Thượng tướng - Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu: Rạng rỡ đời binh nghiệp

Thượng tướng - Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu: Rạng rỡ đời binh nghiệp

(GD&TĐ) - Ông là người hay đi, bất kể tuổi tác, với ông, đi để khỏe ra. Chữ khỏe hiểu theo nghĩa rộng, khỏe về thể lực, khỏe về trí óc, khỏe về kiến thức, về năng lực tư duy và sự cống hiến…

Tính cách chỉ huy

Từ đau ốm có lẽ khó vận vào vị tướng này. Theo lời mẹ ông, thì khi sinh ra ông đã là một đứa trẻ bụ bẫm như hòn bột, rất khỏe, hay ăn chóng lớn. Tuy sinh năm 1947, hai năm sau nạn đói  khủng khiếp 1945, mà Hải Hậu (Nam Định) quê ông là vùng có nhiều người chết đói nhất, ông vẫn lớn lên khỏe mạnh với khoai sắn. Món ăn quen thuộc lúc ông còn là đứa trẻ ẵm ngửa không phải sữa bò, mà là nước cơm hòa thêm vài hạt muối. Cứ vậy mà lớn lên khỏe khoắn, cho đến năm 17 tuổi thì ông bị một trận ốm đầu tiên, đã ốm là ốm to, không thuốc thang, sốt cao đến mấy cũng chỉ được bố mẹ chườm khăn lạnh và cho uống vài vị thuốc đông y. Khỏi ốm, ông đã có một quyết định thay đổi cuộc đời, viết đơn tình nguyện đi bộ đội.

Thượng tướng - Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu: Rạng rỡ đời binh nghiệp ảnh 1
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thời bấy giờ, thanh niên vùng Hải Hậu quê ông Hiệu đa số đi lính hải quân, nhưng sự khác biệt ở ông Hiệu, có lẽ ở điểm cốt yếu này, đó là sự chủ động. Ngay từ khi mới vào đời, tính cách chủ động đã được phát huy, và chính nó tạo nên số phận đặc biệt của ông, làm nên một vị tướng lẫy lừng cho đất nước trong thời chiến. Có thể gọi đó là tính cách chỉ huy.

Nhờ tính cách chỉ huy đó, ông chủ động xin làm lính lục quân ra trận địa, đối diện trực tiếp với quân địch nơi trận chiến ác liệt nhất, nhưng cũng là nơi có thể giành thắng lợi, giành lại đất đai của tổ tiên từ tay quân thù. Và ông cũng chủ động xin đổi lại tên Nguyễn Văn Hiệu thành Nguyễn Huy Hiệu, thể hiện ước nguyện, đã đi là phải trở thành người chỉ huy, thể hiện khát khao chiến thắng và được ghi nhận. Với vị tướng này, việc đổi tên là sự chủ động của ông sẵn sàng ghé vai gánh vác sứ mệnh thiêng liêng khi đất nước lâm nguy.

Với khát khao làm người chỉ huy nơi chiến trận, Nguyễn Huy Hiệu đã trải một cuộc đời giông bão, và ông không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào. Do xuất thân trong gia đình trung nông lớp trên, ông phải chịu nhiều thử thách hơn gấp bội của tổ chức. Khó khăn và thử thách không làm ông thoái chí, trái lại càng tôi rèn cho ông bản lĩnh, ý chí vững vàng. Càng nhiều thử thách, càng tăng động lực.  Nó thúc đẩy ông nỗ lực hơn người để đi đến cùng mục tiêu của mình.

Cống hiến

Ở tuổi 67, Thượng tướng-Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu vẫn làm việc và cống hiến với năng lượng tràn đầy. Ông vẫn đang sống tiếp một cuộc đời rực rỡ. Chỉ có điều hiện nay đã là thời bình, ông hướng việc làm của mình vào những điều thiết thực cho cuộc sống với 3 mục tiêu:

- Trí tuệ và sức khỏe còn lại được cống hiến cho khoa học quân sự (hay còn gọi là nghệ thuật chiến tranh). Đây là sở trường của ông, bởi ông từng là người chỉ huy trong quân đội suốt cả đời mình, nên có nhiều kinh nghiệm và muốn tiếp tục nghiên cứu, cống hiến những kiến thức này cho quân đội quốc gia. Ông nói vui, đây là sở trường của mình, mình sẽ cống hiến cho đến khi nào “về với Bác” thì thôi.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trong phòng làm việc của ông
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu  trong phòng làm việc của ông

- Cống hiến cho môi trường. Từng trải qua chiến tranh, ông là người hiểu rõ chiến tranh đã tàn phá môi trường như thế nào. Bây giờ trong thời bình, con người vẫn tiếp tục gây hại cho môi trường, làm môi trường ô nhiễm kinh khủng. Sau chiến tranh, ông từng có 7 năm giữ vị trí Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, phụ trách việc giải quyết những hậu quả chiến tranh. Phương châm “4 tại chỗ” của ông đã được triển khai, đã được viết thành sách để phục vụ công tác nghiên cứu, học tập và phát triển tiếp công tác khắc phục hậu quả chiến tranh của thế hệ sau này.

- Vì những đồng đội đã ngã xuống. Khi chiến tranh kết thúc, có được như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân, thì còn biết bao đồng đội đã ngã xuống, những người mẹ vĩnh viễn mất con vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chính là người đã khởi xướng việc xây dựng công trình tượng đài Hoài Niệm, tưởng nhớ chiến trường xưa và đồng đội. Ông coi đây là nghĩa cử, tri ân báo đáp những con người trung hiếu, hy sinh thân mình cho nền hòa bình hôm nay.

Hướng thiện

Cứ đến mùa báo ân, vị tướng này cùng đồng đội lại tiếp tục cuộc hành quân trong thời bình trở lại chiến trường xưa, đi tìm đồng đội. Tháng nào cũng vậy, ông và vợ lại cùng nhau lên đường đi thăm và tri ân đồng chí, đồng đội, đồng bào. Càng đi như lại càng được trẻ, khỏe ra. Và cuộc hành quân này chưa thể nghỉ, nó sẽ còn được tiếp tục bởi những người con, cháu của ông sau này.

Đau đáu trong lòng ông là việc tìm từng người con trung hiếu còn lưu lạc ở chiến trường xưa về lại với nghĩa trang quê nhà, trả lại cho những người chiến sỹ đã ra đi vì Tổ quốc một nơi an lành mãi mãi, với tên tuổi được ghi nhận để đời sau được báo ân. Ông thúc đẩy việc này bởi còn muốn những người thân của họ được hưởng chế độ đãi ngộ thỏa đáng của Nhà nước khi những chiến sỹ mất tích trong chiến tranh đã được “danh chính ngôn thuận”. Việc làm này của ông, cũng nhắc nhở các thế hệ sau này và mọi người tiếp tục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Với ông bây giờ, “hướng thiện” là từ quan trọng nhất, để ông xoay mọi việc của phần đời phía trước theo trục của nó. Điều đó không chỉ nằm trong ý nghĩ, với vị tướng này, nó là hành động, và không chỉ có thế, ông luôn lôi cuốn được đông đảo mọi người cùng hành động.

Với mục tiêu thứ hai của phần đời phía trước, ông còn làm với niềm say mê từ sự thôi thúc tự thân. Ông Hiệu vốn thích trồng cây từ hồi còn nhỏ sống với bố mẹ ở vùng quê Hải Hậu, một vùng quê văn hóa của đồng bằng sông Hồng. Không khí văn hóa đặc biệt ấy tích tụ qua nhiều đời, ngấm trong máu những người con Hải Hậu.

Bí quyết “ Sống khỏe” của tướng Nguyễn Huy Hiệu

1- Luôn chủ động làm những gì mình muốn và đi đến cùng mục tiêu.

2- Đi càng nhiều, càng khỏe.

3- Tâm niệm, lời nói và hành động thống nhất giúp tinh thần thư thái, khỏe khoắn. 

Bên ông dù ở đâu, khi nào cũng có cây và hoa. Ông nhớ lại thời còn chiến tranh, ở trong rừng, dù bom rơi đạn nổ, nhưng những đóa phong lan vẫn bên người lính, lặng lẽ tỏa hương. Và khi những đồng đội hy sinh, trên mộ họ ông cũng đặt những cánh lan rừng bị pháo địch bắn rụng xuống. Thời bình, trong vườn, trong nhà ông rất nhiều cây cảnh, đặc biệt là có tới trăm loài lan, nhiều tới nỗi ông không thể nhớ hết tên, nhưng chúng luôn cho hoa, khoe sắc bởi người chủ luôn tự tay chăm tưới.

Ông cũng truyền niềm vui này cho nhiều người, và đi tới đâu, ông sẽ vận động trồng cây, hoặc tự tay ông trồng cây tặng họ, đem màu xanh của lá, sắc thắm của hoa làm dịu lòng người. Bởi hơn ai hết, từng trải qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh, khi những vạt rừng quằn quại trong lửa bom, ông thấu hiểu sâu sắc nỗi đau và sự tàn hại khốc liệt môi trường; nếu trong thời bình, môi trường vẫn tiếp tục bị đầu độc, tàn phá, thì đó là một tội lỗi lớn, làm ảnh hưởng môi sinh và giống nòi. Bởi thế, từng ngày ông tích cực hành động để thay đổi hành vi, thay đổi nhận thức cho mọi người.

Kiều Bích Hậu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.