Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Thành công!

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Thành công!

(GD&TĐ) - Ngày 5/7, môn thi cuối đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 đã được các thí sinh hoàn thành. Sau 90 phút làm bài (với môn Hóa học của khối A, V và môn Tiếng Anh của khối A1), hầu hết các thí sinh rời phòng thi với  khuôn mặt rạng rỡ.

Thành công đến từ nhiều phía

Rạng ngời gương mặt thí sinh
Rạng ngời gương mặt thí sinh
 

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT được đưa ra ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, đợt thi thứ nhất kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 đã diễn ra suôn sẻ, đảm bảo trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, được xã hội đánh giá tốt.

Thống kê đến môn thi cuối cùng, có 650.420 trên tổng số 843.687 thí sinh đến dự thi, đạt tỷ lệ 77,09 % (cao hơn so với năm 2012 xấp xỉ 1,00%).

Hội đồng tuyển sinh các trường thực hiện nghiêm túc quy định của Quy chế thi tuyển sinh; không khí trường thi trật tự, an toàn. Các vi phạm Quy chế tuyển sinh được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời.

Đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót. Đánh giá chung ban đầu, các đề vừa sức, nội dung chủ yếu nằm trong chương trình THPT lớp 12, đặc biệt đề thi có tính phân loại cao, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tuyển chọn và có một số câu hỏi mang tính ứng dụng, gắn với thực tiễn.

Các ngày thí sinh dự thi đợt 1 này đều diễn ra trong thời tiết thuận lợi. Không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, thí sinh đến dự thi đúng giờ. Điện nước được cung cấp ổn định ở tất cả các Hội đồng thi, không có sự cố mất điện, mất nước; thông tin liên lạc thông suốt.

Các địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện… tiếp tục triển khai hoạt động tích cực, có hiệu quả: Tham gia phân luồng giao thông, kịp thời giải tỏa các ùn tắc cục bộ; giúp đỡ, hướng dẫn thí sinh đến các điểm thi; phối hợp giữ gìn an ninh, trật tự bên ngoài các khu vực thi; hỗ trợ nhà trọ giá rẻ, suất ăn miễn phí; đưa đón thí sinh đến các địa điểm thi...

Đề thi có tính phân loại cao

Thí sinh nghiêm túc làm bài thi
Thí sinh nghiêm túc làm bài thi
 

 Với tâm trạng thoải mái sau khi rời phòng thi, thí sinh Bùi Đức Mạnh - học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), dự thi vào khoa Toán (ĐHSP Hà Nội) – ước đoán đã làm đúng 46 câu, có thể chắc 8 điểm môn Hóa. Đề Hóa năm nay theo Mạnh có tính phân loại cao, theo đó, khoảng 30 câu kiến thức phổ thông dành cho đa số đối tượng học sinh; có 5 câu rất khó để phân loại học sinh giỏi.

Cả 3 buổi thi của đợt I, toàn quốc có 134 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 19; cảnh cáo: 4; đình chỉ: 111).

Trong số 111 thí sinh bị đình chỉ thi, có 1 trường hợp thi hộ, còn lại chủ yếu mang điện thoại di động vào phòng thi; có 7 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 5; đình chỉ: 2).

Cũng dự thi vào khoa Toán (ĐHSP Hà Nội), thí sinh Nguyễn Thị Trinh (Hà Nội) cho biết phải dành gần hết thời gian làm bài mới hoàn thành hết các câu bài tập trong đề Hóa. Theo Trinh, đề có một số câu bài tập khá dài, không thể nhẩm trực tiếp, muốn tính chính xác phải viết nháp. Tuy nhiên, phần lý thuyết năm nay dễ nên Trinh chắc chắn được khoảng 80%.

Tại Hội đồng thi Trường Đại học Đà Lạt (Lâm Đồng), kết thúc môn thi Hóa học sáng 5/7, nhiều thí sinh cho biết đề ra khó hơn môn Toán nhưng vẫn “dễ thở” hơn môn Lý chiều 4/7. Hầu hết các thí sinh được hỏi cho rằng đề bám sát chương trình được học trong sách giáo khoa, có những câu hỏi mang tính chất mở rộng và nâng cao. Nhiều thí sinh nhận định, với đề Hóa để đạt điểm tối đa là rất khó.

Thí sinh Đinh Văn Tiến - dự thi ngành Sư phạm Toán - chia sẻ: “Trong 3 môn thi, em hài lòng nhất là môn Toán, đề thi khá dễ. Vật lý là môn khiến em thất vọng nhất, đề thi bao quát, dàn trải nên em làm không tốt. Riêng môn Hóa tuy em không dám chắc là đạt điểm cao nhưng ít nhất cũng đạt điểm trung bình”.

Tại cụm thi Vinh (Nghệ An), theo nhận định của nhiều thí sinh ở điểm thi Trường THCS Hà Huy Tập (Vinh), đề thi môn Hóa học đã bao quát, bám sát chương trình, được phân bố đều ở cả lý thuyết và bài tập; không quá dài, không quá khó nhưng có khả năng phân loại cao.

Với môn Tiếng Anh, phần lớn thí sinh được hỏi cho rằng đề thi năm nay tương đối vừa sức, những học sinh học lực trung bình có thể kiếm được 4 - 5 điểm. Thí sinh Nguyễn Thị Kiều Duyên (Tiên Phước, Quảng Nam) - Hội đồng thi Trường THPT Trần Phú - với nguyện vọng vào học ngành Đông phương học (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) - bày tỏ: “So với đề thi năm ngoái, đề thi môn tiếng Anh năm nay khó hơn. Trong tất cả 80 câu hỏi, em chỉ tự tin khoảng 70% câu trả lời là đúng. Tuy nhiên, cho dù kết quả thi cả 3 môn của em năm nay thế nào nhưng em cảm thấy rất thoải mái sau khi hoàn thành đợt thi này”.

Đề Hóa dễ, phù hợp với lực học thí sinh vùng, miền

Đề thi hoàn toàn nằm trong chương trình sách giáo khoa phổ thông và các sách bài tập, không có nhiều câu đánh đố hay đòi hỏi tư duy, các bài tập đòi hỏi tính toán lại khá nhẹ nhàng. Đề hay, xuất hiện một số câu mới, thú vị mà những năm trước chưa có. Nội dung đề ra có tính phân hóa cao. Kiến thức dàn trải ở cả ba khối lớp 10, 11, 12. Cấu trúc đề có số câu lý thuyết nhiều hơn bài tập. Vừa có những câu ở mức độ trung bình như đề thi tốt nghiệp phổ thông để  học sinh có lực học trung bình làm được và có khoảng 8 câu thuộc loại khó và hay.

Nhìn chung học sinh có học lực trung bình có thể đạt từ 5-6 điểm, nếu học lực khá hơn có thể đạt 7-9 điểm. Đạt điểm tuyệt đối đòi hỏi học sinh phải có học lực xuất sắc. Với đề thi Hóa năm nay so với năm trước có phần dễ hơn. Dự báo điểm thi thí sinh của môn Hóa khối A năm nay sẽ có nhiều thí sinh đạt được mức điểm trên trung bình. Tôi cho rằng cách ra đề như vậy có tính phân loại cao, có câu khó để phát hiện thí sinh có lực học xuất sắc nhưng cũng có những câu dễ chỉ tương đương chương trình phổ thông, đảm bảo phù hợp với lực học của thí sinh các vùng miền, khu vực, các em có lực học vừa phải cũng có thể đạt được điểm trung bình.

Vũ Văn Hợp - Giáo viên chuyên Hóa – Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định)

Nhóm phóng viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ