Ký ức thành cổ Quảng Trị

GD&TĐ - Là một người lính chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị những năm bom đạn ác liệt nhất, không lúc nào ông Lê Xuân Tường (ngõ Tức Mạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) quên chiến trường xưa. Những kỷ vật thời chiến như chiếc ba lô đôi chỗ đã bị thủng bởi vết đạn của kẻ thù, túi cứu thương, bao đựng đạn AR15, chiếc bật lửa Zippo, con dao găm thu giữ của địch… được ông nâng niu cất giữ cẩn thận như một phần tuổi trẻ của mình.

Những hiện vật thời chiến của ông Nguyễn Xuân Tường hiến tặng Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: TG
Những hiện vật thời chiến của ông Nguyễn Xuân Tường hiến tặng Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: TG

Ông Lê Xuân Tường sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, bố mẹ ông đã từ bỏ tất cả để đi theo cách mạng, kháng chiến. Lúc đó là năm 1946, “gia đình tôi cùng bố theo cơ quan giáo dục chuyển về Thanh Hóa. Mẹ tôi, bà tôi mang con cái và 2 cô em chồng tản cư về Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), lên Việt Bắc, về Hòa Bình rồi vào Thanh Hóa. Chiến thắng trở về, đến thời kỳ bao cấp, bố mẹ tôi chưa bao giờ cảm thấy luyến tiếc bất cứ điều gì và nhận thấy con đường đi của mình là đúng đắn”, ông Tường chia sẻ.

Khúc dạo đầu bi tráng

Năm 1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng sinh viên Lê Xuân Tường lên đường nhập ngũ. Nhắc đến những năm tháng chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị, những ký ức của thời kỳ mưa bom, bão đạn lại ùa về trong ông.

“Với chúng tôi, những người lính - sinh viên thì thành cổ Quảng Trị là khúc dạo đầu bi tráng của Thiên anh hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chúng tôi không thể nào quên được những người bạn đã nằm lại trên chiến trường, họ chỉ được bọc trong tấm tăng võng lạnh lẽo, chôn vội vàng dưới làn bom đạn.

Nhớ đến những đồng đội đã ngã xuống không được toàn thây dưới những trận bom B52 và của đủ các loại pháo dàn, pháo bầy của địch... Những ký ức ấy luôn chảy trong chúng tôi và ở đó có cái thiêng liêng hơn, cao quý hơn, vượt lên tất cả để trở thành khúc tráng ca bất diệt”. Đó là những cảm xúc đã được ông Tường chia sẻ trong cuốn hồi ký “Ngược dòng ký ức” của mình.

Nhớ về chiến trường Quảng Trị, ông Tường kể về ngày đầu tiên tiểu đội vượt sông Thạch Hãn (25/8/1972): “Dòng sông quãng chúng tôi vượt không rộng lắm, khoảng 200m, bên này là dốc đứng, bên kia là bãi bồi. Đạn pháo địch nổ giăng màn trên sông hết đợt này đến đợt khác, dầy đến nỗi nước sông như một màn nước dựng đứng liên tục bên bờ bên kia.

Khi bộ đội vượt sông, chưa đến bờ bên kia thì “trúng pháo rồi!”. Tôi cảm tưởng một bức tường nước đổ ập xuống đầu và không biết gì nữa. Mở mắt ra tôi thấy cách mép nước gần hai mét, bên kia sông dưới ánh sáng như ban ngày của pháo sáng địch rất nhiều balo, mũ cối... của đồng đội nhấp nhô trên mặt sông bị băm nát, họ không kịp đến bên bờ bên kia”.

Ông Lê Xuân Tường (bên phải) hiến tặng hiện vật thời chiến cho Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: TG
  • Ông Lê Xuân Tường (bên phải) hiến tặng hiện vật thời chiến cho Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: TG

Kỷ vật kể chuyện thời chiến

Chiến tranh đã rời xa nhưng những ký ức và kỷ vật chiến trường vẫn còn được ông lưu giữ đến hôm nay. Quý nhất là chiếc ba lô suốt từ ngày nhập ngũ (27/5/1972), gắn liền với ông trong quãng thời gian chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Chiếc ba lô được giữ gìn rất cẩn thận, đôi chỗ đã bị thủng bởi vết đạn của kẻ thù. Tên ông được viết trên nắp ba lô cũng đã phai mờ theo thời gian.

Cầm chiếc ba lô trên tay, ông kể: “Khi tôi bị thương và được điều trị tại trạm phẫu thuật tiền phương của mặt trận cánh Đông, chiếc ba lô này đã được đồng đội sử dụng lại vì thời kỳ đó anh em thường lấy quân tư trang của những người đi viện để dùng. Khi quay trở lại chiến trường, “tôi nhìn thấy chiếc ba lô của tôi ở góc hầm, một đồng đội đang dùng nó... tôi hy vọng những cuốn sách của tôi nhặt được vẫn còn nhưng chẳng còn gì ngoài cái ba lô vẫn đề tên tôi trên nắp. Đổi cho Trình cái ba lô mang từ Bắc vào, tôi lấy lại cái ba lô cũ, với nó tôi cảm nhận tất cả những gì từ khi nhập ngũ”.

Nhìn ngắm những kỷ vật gắn bó với mình suốt một thời quân ngũ, nay gửi tặng bảo tàng, ông Tường say sưa kể cho chúng tôi về những chiến lợi phẩm thu giữ được của địch như cái mở đồ hộp, bật lửa Zippo, con dao găm, các câu chuyện thời đạn bom, khói lửa.

Ngày 16/9/1972, khi làm nhiệm vụ thọc sâu vào sào huyệt của địch tại khu vực chợ Sài – Quảng Trị, tiểu đội của ông đã chiến đấu suốt từ sáng đến đêm ngày 19/9. Sau này mới biết trận đó, ông và đồng đội đánh để phân tán lực lượng cho quân ta trong thành cổ rút ra ngoài. Trong lúc chiến đấu, ông đã hạ một binh lính Việt Nam Cộng hòa cách ông chừng 7m.

Tối đến, ông rút ra và đi qua xác người lính đó, mở ba lô và túi áo giáp, ông thu được mấy bao thuốc lá, bật lửa và dụng cụ mở đồ hộp. Những chiến lợi phẩm thu được trong chiến đấu được ông cất giữ cẩn thận.

Ông Lê Xuân Tường chia sẻ những câu chuyện hiện vật. Ảnh: TG
  • Ông Lê Xuân Tường chia sẻ những câu chuyện hiện vật. Ảnh: TG

Tháng 11/1972, ông bị thương, ra Bắc điều trị và an dưỡng lần 1, trước khi quay lại đơn vị, mẹ ông bảo: “Con mang theo cái túi nhỏ nào đó để luôn mang theo bên người”. Ông đã ra chợ hàng Da, đặt một chiếc túi và đeo bên người, đựng thuốc và một số vật dụng cần thiết. Túi đựng cứu thương gắn bó với ông cho đến ngày ra quân.

Nhìn chiếc mũ tai bèo hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội, ông Tường kể lại: Mũ tai bèo được Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 trang bị năm 1973, nó là vật dụng quen thuộc gắn bó với người lính trong suốt quá trình sống và chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị.

Mong muốn thế hệ sau biết được giá trị của những kỷ vật chiến trường, ông Tường đã quyết định tặng lại toàn bộ những món đồ trên chiến trường cho Bảo tàng Hà Nội. Ông hi vọng những câu chuyện của mình được chia sẻ trong phần trưng bày để thế hệ trẻ có thể hình dung về một cuộc chiến khốc liệt.

“Sinh viên tại Hà Nội khi đó đã xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, với lòng khát khao một ngày mai chiến thắng trở về lại tiếp tục những gì còn dang dở. Cái chất ấy đã giúp chúng tôi thêm lạc quan để chiến thắng tất cả. Và đó là niềm kiêu hãnh, tự hào của cả thế hệ sinh viên - chiến sĩ trong những năm tháng hào hùng của dân tộc”, ông Tường chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.