Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam, Hội nghị Genève được tổ chức, bàn và quyết định việc lập lại hòa bình tại Việt Nam, buộc Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Nhân dân Thủ đô náo nức, vui mừng chào đón Chính phủ ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội.
Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho các cấp, các ngành trong công tác tiếp quản Thủ đô là: Đảm bảo sản xuất, đời sống của Nhân dân, trong đó việc cung cấp điện, nước, lương thực, thực phẩm, giữ gìn an ninh, trật tự được đặt lên hàng đầu. Các ban cán sự nội thành đã cử cán bộ thâm nhập vào tất cả cơ sở sản xuất, vận động công nhân đấu tranh chống âm mưu của địch làm tê liệt Thủ đô khi cách mạng tiếp quản.
Lợi dụng thời gian chờ hiệu lực thi hành Hiệp định Genève, Pháp âm mưu phá hoại, di chuyển máy móc, vật tư, phụ tùng và hồ sơ kỹ thuật các nhà máy điện, nhằm gây khó khăn cho ta. Pháp muốn Hà Nội khi Cách mạng về sẽ không điện, không nước, các nhà máy tê liệt, mọi hoạt động của xã hội và sản xuất của Nhân dân đình trệ.
Biết rõ âm mưu của Pháp, được sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, công nhân các nhà máy điện đã kiên quyết đấu tranh, buộc chúng phải bàn giao nguyên vẹn các nhà máy điện cho Chính phủ Cách mạng.
Năm 1954, Nhà máy Đèn Bờ Hồ đổi tên thành Nhà máy điện Hà Nội. Cùng với Cơ xưởng Bưu điện, Ga Hà Nội, Nhà máy điện Hà Nội là 1 trong 3 nơi mà cuộc đấu tranh bảo vệ, chống địch phá phách, di chuyển vào Nam gay go, quyết liệt nhất.
Nội dung đấu tranh của công nhân điện rất cụ thể, đòi giữ nguyên vẹn nhà máy để công nhân có việc làm, đảm bảo đời sống, đòi giới chủ Pháp phải giao đủ 4.000 tấn than dự trữ cho Nhà máy hoạt động...
Công nhân điện đã thành lập các đội tự vệ gồm hơn 30 đội viên, đêm ngày canh giữ những bộ phận quan trọng của Nhà máy, ngăn chặn địch phá máy móc hoặc di chuyển thiết bị đi nơi khác.
Chỉ trong một thời gian ngắn tổ chức Đảng và Công đoàn đã tập hợp quần chúng gồm công nhân và viên chức trung kiên ký đơn gửi lên chủ Nhà máy đòi không được di chuyển máy móc; 250 công nhân, viên chức Nhà máy đã ký tên vào bản yêu sách đòi chủ phải mua và chuyển than phục vụ hoạt động; dừng việc dùng than dự trữ; trả lại máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu; tăng lương, trả các khoản nợ đọng…
Song song với các cuộc đấu tranh đòi đảm bảo đủ than, công nhân còn quyết liệt giữ máy móc, nguyên vật liệu, hồ sơ, tài liệu của Nhà máy.
Ngày 1/10, chủ nhà máy chuẩn bị để di chuyển máy móc. Hơn 200 công nhân đã đình công, kéo đến vây kín xưởng máy.
Mặc dù chủ đưa lính lê dương đến uy hiếp và mời Ủy ban kiểm soát quốc tế đến can thiệp, nhưng trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của công nhân, cuối cùng chúng cũng phải nhượng bộ, không thực hiện được ý đồ chuyển máy móc ra khỏi Nhà máy.
Ở Xưởng phát điện Yên Phụ, công nhân cũng đến vây kín xưởng bất chấp lưỡi lê và họng súng của lính Pháp, ngăn không cho chúng di chuyển máy móc và tài liệu; kiên quyết đòi giới chủ phải chở than từ Hải Phòng lên, không dùng than dự trữ.
Suốt hơn hai tháng đấu tranh liên tục, công nhân Nhà máy Điện Hà Nội đã được sự động viên, khích lệ, ủng hộ hết lòng của gia đình, của công nhân các ngành khác, của Nhân dân Hà Nội, của Nhân dân lao động ở các địa phương bằng nhiều hình thức như: Gửi thư động viên, cử các đoàn đại biểu đến gặp chủ Nhà máy, gặp Ủy ban kiểm soát quốc tế yêu cầu thực hiện các yêu sách của công nhân Nhà máy, coi đó cũng là yêu sách chung của mọi người dân Hà Nội.
Đúng 11h30, ngày 9/10/1954, quân ta tiến vào chiếm lĩnh các nhà máy điện. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên ống khói lò hơi, trên cổng Nhà máy Đèn Bờ Hồ, Xưởng phát điện Yên Phụ.
Niềm vui tràn ngập trong lòng những người thợ điện.
Ban tiếp quản do đồng chí Hồ Quý Diện - Trưởng ban và đồng chí Trịnh Trọng Thực vào tiếp quản Nhà máy Điện Hà Nội.
Những dãy lò hơi, lửa than ngàn độ vẫn rực cháy, các cỗ máy tuabin vẫn hối hả quay, đường điện vẫn tỏa đến các nẻo đường, phố xá, công sở, nhà máy và gia đình người dân Thủ đô.
Sáng hôm sau, 10/10/1954, cả Hà Nội bừng sáng trong cờ, hoa và biểu ngữ. Hà Nội sạch bóng quân thù, chào đón đoàn quân từ năm cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô.
Cùng với đồng bào Hà Nội, công nhân Nhà máy Điện Hà Nội hân hoan chào đón đoàn quân cách mạng tiến vào tiếp quản Thủ đô. Dòng điện Nhà máy tỏa sáng hòa với niềm vui chung của người dân thành phố đã được hoàn toàn giải phóng.
Một tháng sau ngày tiếp quản, việc quản lý và điều hành hoạt động của các cơ sở điện lực ở Thủ đô đã đi vào nền nếp.
(Tư liệu Sách lịch sử Đảng bộ Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội - NXB Chính trị Quốc Gia Sự Thật phát hành năm 2012)