Huy động mọi nguồn lực
Tại điểm cầu Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin: Hà Nội có khoảng 80.000 thí sinh dự thi, tăng gần 2.000 em so với năm 2019. Với số lượng thí sinh như vậy, Hà Nội dự kiến huy động 8.700 cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức thi và hơn 1.300 cán bộ, nhân viên phục vụ. Số phòng thi dự kiến là 3.330 với đầy đủ phương tiện đáp ứng tổ chức tốt kỳ thi.
“UBND thành phố yêu cầu Sở GD&ĐT chỉ đạo tổ chức dạy học, ôn tập cho thí sinh lớp 12. Năm nay địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi diễn ra trên địa bàn, nên chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới; quyết tâm thực hiện kỳ thi theo đúng quy chế, nghiêm túc, công bằng, trung thực, khách quan” – ông Ngô Văn Quý khẳng định.
Tại TP Hồ Chí Minh, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được sở GD&ĐT tham mưu với UBND thành phố. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, năm nay TP Hồ Chí Minh có gần 80.000 thí sinh dự thi. Các điểm thi sẽ được bố trí tại trung tâm quận, huyện để thuận lợi cho công tác giao nhận đề thi, bài thi. Đề thi được giao trong buổi sáng và thu nhận bài thi ngay trong ngày, không để đề thi, bài thi qua đêm tại các điểm coi thi. Việc phân công giáo viên chấm thi cũng bảo đảm cán bộ chấm thi không chấm bài thi của học sinh mình.
Ông Nguyễn Văn Hiếu mong muốn đề thi bảo đảm yêu cầu xét tốt nghiệp nhưng đồng thời phải có độ phân hóa để cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng tuyển sinh; việc chấm phúc khảo cần kết thúc trước khi học sinh tựu trường và bắt đầu năm học mới.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam nhận định: Dù dịch bệnh, nhưng Bộ GD&ĐT đã chủ động chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các văn bản, trong đó có quy chế thi được ban hành kịp thời, tạo thuận lợi cho địa phương. Chia sẻ thông tin về kỳ thi tại Quảng Nam, ông Hà Thanh Quốc cho biết: Số thí sinh dự thi trên địa bàn năm nay gần 18.000 em, số phòng thi dự kiến là 770, bố trí tại 55 điểm thi; số cán bộ, giáo viên, an ninh, phục vụ kỳ thi được huy động khoảng trên 3.000 người.
Địa phương chuẩn bị chu đáo các khâu
Nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Dù Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương mình, nhưng trách nhiệm của Bộ GD&ĐT vẫn rất lớn. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn; tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các Hội đồng thi; phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Kỳ thi này đồng thời liên quan đến nhiều bộ ngành, trong đó có Bộ Công an, Giao thông Vận tải, Thanh tra Chính phủ… Bởi vậy, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh phải có đầy đủ đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Theo Bộ trưởng, thời gian chuẩn bị cho kỳ thi chỉ còn 2 tháng, nên phải gấp rút thực hiện nghiêm ngặt công việc được giao theo phân công. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra 5 nhiệm vụ cần thực hiện nghiêm túc:
Các sở GD&ĐT cần tiếp tục chỉ đạo nhà trường dạy học, ôn tập theo chương trình, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT bảo đảm chất lượng, để học sinh yên tâm, tự tin dự thi. Công tác ôn tập cần có sự điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu mới của kỳ thi, giúp học sinh ôn thi nhẹ nhàng, không áp lực.
Địa phương sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, trong đó phân công rõ công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng thành viên. Việc thành lập hội đồng thi và các ban, tiểu ban phục vụ kỳ thi phải rõ chức năng, nhiệm vụ, rõ người, rõ trách nhiệm. Căn cứ vào phân công nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, Hội đồng thi, từng thành viên trong ban chỉ đạo, hội đồng thi phải xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ một cách cụ thể, chi tiết.
Cần đặc biệt lưu ý một số khâu như: In sao, vận chuyển đề thi; bảo quản đề thi, bài thi. Nhà trường chủ động có kế hoạch để giáo viên tham gia coi thi được tập huấn, phát huy trách nhiệm, tránh vì không hiểu quy chế thi hoặc có lý do cá nhân dẫn đến việc thực hiện không nghiêm túc; hoặc thiếu kinh nghiệm nên xử lý tình huống lúng túng.
Với công tác chấm thi, công bố kết quả thi, phân tích phổ điểm: Năm nay, công tác chấm thi hoàn toàn do địa phương thực hiện, cả chấm trắc nghiệm và tự luận. Việc chấm thi phải thực hiện đúng quy trình quy định trong quy chế thi; cần nghiên cứu thật kỹ và dự báo những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình chấm thi.
Cuối cùng là công tác truyền thông, Bộ trưởng nhấn mạnh việc chủ động cung cấp thông tin cho báo đài để phản ánh về kỳ thi một cách trung thực, khách quan. Tránh tình trạng thông tin không đầy đủ nên báo chí không phản ánh đúng bản chất sự việc, có thể phát sinh hoang mang, ồn ào trong dư luận. Về phía Bộ GD&ĐT, sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện theo phân công của Thủ tướng trong Chỉ thị về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan là nhiệm vụ rất quan trọng. Tôi đề nghị các cấp ủy chính quyền địa phương chỉ đạo, quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung cụ thể trong thực hiện tổ chức kỳ thi này. Địa phương cần ý thức rõ tầm quan trọng của kỳ thi, để chuẩn bị chu đáo các khâu, tránh tiềm ẩn rủi ro. - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ