Công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những yếu tố được đặc biệt chú trọng để thực hiện thành công nhiệm vụ này.
Khẩn trương hoàn tất khâu chuẩn bị
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, TP Cần Thơ có khoảng 12.883 thí sinh đăng ký dự thi, dự kiến chia thành 549 phòng thi tại 25 điểm thi chính thức. Ngày 9/5, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 1054/QĐ-UBND chỉ đạo toàn diện việc tổ chức thi; trong đó giao Giám đốc sở GD&ĐT là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT 2024, tham mưu chỉ đạo toàn diện công tác tổ chức thi.
Sở GD&ĐT được giao chủ trì, phối hợp với Thanh tra thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung theo Kế hoạch, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về tổ chức thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ cho biết, sở GD&ĐT đang khẩn trương hoàn tất công việc chuẩn bị công tác thanh tra. Cụ thể, yêu cầu phòng chuyên môn, nghiệp vụ của sở phối hợp rà soát để tránh trùng lắp trong huy động lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi và nhân sự tham gia thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi theo quy định.
Sở GD&ĐT đồng thời có văn bản gửi đến Thanh tra thành phố đề xuất cử nhân sự tham gia vào Ban Chỉ đạo thi cấp thành phố, các đoàn thanh tra, kiểm tra do Thanh tra sở GD&ĐT chủ trì. Kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cũng được Sở GD&ĐT dự thảo và gửi Thanh tra thành phố đề nghị đóng góp ý kiến. Hiện, các nội dung phối hợp về nhân sự, đóng góp ý kiến dự thảo đều hoàn tất.
Thời gian tới, Thanh tra sở sẽ chủ trì thành lập các đoàn thanh tra, hoặc Giám đốc Sở thành lập các đoàn kiểm tra (nếu cần thiết) để thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Hội đồng thi của sở, khu vực dự kiến in sao đề thi và các điểm thi đặt tại 9 quận, huyện của thành phố Cần Thơ. Thanh tra Sở GD&ĐT chuẩn bị lực lượng thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra, đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo chỉ đạo của lãnh đạo; dự phòng tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác kiểm tra công tác coi thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Hải Phòng. Ảnh: Thế Đại |
Về kinh phí, thanh quyết toán kinh phí cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của sở GD&ĐT và công chức, viên chức của sở GD&ĐT tham gia đoàn kiểm tra công tác chấm thi được Bộ GD&ĐT điều động theo quy định tại Thông tư số 69/2021/TT-BTC ngày 11/8/2021, Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ và các quy định của pháp luật hiện hành.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỉnh Hải Dương có 23.557 thí sinh dự thi, với hơn 1 nghìn phòng thi tại 45 điểm thi trên toàn tỉnh. Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt kết quả cao, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hải Dương Trần Văn Nghìn khẳng định, Sở luôn xác định thanh tra, kiểm tra là yếu tố quan trọng góp phần quyết định thành công của kỳ thi. Vì vậy, lãnh đạo sở GD&ĐT giao Thanh tra sở tham mưu lựa chọn đội ngũ làm công tác thanh tra, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Từ ngày 22 - 24/5, Sở GD&ĐT Hải Dương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi ở tất cả địa phương trên toàn tỉnh, trong đó, tập trung vào một số nội dung chính.
Đoàn cũng kiểm tra việc thực hiện chương trình các môn học theo quy định hiện hành; ôn tập, kiểm tra, đánh giá, xếp loại và khẳng định tư cách dự thi của học sinh... Qua đó kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt kết quả cao.
Thí sinh huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: INT |
Bảo đảm an toàn, đúng quy chế
Thực hiện văn bản hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Thanh tra Sở GD&ĐT Hải Dương đã rà soát, chuẩn bị lực lượng tham gia thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Theo đó, dự kiến thành lập đoàn thanh tra công tác coi thi gồm 135 thành viên làm nhiệm vụ trực thi, thanh tra lưu động và cắm chốt tại 45 điểm thi; đoàn thanh tra chấm thi dự kiến có 10 thành viên.
Thành phần tham gia là lãnh đạo, thanh tra viên của Thanh tra sở, lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn thuộc sở; cán bộ, giáo viên đến từ cơ sở giáo dục trực thuộc tỉnh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao, nắm vững nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra, có chuyên môn vững vàng, đang đảm nhiệm những chức vụ lãnh đạo nhất định.
Bên cạnh lực lượng thanh tra của Sở GD&ĐT còn có đoàn kiểm tra coi thi của Bộ GD&ĐT (dự kiến 121 người) đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Tại khu vực làm phách, chấm tự luận và phòng chấm trắc nghiệm sẽ bố trí lực lượng thanh tra đảm bảo theo quy định của Bộ GD&ĐT.
“Triển khai hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT Hải Dương xác định yếu tố quyết định là lựa chọn cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, tinh nhuệ trong công việc; nắm vững quy chế thi và nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra. Đồng thời phải có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng tham gia, đặc biệt đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT.
Sau khi dự tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức, Thanh tra sở sẽ tham mưu tổ chức hội nghị tập huấn tới tất cả cán bộ, giáo viên tham gia đoàn thanh tra của sở, bảo đảm nắm chắc nghiệp vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của kỳ thi”, ông Trần Văn Nghìn chia sẻ.
Tại Vĩnh Long - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Ngọc Hà chia sẻ: Về nhân lực, do cùng điều động nhân sự tham gia coi thi, thanh tra, kiểm tra kỳ thi nên phải cân nhắc, sắp xếp sao cho bảo đảm số lượng và năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra.
“Để triển khai tốt công tác thanh tra, theo tôi có 2 yếu tố quyết định. Thứ nhất là nhân sự lựa chọn phải có năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, phối hợp tốt các bên trong quá trình triển khai. Thứ hai, phải nắm vững quy chế thi và nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi. Do đó phải tổ chức tốt công tác tập huấn nghiệp vụ thi cho đội ngũ này”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai tốt công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ Nguyễn Phúc Tăng cho biết: Lãnh đạo sở GD&ĐT giao Chánh Thanh tra sở tham mưu ban hành các quyết định thanh tra, kiểm tra đúng thẩm quyền theo Luật Thanh tra 2022.
Thanh tra Sở căn cứ hướng dẫn công tác tổ chức thanh tra thi của Bộ GD&ĐT, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi thành phố, phương án thi, kế hoạch thi của UBND thành phố để bố trí số lượng, nhân sự thanh tra, kiểm tra thi đảm bảo phù hợp, đúng quy định. Phối hợp chặt chẽ các đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; nhất là khâu phối hợp trong xử lý tình huống phát sinh tại Hội đồng thi, điểm thi với các đoàn kiểm tra công tác coi thi, chấm thi của Bộ GD&ĐT.
Nhân sự tham gia thanh tra thi phải nghiên cứu kỹ Quy chế thi tốt nghiệp THPT; văn bản hướng dẫn thanh tra, kiểm tra thi của Bộ GD&ĐT và các cấp có thẩm quyền để thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, không làm thay nhiệm vụ của Hội đồng thi. Bảo đảm chế độ cho nhân sự tham gia thanh tra thi theo quy định.
Tại Tiền Giang, Chánh Thanh tra tỉnh cử người tham gia Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh. Chánh Thanh tra sở GD&ĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT của sở GD&ĐT; trường hợp cần thiết, Giám đốc sở GD&ĐT quyết định công tác kiểm tra. - Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang