Ký ức tuổi xanh

Ký ức tuổi xanh

(GD&TĐ) - Nhận được bằng rồi, tôi được phân công giảng dạy tại trường Dân tộc nội trú cách nhà khoảng hơn nửa cây số. Lúc đầu, tôi hơn buồn bởi tôi luôn hi vọng được giảng dạy ở một ngôi trường thành phố với những dãy phòng khang trang, những con đường trải đầy nhựa thơm… Nhưng không sao, tôi tự an ủi mình, miễn là được dạy học, được những đôi mắt ngây thơ nhìn ngưỡng mộ và gọi mình bằng thầy.

Ảnh minh họa/intenet
Ảnh minh họa/intenet

Nghĩ đến đây, tôi thấy vui vui trong lòng. Những ngày đầu tập sự, tôi gặp nhiều khó khăn, môn Toán học với tôi thì dễ nhưng lên lớp để giảng cho các em học sinh hiểu được các định lý, các tiền đề… thật là khó biết bao. Việc lên lớp từng tiết khiến tôi cứ phải căng đầu ra giảng bài. Nhìn những ánh mắt băn khoăn của các em học sinh, lòng tôi lại tràn ngập nỗi suy tư, trăn trở. Tôi tự hỏi: Có cách nào giúp các em tiếp thu bài nhanh nhất, nhẹ nhàng nhất và hơn hết là để cho môn học của tôi bớt đi sự khô khan?

Thời gian không chờ đợi, tôi tập trung học hỏi kinh nghiệm, có lẽ tôi còn phải học hỏi nhiều, từ cách đứng lớp, phương pháp, cách giải bài nhanh và hiệu quả, dễ nhớ nhất. Và thật may mắn, tôi đã gặp cô. Cô Trần Nguyễn Ngọc Thảo. Mái tóc uốn lọn quăn, ánh nhìn của cô sâu thẳm ẩn chứa biết bao bí mật. Song khi nói chuyện và giảng bài cho tôi, cô thật sâu sắc, lời giải hấp dẫn với óc khôi hài khiến tôi nhận thấy ở cô có sức hút kỳ lạ… Đúng rồi, tôi chợt nhận ra bài giảng của mình cần có một chút dí dỏm, một chút ví von, khi cần thiết cũng có thể đọc đôi câu thơ, hoặc ngâm một khúc nhạc. Thời gian trôi qua, tôi đã cố gắng nỗ lực rất nhiều. Những giờ lên lớp tôi vẫn nhờ cô dự giờ góp ý cho mình. Cô luôn nhiệt tình, khen tôi giảng có những lúc xuất thần và nhỏ nhẹ, góp ý chỉ dẫn những kỹ năng đứng lớp trong việc xử lý tình huống, cách dẫn dắt vấn đề thật thuyết phục.

Cô Thảo không phải là giáo viên dạy Toán, cô là giáo viên dạy Văn, ngày trước cô từng là học sinh giỏi Toán cấp tỉnh năm học cấp ba. Nhưng cô lại không theo ngành Toán, bởi cô tâm sự với tôi, từ nhỏ cô đã say mê văn chương, đặc biệt là các tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng… Cô kể tôi nghe những câu chuyện lịch sử, những bài học đối nhân, cùng đọc những câu thơ lục bát, song thất, Đường luật… một cách say sưa. Cô đã dạy tôi cách đưa vấn đề và giải quyết vấn đề trong một tiết học sao cho hợp lý, đảm bảo được thời gian, đảm bảo được kiến thức bài học… Tôi thật sự đã trưởng thành từ những kinh nghiệm đúc kết từ người cô đầu tiên khi tôi bước vào nghề dạy học.

Giờ đây, tôi đã là giáo viên dạy Toán lớp 12, với hơn 10 năm tuổi nghề. Những tiết dạy của tôi đem đến cho các em những giây phút thú vị và nhẹ nhàng, có lúc tôi còn đọc cả thơ, những bài thơ mà ngày xưa cô đã đọc cho tôi nghe và bây giờ tôi đọc cho các cô cậu học trò nhỏ của mình. Nhiều lúc cao hứng, tôi còn phổ cả nhạc nữa, hát cho các em nghe… Giờ học Toán của tôi các em rất háo hức, có đứa thầm nói: “Sao thầy không dạy Văn hay là một nhà thơ, ca sĩ nhỉ”. Tôi bảo: Học Toán thì khô khan, nhưng nếu các em có tâm hồn các em sẽ học tốt hơn. Tôi thầm nghĩ chúng đâu biết rằng, ngày xưa tôi cũng như chúng, say mê thuộc làu từng lời giảng của cô… Tôi càng thêm yêu sao cái nghề của mình, nhìn những ánh mắt trẻ trong sáng, long lanh như đang muốn đặt ra hàng trăm câu hỏi để hỏi thầy: “Sao lại thế này mà không phải thế kia…?”. 

Tôi cười và như đang được sống lại là mình ngày trước, cái thưở tung tăng cắp sách chơi đùa, những ngày đầu tập giảng có cô là người mở đường. Lòng tôi chợt bâng khuâng nhớ về cô giáo cũ, người cô đáng kính mà suốt đời tôi không sao quên được, người đã tiếp cho tôi sức mạnh, lòng yêu nghề và hiểu được niềm vui công việc đem lại. Tuy cô không phải là tất cả nhưng đấy là hành trang cô đã trao cho tôi bước vào đời để tôi được yêu và sống với nghề.

Mã số: 2009

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...