Ký ức Hà Nội

GD&TĐ - 10/10, ngày tiếp quản Thủ đô, hình ảnh bộ đội cụ Hồ trong đoàn quân tiến về Hà Nội đi qua phố Hàng Lọng, đầu phố nhà tôi còn mãi trong tôi.

Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản thị xã Hà Đông ngày 6/10/1954. Ảnh tư liệu
Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản thị xã Hà Đông ngày 6/10/1954. Ảnh tư liệu

1954. Hà Nội giải phóng. Khoảng hai tháng trước ngày tiếp quản, chính quyền Pháp ráo riết dụ dỗ và ép buộc người Hà Nội di cư vào Nam. Bố tôi phải trốn sang Bắc Ninh, vùng đã giải phóng, và tôi đi theo bố. Trước ngày bộ đội về khoảng một tuần, tôi được đưa về.

10/10, ngày tiếp quản Thủ đô, hình ảnh người bộ đội cụ Hồ trong đoàn quân tiến về Hà Nội đi qua phố Hàng Lọng, đầu phố nhà tôi còn mãi trong tôi, cùng với bản hùng ca “Tiến về Hà Nội” (1949) của Văn Cao vang lên trên bầu trời Thủ đô những ngày sau đó, làm cho hình ảnh và âm thanh quện với nhau thành một bài ca khải hoàn đầy đặn.

Bản tráng ca ấy đã để lại hình ảnh người anh hùng mới mang theo nó là một sự nghiệp lớn lao đã thành công nhưng tôi chưa hề mường tượng được đầy đủ về họ cùng với sự nghiệp vĩ đại mà họ đã gây dựng nên.

Thế rồi, từ đó tôi tiếp tục đến trường với môn Ngữ văn đong đầy những tác phẩm văn học dựng lên các hình ảnh mới trong tâm hồn chúng tôi như những nét bút đầu tiên trên trang giấy mới trắng tinh. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, tôi vào đại học.

1962. Cả mùa Hè năm ấy, tôi không đi đâu chỉ ở nhà nghĩ nghĩ ngợi ngợi xem phải chuẩn bị những gì để vượt qua thách thức, và hơn nữa gần ông ngoại nhiều hơn. Ông tôi có thói quen ngồi ghế chao, hút một điếu thuốc lá sau bữa cơm. Những lúc lên với ông, ông hay kể chuyện cậu Mỹ, em trai mẹ tôi, một chiến sĩ vệ quốc của Hà Nội những ngày khói lửa.

Tôi lững thững ra bến tàu điện Anpo - Cửa Nam nhảy tàu lên Bờ Hồ, đi thẳng xuống Tràng Tiền. Vào hiệu sách, tôi mua được cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng “Sống mãi với Thủ đô”, mới xuất bản năm trước. Tôi nóng lòng về ngay vì câu chuyện khích lệ tình yêu Hà Nội của tôi, sự khâm phục tính quả cảm của vệ quốc quân, trong đó có cậu Mỹ của chúng tôi.

Trong lòng tôi khao khát được biết tường tận Hà Nội hồi đó như thế nào. Tôi nói “hồi đó” vì vào năm Hà Nội khói lửa (1946) tôi mới lên năm. Tôi biết tôi đã cùng gia đình đi tản cư, nhưng đi như thế nào thì tôi không biết. Tôi biết rằng cậu Mỹ là một vệ quốc quân, chiến đấu ở Hà Nội, nhưng cậu đã chiến đấu như thế nào, hy sinh ở đâu tôi không biết.

Tôi biết vệ quốc quân đã chiến đấu với khẩu hiệu “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, nhưng cuộc chiến ấy khốc liệt như thế nào tôi không biết. Mọi niềm hy vọng muốn được biết về những điều ấy của tôi đang chờ “Sống mãi với Thủ đô”. Tôi tự nhủ, đọc xong sẽ lên nói chuyện với ông ngoại.

Trời đổ mưa. Một trận mưa rào nổi bong bóng. Các cụ nhà ta nói rằng mưa có bong bóng sẽ lâu tạnh. Chỉ một lúc sau nước trong bể cá dâng cao nhưng cũng không giúp gì cho chú cá nào muốn vượt biên. Cây ngâu đẫm nước ngả xuống rồi lại ngẩng lên. Bỗng một tia chớp làm tôi giật mình kèm theo là tiếng sấm uỳnh uỳnh ran ran đi dần ra xa.

ky-uc-ha-noi-2-4182.jpg
Minh họa/INT.

Những giọt mưa rơi xuống lá ngâu vỡ tan ra làm cho những tia nước nhỏ bắn vào tận bàn học của tôi. Tôi cất mấy quyển sách xuống gầm bàn tránh mưa mặc cho những giọt nước mưa bắn lốm đốm trên mặt bàn. Tôi lẩm bẩm: “Kệ, cho mát”, rồi ung dung lấy quyển truyện ra đọc. Ngay vào đầu chuyện tôi đã thấy anh Trần Văn, một nhân vật chính, đưa mẹ đi tản cư.

“Cái toa cuối cùng của chuyến tàu Bắc đã len ra khỏi hàng rào địa phận nhà ga... Chuyến tàu chở người mẹ bé nhỏ của anh về quê thế là đã rời Hà Nội. ... trong linh tính, Trần Văn thấy đây không phải là một cuộc chia tay trong dăm bữa nửa tháng. Giữa buổi tiễn đưa này và ngày gặp lại, có một cái gì mù mịt, xa lăng lắc, đầy những tai biến khôn lường”.

Tôi đặt sách xuống đùi. Không biết ông bà chia tay chúng tôi như thế nào, và sao ông bà lại không tản cư về quê cùng chúng tôi. Ông bà tôi chưa bao giờ kể chuyện về cuộc tản cư ấy. Mưa tạnh lúc nào tôi cũng không để ý, nắng đang dần lên cao. Tôi tạm gác lại những điều chưa biết, đọc tiếp.

Hết trang này sang trang kia, thỉnh thoảng lại dừng lại để nghĩ hay đọc lại một đoạn nào đó. Qua những bài học lịch sử ở trường, chúng tôi biết sau khi Việt Nam độc lập, Pháp lại vào với danh nghĩa giải giáp quân Nhật, nhưng thực ra gây hấn để chiếm lại Việt Nam. Nhưng gây hấn như thế nào.

“Hai đầu ngõ Yên Ninh bị vít lại. Xe tăng, háp-tờ-rắc của quân Pháp đỗ bên đường Quan Thánh, bắn phá cái ụ, bắn xả vào trong ngõ... Hơn một chục lính mũ đỏ rầm rập tiến vào cái ngõ vắng tanh, bụi bốc mù rải rác hai mươi ba xác người nằm chết hai bên hè”.

Tôi dừng đọc, bần thần. Pháp luật quốc tế nghiêm cấm trong chiến tranh bắn giết người dân vô tội trong tay không một tấc sắt. Còn gì tàn bạo hơn là không biết, hoặc giả như không biết điều này.

ky-uc-ha-noi-1-2367.jpg
Minh họa/INT.

Lại có tiếng nổ rầm rầm. “Tiếng kêu râm ran: “Nó ném bom xuống chợ rồi”. Tiếng nổ mỗi lúc một lớn, một dữ dội. Khoảng một tiếng đồng hồ khủng khiếp.

Một chú bé bán báo rao lanh lảnh. “Báo Cứu quốc ơ! Ông Võ Nguyên Giáp hiệu triệu thanh niên sống chết với Thủ đô ơ! Sống chết với thành Hoàng Diệu ơ!””.

Mỗi một trang lật đi, tác phẩm lại giúp tôi hiểu được về tính quả cảm và tình yêu Hà Nội của những người Hà Nội sẵn sàng giữ đất quê mình, tôi hiểu được rằng thanh niên thời đó chỉ có một con đường sống chết với Hà Nội, “...dù trong tay tôi chỉ có một thỏi sắt nhỏ, tôi vẫn phải xứng đáng là thanh niên Hà Nội”.

Bỗng nhiên tôi dừng lại để đọc đi đọc lại một phương án thông minh của đội tự vệ Hà Nội: “Khắp bốn bề, những tiếng đục tường thông nhà nọ sang nhà kia nổi lên bí mật, như đứt hơi, như giận dữ”. Như vậy tường trong nhà, được đục thành lỗ giao thông từ nhà này sang nhà khác, đi suốt dãy phố dọc, luồn sang dãy phố ngang, tạo thành một trận địa chiến đấu liên hoàn.

Tôi đã hiểu ra câu nói của ông tôi khi ông kể về cuộc gặp gỡ cuối cùng của cậu Mỹ trước khi rút lui ra chiến khu “Cậu chui qua lỗ tường nhà bên cạnh về gặp ông bà”. Vừa đọc xong quyển truyện ban chiều, sau bữa cơm tối tôi theo ông lên gác, cắm điếu thuốc Melia vào cái tẩu nhỏ màu nâu rồi châm thuốc lá và lấy nước cho ông. Năm nay, ông tôi yếu lắm rồi, ho nhiều và ngủ nhiều. Tôi lân la nói với ông:

- Ông ơi, cháu vừa mua được cuốn truyện “Sống mãi với Thủ đô”, nói về những ngày đầu kháng chiến 1946 ở Hà Nội...

Ông tôi hỏi ngay:

- Thời của cậu Mỹ, phải không?

- Vâng ạ, nhưng không phải chuyện về cậu Mỹ ông ạ, mà về đội vệ quốc, những cuộc chiến đấu của họ ở Hà Nội. Cháu đọc cho ông nghe nhé.

Ông nhìn cuốn sách trong tay tôi, nói:

- Dày lắm. Cháu chọn một số đoạn hay đọc cho ông nghe.

- Vâng ạ.

Tôi đã có chủ ý, nên đọc ngay phần đầu, Trần Văn đưa mẹ ra ga tàu đi tản cư. Đọc xong tôi hỏi ông:

- Ông ơi, ông còn nhớ lần đi tản cư không ông?

- À, hồi đó Pháp vào Hà Nội, ta và Pháp bắn nhau, ông bà già và trẻ con phải ra khỏi Hà Nội đi tản cư. Nhà mình về quê Vũ Lăng cả mà. Hồi đó các cháu còn nhỏ lắm, ba đứa.

- Vâng, cháu nhớ chúng cháu có ba đứa và mẹ cháu đang có thai một em cháu nữa.

- Ừ... con Thoa, ông nhớ rồi. Nó đẻ ở làng Đống Xung. Ừ, bốn đứa lít nhít.

- Vâng, hồi đó cháu mới có năm tuổi thôi ạ.

- Ừ... mẹ cháu đẻ nhiều quá, khổ.

- Hồi đó sao ông không tản cư cùng chúng cháu ạ?

ky-uc-ha-noi-1-7015.png
Cụ Trương Tạ Thán, ông ngoại tác giả bài viết. Ảnh: NVCC.

- À... ngày ấy cậu Mỹ... ngay từ đầu... tham gia đội tự vệ Thủ đô, ở lại Hà Nội đánh Pháp. Tuy không ở nhà nhưng nó cứ đi đi về về bất chợt, hai cô cháu cũng về quê, rồi sau đó lên chiến khu. Ông bà ở lại cùng nó.

- Cậu Mỹ và mấy người bạn đào cho ông bà cái tăng-xê dưới cầu thang, phải không ạ.

- Ừ.

Ông tôi ngồi trầm ngâm, hít một hơi thuốc lá. Tôi không dám hỏi nhiều, lẳng lặng mở cuốn truyện đọc tiếp một đoạn khác mà tôi đã đánh dấu. Đây là đoạn người Hà Nội đắp các ụ ở các đầu phố để ngăn giặc xông vào. Tôi dừng lại, hỏi ông:

- Ông ơi, ông có trông thấy các ụ không ạ?

- Có một lần ông lên Hàng Mã có việc... trông thấy ụ ở Hàng Mã rồi ở Hàng Chiếu, chợ Đồng Xuân... không nhớ nữa. Chẳng phải ụ mà là chồng chất các đồ đạc tạp nham ở các nhà vứt ra ấy mà... có chỗ... lổng chổng bàn ghế... ngăn giặc tràn vào phố... Ông ít đi đâu lắm, nguy hiểm, thỉnh thoảng đạn lại bắn liên hồi, chẳng biết ở đâu bắn đi đâu.

Ông tôi nói liền một mạch, thỉnh thoảng dừng lại hít một hơi thuốc. Chắc nhớ lại, ông xúc động lắm. Tôi lại mở sách đọc tiếp chỗ miêu tả về “tiếng đục tường râm ran bí mật từ phố nọ sang phố kia” của vệ quốc quân. Ông tôi nói ngay:

- Ừ đấy, quanh đây nhà nào cũng đục tường hai bên, nhà mình... ở chỗ kia... chỗ kia kìa...

Ông chỉ tay xuống dưới nhà. Tôi cũng tưởng tượng ra được hai lỗ thủng, một từ bên nhà ông Côn chui sang sân nhà tôi và một từ nhà tôi chui sang nhà ông Thưởng.

Không chờ tôi hỏi, ông kể:

- Rồi một hôm ông đang ngồi dưới tăng-xê nghe tiếng thằng Mỹ gọi: “Bố ơi!”. Nó vừa chui về qua lỗ nhà ông Côn, chạy đến miệng tăng-xê đỡ ông bà lên...

ky-uc-ha-noi-2-9652.png
Bà Trương Thị Lại (Thìn), mẹ tác giả bài viết ngồi trước cây ngâu - bể cá. Phía bên trái (khoảng đen trong ảnh) là cái tăng-xê cậu Mỹ đào cho ông bà tác giả bài viết trốn tên bay đạn lạc năm 1946. Ảnh: NVCC.

Ông tôi vừa nói vừa lim dim mắt như để sống lại cái giây phút cuối cùng ấy với con trai mình. Nhả một hơi khói ra, nói nhát gừng như thể nhớ đến đâu nói đến đấy:

- Ngồi dưới tăng-xê... bắn nhau dữ lắm, chắc là đánh nhau ngay ở An-pô hay ở ga Hàng Cỏ. Cứ tạch tạch, ùng ùng, oàng oàng liên tiếp... Ông bà ngồi ngoài nhà nghe tiếng chân chạy rầm rập ngoài đường, không dám mở cửa ra... sau thấy súng bắn rát quá nên chạy vào tăng-xê, sợ tên bay đạn lạc...

Tôi định hỏi nhưng lại ngồi im sợ làm đứt mạch hồi tưởng của ông.

- Nó nói với ông là nó được lệnh phải rút ra chiến khu. Nó dặn ông bà hễ nghe nhiều tiếng súng là phải xuống tăng-xê ngay... Thế rồi nó chui qua lỗ sang nhà ông Thưởng và... cháu biết không, biệt ly ấy là mãi mãi.

Ông tôi ngồi lặng lẽ nhìn khói thuốc từ từ bay lên không như thể đang theo làn khói xám đến miền xa thẳm ấy. Ông ho sù sụ, tôi vội đứng dậy rót nước cho ông. Ông dụi điếu thuốc và gõ nhẹ cái tẩu vào thành cái gạt tàn, cầm cốc nước lên. Tôi nói với ông:

- Ông ơi, cháu ngâm cho ông một bài thơ cũng nói về cái ngày mà vệ quốc quân rút khỏi đô thành, ông nhé.

Ông tôi mỉm cười, gật đầu, “Ừ...” một tiếng trong cổ họng. Tôi ngâm khe khẽ như ru ngủ:

“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

(Đất nước, Nguyễn Đình Thi, 1948-55)

Tôi quay sang nhìn, thấy ông ngả đầu trên ghế, nhắm mắt, thở đều đều. Tôi khẽ đứng dậy và nhẹ bước đi xuống dưới nhà.

(Mùa Thu Hà Nội 2024)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ