Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Tạo mọi điều kiện giúp thí sinh vượt 'vũ môn'

GD&TĐ - Việc đảm bảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra thành công, an toàn và hiệu quả là mục tiêu được tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu quyết tâm đặt ra.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Tạo mọi điều kiện giúp thí sinh vượt 'vũ môn'

Đảm bảo an toàn trong tất cả các khâu

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại tỉnh Cà Mau dự kiến có 10.170 thí sinh tham gia. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức thành 17 điểm thi chính thức và 2 điểm thi dự phòng.

Trong 17 điểm thi chính thức có 7 điểm thi đặt tại TP Cà Mau và 10 điểm thi ở các huyện (trừ huyện Ngọc Hiển). Hội đồng thi đặt tại Sở GD&ĐT, có 428 phòng thi (mỗi phòng thi không quá 24 thí sinh). Dự kiến nhân sự phục vụ cho kỳ thi khoảng 1.700 người, trong đó Sở GD&ĐT huy động 1.500 người; Công an 100 người; Y tế 36 người.

Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau) là trong những điểm trường được chọn làm điểm thi.

Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau) là trong những điểm trường được chọn làm điểm thi.

“Ban Chỉ đạo (BCĐ) Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tỉnh Cà Mau đã yêu cầu các huyện, thành phố thành lập BCĐ riêng và chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tại địa phương.

Sở GD&ĐT tỉnh đã có Công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục được chọn đặt điểm thi chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị; Thủ trưởng các đơn vị chủ động tập huấn Quy chế thi, nghiệp vụ làm thi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nắm chắc.

Đặc biệt, tuyệt đối không sáng tạo, không làm thay, phân công nhiệm rõ ràng theo đúng quy trình, đảm bảo tổ chức Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế” - ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết.

Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tỉnh Cà Mau họp triển khai kế hoạch chuẩn bị Kỳ thi.

Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tỉnh Cà Mau họp triển khai kế hoạch chuẩn bị Kỳ thi.

Theo số liệu đăng ký dự thi, toàn tỉnh Bạc Liệu dự kiến có 6.446 thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tỉnh sẽ tổ chức 1 Hội đồng thi, coi thi tại 16 điểm thi đặt ở các huyện, thị xã, thành phố với số lượng phòng thi chính thức là 281 phòng.

Để chuẩn bị cho kỳ thi, ngay từ đầu tháng 5, Sở GD&ĐT Bạc Liêu đã chỉ đạo các trường học nơi đặt điểm thi tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, khẩn trương báo cáo về Sở để có phương án sửa chữa, mua sắm, bổ sung kịp thời.
Đặc biệt lưu ý tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại điểm thi.

BCĐ Kỳ thi cũng chỉ đạo các ban giúp việc tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ cho công tác in sao đề thi, công tác chấm thi; hệ thống camera giám sát hoạt động tại các phòng chứa đề thi, bài thi tại các điểm thi; các phòng chấm thi (bao gồm tự luận, trắc nghiệm)...

Qua đó, đề xuất mua sắm, bổ sung phục vụ công tác tổ chức kỳ thi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

“Sở GD&ĐT đã phối hợp với Viettel Bạc Liêu tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống camera giám sát tại tất cả các điểm thi trên địa bàn tỉnh để có phương án bổ sung, mua sắm kịp thời nhằm phục vụ tốt nhất cho kỳ thi” - Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD&ĐT Bạc Liêu cho biết.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Cà Mau, dù thiết bị, máy móc có hiện đại đến đâu, phần mềm, công nghệ có hỗ trợ như thế nào thì con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành công của kỳ thi.

Chính vì vậy, tiêu chí để chọn người tham gia công tác thi phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần trách nhiệm cao; nắm vững nghiệp vụ làm công tác thi; không đang trong thời gian bị kỷ luật về Quy chế thi và không có người thân tham dự Kỳ thi.

Tạo mọi điều kiện giúp thí sinh vượt “vũ môn”

Tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu phấn đấu, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt từ bằng hoặc cao hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước và không thấp hơn so với kết quả đạt được của năm học trước (tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trước khi phúc khảo năm 2023 là: 99,2%).

Ngày 21/5, sau khi có kết quả Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2024 với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chung cả tỉnh là 96,01%, giảm 0,47% so với năm 2023.
Sở GD&ĐT Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện tốt chương trình ôn tập, ôn luyện; tổ chức rút kinh nghiệm nhằm giúp học sinh/học viên ôn luyện sát kiến thức, có kỹ năng làm bài thi.

“Đối với các đơn vị, trường học, tổ chức rút kinh nghiệm cấp trường về kết quả Kỳ thi thử năm 2024 trong lãnh đạo, giáo viên, nhân viên; đồng thời tổ chức sửa bài, rút kinh nghiệm cho học sinh/học viên trong việc làm bài thi và thực hiện Quy chế thi. Tiếp tục ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh/học viên giai đoạn tiếp theo.

Đặc biệt quan tâm, lưu ý, giúp đỡ những học sinh/học viên học lực yếu, có nguy cơ rớt tốt nghiệp; tổ chức phân luồng đối tượng học sinh/học viên để ôn tập; tìm giải pháp chống điểm liệt”, ông Lê Hoàng Dư, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết.

Học sinh lớp 12 tích cực ôn luyện trong giai đoạn "nước rút".

Học sinh lớp 12 tích cực ôn luyện trong giai đoạn "nước rút".

Để nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2024, ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục Bạc Liêu đã chỉ đạo các trường học tăng cường triển khai các kế hoạch dạy học, đảm bảo học sinh lớp 12 có đủ thời gian, điều kiện ôn luyện cho kỳ thi.

“Ngoài thời gian 11 tuần để ôn tập, được sự thống nhất của UBND tỉnh, ngành Giáo dục tỉnh cũng tổ chức 3 lần thi thử tốt nghiệp cho học sinh, học viên lớp 12.

Qua các lần thi thử, ngành có đánh giá toàn diện về công tác ôn tập, ôn luyện nhằm kịp thời rút ra những kinh nghiệm, sửa chữa những sai sót về kỹ thuật làm bài cho các em, định hướng công tác ôn tập cho các em trong giai đoạn nước rút, để các em có đầy đủ kiến thức, tự tin trước khi bước vào kỳ thi chính thức” - ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bạc Liêu chia sẻ.

Song song công tác ôn luyện, ngành giáo dục Cà Mau và Bạc Liêu cũng chỉ đạo các trường tích cực phối hợp tốt với phụ huynh trong việc quản lý học sinh, học viên trong quá trình ôn thi, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh, học viên ôn thi đạt chất lượng.
Trong những ngày thi, đề nghị các đơn vị, trường học nên có quyết định thành lập Tổ hỗ trợ thí sinh đi thi. Tổ công tác này, cần phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân… hỗ trợ thí sinh trong việc đi lại, ăn nghỉ, giờ giấc…

“ Mục tiêu cuối cùng là trong quá trình thi phải đảm bảo, không xảy ra sự cố ảnh hướng đến sức khỏe, tâm lý cán bộ, giáo viên coi thi cũng như thí sinh.
Công tác coi thi phải
thể hiện sự chuyên nghiệp trong tất cả các khâu; từng điểm thi, cán bộ coi thi, chấm thi...phải thực hiện trên tinh thần đổi mới nhưng không trái quy định. Đặc biệt, tránh tối đa sơ sót mang tính chủ quan; việc bố trí nhân sự tham gia hội đồng thi, các điểm thi; chấm thi...phải đảm bảo phù hợp, chọn người có trách nhiệm, kinh nghiệm” - ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tỉnh Cà Mau chỉ đạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải