Truyền lửa quyết tâm cho trò trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Các trường THPT Nghệ An đang ở giai đoạn cao điểm ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp với nhiều giải pháp cụ thể tùy vào đặc điểm HS và thực tế nhà trường.

Giờ tự học buổi tối có hướng dẫn của giáo viên tại Trường THPT Con Cuông, huyện Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài
Giờ tự học buổi tối có hướng dẫn của giáo viên tại Trường THPT Con Cuông, huyện Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Đặc biệt nâng cao vai trò, tâm huyết của giáo viên, lấy học trò làm trung tâm để phát huy tối đa năng lực mỗi em.

Dõi theo từng thay đổi

Gần 5 giờ sáng, điện thoại của cô Bùi Thị Minh Hằng - giáo viên Toán, Trường THPT Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) liên tục có tiếng chuông báo tin nhắn Zalo. Mở kiểm tra thì thấy học sinh lớp 12A7 do cô chủ nhiệm đã thành lập nhóm “Dậy sớm để thành công” và thêm cô vào thành viên. Nhóm này hẹn nhau dậy học bài lúc 5 giờ sáng, ai dậy trước nhắn tin gọi các bạn khác cùng thức giấc. Các em đang chạy nước rút ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu đã “cam kết” với thầy, cô giáo.

Trước đó, trong đợt thi thử đầu tiên, điểm trung bình môn Toán của lớp cô Hằng chủ nhiệm đạt 6,18. Kết quả này còn khoảng cách xa với cam kết đạt trung bình 7,4 điểm môn Toán của lớp với nhà trường. Vì vậy, cả cô lẫn trò phải nỗ lực nhiều hơn.

Cô Hằng chia sẻ, lớp 12A7 không phải lớp chọn mà ở tốp giữa của trường. Trong lớp có hơn 50% học sinh dự định sau khi học xong lớp 12 sẽ đi xuất khẩu lao động hoặc học nghề, vì vậy mục tiêu chung của các em chỉ đỗ tốt nghiệp THPT. Do đó, từ dịp Tết Nguyên đán, cô Hằng đã cho học sinh của lớp viết mục tiêu điểm số thi tốt nghiệp THPT và biện pháp, hành động cụ thể của bản thân để đạt kết quả đề ra. Sau Tết cả lớp nộp bản kế hoạch cho cô, chỉ 1 bạn không tham gia.

“Tôi đã có buổi nói chuyện riêng và em thú nhận chưa có định hướng cụ thể, trong khi có nhiều thứ trước mắt hấp dẫn hơn việc học. Tôi động viên em cần xác định mục tiêu, có thể giữ riêng mình biết, nhưng nếu cần người hỗ trợ, giám sát để làm động lực thì trao đổi để cô giúp đỡ. Sau đó, em chủ động viết mục tiêu của mình gửi cho tôi”, cô Hằng kể.

Sau mỗi lần thi thử, cô trò cùng nhìn lại kết quả, so sánh với mục tiêu đặt ra chênh lệch thế nào, tránh để lâu dẫn đến “nguội” tâm lý. Quá trình ôn thi, cô cũng lọc ra một số học sinh có kết quả giảm sút bất thường để kịp thời hỗ trợ. Qua tìm hiểu, lý do chủ yếu từ phía gia đình, hoặc mất niềm tin ở bản thân, động lực học tập. Trong số đó, một nam sinh luôn duy trì ổn định ở tốp cao của lớp nhưng lần thi thử gần nhất điểm kém hẳn so với các lần trước.

Cô Hằng gặp riêng và nghe em tâm sự bản thân từng dự định thi vào trường sĩ quan quân đội và luôn cố gắng đạt điểm cao. Nhưng gần đây chuyển hướng sang đi xuất khẩu lao động nên “buông”. Với trường hợp này, cô định hướng lại việc học và thi không phải cho cô, hay nhà trường, mà kiến thức, kỹ năng tích lũy được là hành trang cho tương lai, dù em lựa chọn con đường nào. Những cuộc trò chuyện, câu nói truyền động lực đã khiến phong trào thi đua học tập của lớp ngày càng sôi nổi, quyết tâm hơn khi kỳ thi cận kể.

Bản cam kết mục tiêu thi tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12A7, Trường THPT Hoàng Mai, Nghệ An. Ảnh: NVCC

Bản cam kết mục tiêu thi tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12A7, Trường THPT Hoàng Mai, Nghệ An. Ảnh: NVCC

Phong trào 90 ngày ôn thi đạt điểm cao

Năm học 2023 - 2024 là năm đầu tiên ngành Giáo dục Nghệ An phát động phong trào thi đua “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024”. Phong trào đã đặt dấu mốc “đếm ngược”, để các trường cùng nâng cao quyết tâm.

Theo thầy Hồ Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) năm học trước, trường xếp thứ 11/106 trường THPT, trung tâm GDTX của toàn tỉnh về kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, trường cam kết với sở GD&ĐT giữ vững vị trí xếp hạng, nhưng nâng điểm trung bình các môn thi.

Mục tiêu này không dễ dàng khi trường có tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi tổ hợp Khoa học tự nhiên lớn hơn tổ hợp Khoa học xã hội, với 346/635 em. Vì vậy, từ đầu năm học, nhà trường đã triển khai dạy học song song với tích cực ôn thi. Từ học kỳ II, khi thực hiện phong trào 90 ngày ôn thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao, nhà trường tăng cường nhiều giải pháp để thổi lửa quyết tâm cho học sinh.

“Chúng tôi đã họp tổ trưởng chuyên môn để trao đổi, thống nhất về những điều chỉnh kế hoạch ôn tập. Đồng thời họp phụ huynh riêng khối 12, gặp mặt cán bộ lớp và toàn thể học sinh cuối cấp. Lên dây cót tinh thần nỗ lực đạt mục tiêu cho các em. Mong muốn lớn nhất tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT dành cho khóa học sinh cuối cùng chương trình 2006 là đạt nguyện vọng của mình”, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Mai chia sẻ.

Trong khi đó, Trường THPT Mường Quạ ở vùng cao, khó khăn huyện Con Cuông, Nghệ An, với hầu hết học sinh người dân tộc thiểu số. Mục tiêu lớn nhất của trường có 100% học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp. Bên cạnh đó, vị trí xếp hạng trong tỉnh từ 68 - 80.

Thầy Hiệu trưởng Đặng Văn Bằng chia sẻ, bên cạnh phát huy năng lực chuyên môn, trách nhiệm, tâm huyết của giáo viên, trường còn truyền động lực dự thi cho học sinh, phụ huynh. Tự các em phải hiểu ý nghĩa, vai trò quan trọng của việc ôn thi và có bằng tốt nghiệp THPT.

Để làm được điều này, nhà trường lấy ý kiến của học sinh khối 12. Điều bất ngờ là các em chủ động đưa ra nhiều đề xuất từ thực tế học tập như: Đẩy nhanh tiến độ dạy học chương trình môn Toán, Ngữ văn… để có thêm thời gian luyện đề, tăng buổi ôn thi tốt nghiệp. Với môn học khác, tăng số buổi ôn thi vào buổi chiều.

Một số môn thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh… các em mong muốn tiếp cận nhiều hơn với đề thi thử. Mặt khác, nêu ý kiến xin phép nhà trường cho đến trường học vào buổi tối để đảm bảo bàn ghế, ánh sáng, không gian tự học hiệu quả; xin giảm hoạt động ngoài giờ lên lớp ngoài chương trình cần thiết để tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT.

Chị Cầm Thị Chính (đại diện phụ huynh lớp 12A, Trường THPT Mường Quạ) chia sẻ: “Sau cuộc họp phụ huynh do nhà trường tổ chức, bố mẹ quan tâm hơn tới việc học và ôn thi của con. Buổi tối cả nhà không làm ồn, xem tivi khuya để con có không gian học bài. Mấy tháng cuối năm học, tôi cũng ưu tiên để con không tham gia làm nương rẫy mùa gặt. Mình chịu khó vất vả một thời gian ngắn để con đạt kết quả tốt trong kỳ thi”.

Nhóm dậy sớm để thành công của học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Mai, Nghệ An. Ảnh: NVCC

Nhóm dậy sớm để thành công của học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Mai, Nghệ An. Ảnh: NVCC

Đỡ đầu học sinh yếu

Trong 2 tháng qua, Trường THPT Con Cuông (Nghệ An) mở cửa lớp vào buổi tối cho học sinh khối 12 có không gian ôn thi thuận lợi. Bên cạnh đó, phát động giáo viên đến phụ đạo, hướng dẫn ôn thi miễn phí cho trò.

Nhà ở xã Châu Khê, huyện Con Cuông, cách trường hơn 20km nên 3 năm học tại Trường THPT Con Cuông, em Lê Thị Đào cùng bạn ở trọ quanh khu vực thị trấn, tự lập trong sinh hoạt và học tập. Em học khối C và đang nỗ lực thi vào ngành sư phạm tiểu học. “Với môn thi để xét tốt nghiệp, em lo lắng nhất là môn Toán, các lần thi thử gần đây chỉ đạt gần 4 điểm. Thời gian qua, được thầy cô trực tiếp giúp đỡ, giảng bài cụ thể, em thấy yên tâm và có tiến bộ hơn”, Đào chia sẻ.

Tương tự, Trường THPT Nghi Lộc 5 (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cũng tổ chức dạy học ca 3 miễn phí cho học sinh từ cuối tháng 2. Thời gian từ 16 - 17 giờ, ngay sau khi kết thúc lớp ôn thi vào buổi chiều các ngày trong tuần. Học sinh lớp phụ đạo là những em có lực học trên lớp hạn chế, điểm thi thử thấp, cần tăng cường phụ đạo. Trong quá trình đó, nhà trường rà soát, thống kê còn khoảng 20 em có nguy cơ trượt tốt nghiệp, và giao cho mỗi giáo viên “đỡ đầu”, giúp đỡ trực tiếp 1 học sinh.

Cô Nguyễn Thị Hồng (giáo viên Lịch sử) nhận đỡ đầu em Nguyễn Hồng Diễm (lớp 12A5) cho hay: “Trước đó, kết quả học tập của Diễm còn nhiều hạn chế, gia đình làm nông nghiệp, bố mẹ không có điều kiện sát sao học tập của con. Là giáo viên đỡ đầu, hướng dẫn em lập thời gian biểu, phương pháp học tập khoa học, hợp lý từng môn, trong đó trực tiếp ôn thi Lịch sử. Những môn khác, tôi cũng trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, đồng nghiệp để quan tâm, theo dõi từng thay đổi của em. Đến nay, em đã cải thiện rất nhiều ở các môn thi tốt nghiệp”.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nhấn mạnh: Phong trào thi đua “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” nhằm thúc đẩy và yêu cầu nhà trường phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết, bài bản cho việc dạy học. Nội dung đảm bảo đúng năng lực và tạo được khí thế học tập cho từng học sinh, nhà trường.

Về phía giáo viên cần nỗ lực, tăng cường sinh hoạt chuyên môn, tận tâm, tận tụy với học trò. Trong quá trình này các nhà trường cần vào cuộc tích cực, thực chất, lấy học trò làm trung tâm và lấy kết quả để đánh giá chất lượng thật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ