng liêng của một thế hệ từng sống, chiến đấu và hi sinh cho độc lập, tự do của dân tộc. Thế hệ ấy có biết bao người ngã xuống để đất nước đứng lên, để không còn nỗi đau chiến tranh cho những ngày sau…
Ngồi lặng im lật giở cuốn sổ cũ màu thời gian, ông Nguyễn Văn Lân (quê Quảng Bình) chia sẻ, đây là lần đầu tiên ông được “gặp” cậu ruột của mình – liệt sĩ Nguyễn Văn Hiển.
“Cậu lên đường nhập ngũ khi còn trẻ lắm, chưa lập gia đình, còn tôi thì vừa được sinh ra. Lớn lên, tôi chỉ biết cậu qua nỗi nhớ mong và câu chuyện kể của mẹ, của bà. Ngày ấy, cậu đẹp trai, học giỏi, vẽ đẹp và làm thơ hay lắm… Cậu hi sinh khi chưa kịp hòa bình, cho đến giờ gia đình vẫn chưa tìm được mộ”, ông Lân xúc động chia sẻ.
Người cháu liệt sĩ Nguyễn Văn Hiển tâm sự, cuốn sổ ghi chép thực sự là niềm an ủi lớn đối với gia đình. Những năm qua, hoàn cảnh cá nhân còn nhiều vất vả, lo toan, gia đình ông Lân vẫn cố gắng tìm kiếm thông tin của cậu nhưng chưa có kết quả.
“Trong cuốn sổ được bàn giao cho gia đình có ghi chú ngày tìm được vào tháng 7/1967 tại Đức Phổ, Quảng Trị, cũng là thời điểm cậu tôi hi sinh theo giấy báo tử. Tôi hi vọng rằng, từ cuốn sổ này gia đình sẽ có thêm thông tin, sự kết nối để sớm tìm được mộ của cậu”, ông Lân mong mỏi.



Không để lặp lại đau thương chiến tranh
Tháng 4/2025, Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban chỉ đạo 515) Quân khu 4 tổ chức lễ bàn giao kỷ vật kháng chiến do phía Mỹ cung cấp tới cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ.
Các kỷ vật được bàn giao lần này là 3 bản sao sổ ghi chép của cựu chiến binh Lê Đức Thuận (SN 1949, quê Thanh Hóa), cựu chiến binh Trần Minh Tuyển (SN 1944, quê Hà Tĩnh) và liệt sĩ Nguyễn Văn Hiển (SN 1943, quê Quảng Bình, hi sinh năm 1967).
Đây là những hiện vật được các cựu binh Mỹ thu giữ sau các cuộc giao tranh với quân giải phóng tại Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Dương… Các hiện vật này sau đó được lưu trữ dưới dạng bản ảnh. Sau đó, cơ quan chức năng phía Hoa Kỳ đã nỗ lực xác minh, tìm kiếm thông tin chủ nhân để bàn giao.
Đại tá Phạm Văn Đông - Chủ nhiệm chính trị Quân khu 4 cho biết, thời gian qua, bằng trách nhiệm và tình cảm, các đơn vị của Việt Nam và Hoa Kỳ đã phối hợp tìm kiếm, xác minh thông tin với mong muốn đưa các anh hùng liệt sĩ, kỷ vật chiến tranh trở về với gia đình, quê hương. Qua đó, thể hiện sự tri ân của thế hệ ngày nay đối với người có công với cách mạng, góp phần xoa dịu những mất mát, hi sinh của thân nhân gia đình liệt sĩ.



Trong buổi lễ nhận bàn giao kỷ vật trong chiến tranh, cựu chiến binh Trần Minh Tuyển với vóc người nhỏ bé, bắt tay thật chặt với những đại diện phía Hoa Kỳ. Ông nhắc đi nhắc lại những từ ngắn gọn: “Hòa bình – hòa giải”, “hợp tác – phát triển” để phiên dịch truyền đạt lại cho những người đi tìm kỷ vật chiến tranh đến từ đất nước bên kia Trái đất.
Nhận lại cuốn sổ ghi chép và lá thư viết gửi gia đình trước giờ ra trận, cựu chiến binh Trần Minh Tuyển nhớ lại ngày đi B tháng 12/1964, ông và đồng đội từng được làm lễ truy điệu sống tập thể.
“Cuốn sổ ghi chép và lá thư cũng như chiếc cầu nối gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, gắn kết những đau thương của chiến tranh với khát vọng hòa bình. Đây là kỷ vật vô giá, là biểu tượng của lịch sử, của ký ức và cả sự hi sinh…”, ông Trần Minh Tuyển bày tỏ.
Trở về từ sau cuộc kháng chiến, đất nước hòa bình, cựu chiến binh Trần Minh Tuyển mới nghĩ tới hạnh phúc riêng. Ông nên duyên với bà Nguyễn Thị Đình và sinh sống tại quê nhà Thạch Hà, Hà Tĩnh. Nhưng di chứng chất độc màu da cam khiến ông bà không dám và không thể có con chung.
Cả hai vẫn nắm tay nhau, sống thật ý nghĩa với cuộc đời của mình, đóng góp vào hoạt động nơi công tác, ở địa phương. Chiến tranh là một giai đoạn khốc liệt, không chỉ để lại dấu ấn lên những người tham gia, mà còn trên cả thế hệ tiếp theo.
“Tôi mong rằng, kỷ vật này không chỉ là dấu ấn cá nhân, mà còn là lời nhắc nhở chung về giá trị của hòa bình, về việc chúng ta phải làm mọi điều để không lặp lại những đau thương của chiến tranh. Hãy để những kỷ vật này kể câu chuyện truyền cảm hứng và sống dậy những lý tưởng cao đẹp”, cựu chiến binh Trần Minh Tuyển nhắn gửi.
Theo Giáo sư Anthony Saich (Trường Harvard Kennedy, Mỹ), những năm qua, nhóm nghiên cứu đã thực hiện trao trả 54 bộ kỷ vật chiến tranh tới cơ quan chức năng Việt Nam và các cựu chiến binh, thân nhân các liệt sĩ. Năm 2025 là dấu mốc đặc biệt, kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh ở Việt Nam và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Việc trao trả kỷ vật thời chiến đáp lại mong mỏi của thân nhân gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh. Đồng thời có vai trò quan trọng trong thúc đẩy hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam.