Ký ức tháng 7 của một vị tướng

GD&TĐ - Trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, biết bao anh hùng, liệt sĩ, thương binh đã vì đất nước mà không tiếc máu xương và mạng sống của mình.

Tướng Hiệu trong một chuyến đi tri ân đồng đội và đồng bào
Tướng Hiệu trong một chuyến đi tri ân đồng đội và đồng bào

Chính vì thế, cứ mỗi năm, tháng 7 được người dân nước ta coi là tháng tri ân, để có những hành động thiết thực biết ơn, tưởng nhớ những người liệt sĩ, thương binh. Riêng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - người đã từng tham gia trực tiếp 67 trận đánh trong chiến tranh chống Mĩ cứu nước – cũng muốn tri ân những người từng giúp cách mạng, giúp ông hoàn thành nhiệm vụ trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Tướng Hiệu cho biết, chính trong những ngày cả nước cùng quyết tâm chống dịch như chống giặc, sự đồng tâm hiệp lực toàn dân, đặc biệt là rất nhiều doanh nghiệp đã góp những khoản kinh phí lớn vào quỹ vắc xin là hành động thể hiện truyền thống văn hóa lâu đời của nhân dân ta - truyền thống toàn dân cùng đánh giặc.

Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, đáp lại lời hiệu triệu của Lãnh đạo đất nước, toàn dân ta sẽ cùng chung tay, dồn tâm huyết vào việc chung để diệt giặc dữ. Trong lịch sử nhiều quốc gia đã cho thấy, nếu khơi dậy được niềm tự hào, lòng tự trọng, tôn vinh dân tộc mình trong toàn dân, thì kẻ thù nào cũng sẽ bị dân tộc đó đánh bại.

Sự ủng hộ nhiều tỉ đồng vào quỹ vắc xin của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế ở nước ta trong thời điểm này khiến tướng Hiệu nhớ lại việc mình đã được đồng bào giúp đỡ tận tình, hiệu quả, để có thể chiến đấu oanh liệt và chiến thắng. Đó là thời điểm Mậu Thân 1968, quân giải phóng miền Nam Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Địch phản kích dữ dội, chúng tổng lực sức mạnh của quân đội Mĩ và quân đội Việt Nam Cộng hòa tập kích quân ta.

Trong khi đó, tới năm 1969 thì Bác Hồ mất, đất nước chìm trong khó khăn, đau buồn. Nhưng chính lúc đó, chúng ta đã biết khơi dậy lòng tự trọng, truyền thống văn hóa của dân tộc, cả nhân dân đồng lòng vùng lên, biến đau thương thành hành động, phản công mạnh quân địch, giải phóng đất nước.

Vào năm 1970-1972 trong chiến dịch Quảng Trị, nhân dân, đồng bào Bình Trị Thiên, đặc biệt là nhân dân Quảng Trị đã giúp Nguyễn Huy Hiệu và đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Kể cả đồng bào các dân tộc ở Quảng Trị như đồng bào Vân Kiều đã chung tay góp sức cùng đơn vị quân đội đánh Mĩ.

Một tấm gương tiêu biểu về hình ảnh người dân cùng đánh giặc, đó là xã đội trưởng Nguyễn Minh Kỳ ở Cam Lộ, từng được mệnh danh là Hùm xám Quảng Trị, đã giúp Trung đoàn 27 cơ động và chiến đấu oanh liệt tại Mặt trận B5 thời đó. Tấm gương tiêu biểu thứ hai là đồng chí Võ Nguyên Quảng - huyện đội trưởng huyện Phong Điền.

Rồi những cô gái Quảng Trị như O Tâm, O Thiết đã không quản ngại gian lao và hy sinh, dẫn đường cho quân giải phóng trước, trong và sau các chiến dịch, đồng thời tiếp lương, tải đạn rất nhiệt tình. Không tiếc máu xương, các cô gái Quảng Trị đã bám trụ ban ngày trong gian khó; thông tin, tiếp lương tải đạn xuyên đêm, có công lao lớn trong thắng lợi của cách mạng.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

Sau mở màn chiến dịch 1972, các Cao điểm 322, 288, 544 được giải phóng, Trung đoàn 27 trở về cánh Đông giải phóng Triệu Phong và Hải Lăng. Lúc đó, Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại, có hai nhân vật người dân tiêu biểu đã có đóng góp rất lớn cho cách mạng, giúp Trung đoàn chiến đấu hiệu quả và giành thắng lợi. Một người là ông Nguyễn Văn Quảng, huyện đội trưởng Phong Điền.

Ông phái O Nghệ từ Huế vượt qua Thanh Hương ra gặp Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 Phạm Minh Tâm và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Nguyễn Huy Hiệu. O Nghệ đã cung cấp toàn bộ thông tin về tình hình địch ở phía Thanh Hương, Phong Điền, Huế. Nhờ thông tin hữu ích của O Nghệ cung cấp, Trung đoàn 27 do đồng chí Cao Uy chỉ huy, nhanh chóng tập trung lực lượng đánh địch ở khu vực Bắc Thanh Hương và nhà thờ Chi Bưu thôn Lại Cửu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ cánh Đông thị xã Quảng Trị giúp cho đồng chí Trần Minh Vân chỉ huy trung đoàn 48 chốt trong Thành cổ trong suốt chiến dịch.

Sau này, cứ mỗi dịp tháng 7 tới, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lại thực hiện chuyến đi tri ân những người dân từng giúp ông hoàn thành nhiệm vụ trong chiến tranh, trong đó có O Nghệ.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng tin tưởng rằng, trong cuộc chiến với dịch Covid-19 hiện nay, khi chúng ta khơi dậy được sự đoàn kết toàn dân, lòng tự tôn dân tộc, mọi người dân đồng sức đồng lòng góp công chống dịch, thì đất nước ta nhất định sẽ chiến thắng Covid-19.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.