“Bí kíp” để đạt điểm cao
Em Tăng Thị Thùy Dang (cựu học sinh lớp 12/2, Trường THPT Phạm Phú Thứ, TP Đà Nẵng) hiện là sinh viên năm 1, chuyên ngành Truyền thông quốc tế và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao đỗ Thủ khoa khối C với tổng điểm 3 môn là 28 điểm (Ngữ văn 9; Lịch sử 9,5 và Địa lý 9,5) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Để đạt điểm cao, Dang có những “bí kíp” riêng cho mình trong quá trình học tập.
Tăng Thị Thùy Dang cho hay: Thời điểm này, các thí sinh thường tập trung phần lớn thời gian vào việc giải đề, từ câu dễ tới khó. Khoảng một tuần trước khi thi, các em hạn chế giải đề để có thời gian ôn tập toàn bộ kiến thức đã học.
“Các em nên chú tâm vào nội dung cơ bản, chiếm nhiều điểm trong đề thi. Cụ thể, với môn Lịch sử, sĩ tử nên ôn kỹ những giai đoạn, mốc thời gian quan trọng, cùng với các sự kiện và thuật ngữ khó hiểu đối với Lịch sử. Còn với môn Địa lý, ngoài việc ôn tập lại từng bài thì tập trung vào các kỹ năng như xem atlat, cách xử lý bản số liệu…”, Dang bật mí.
Riêng môn Ngữ văn, Thùy Dang cho rằng nên học lại nội dung, chi tiết “đinh” làm nên sự thành công của các tác phẩm. Đồng thời các em dành nhiều thời gian để luyện viết bài theo khung thời gian thi.
Còn sinh viên Vũ Trà My - cựu học sinh lớp 12/24, Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng), từng là thủ khoa khối D của Đà Nẵng Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 với tổng số điểm 28,4 điểm (Toán 9,4; Ngữ văn 9; Anh văn 10) cho rằng: Thời điểm cận thi, thí sinh hãy lập thời gian biểu cho việc học. Nhờ mốc thời gian cụ thể, các em có lộ trình hoàn thành khối lượng bài tập nhiều hơn, hiệu quả tốt hơn.
“Mỗi người có cách làm khác nhau. Riêng em liệt kê chi tiết mỗi ngày như dành ra khoảng thời gian bao nhiêu để học các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Toán vẫn là môn khó nên em thường dành nhiều thời gian cho môn này. Các môn Ngữ văn và Tiếng Anh thường xếp học ở khung giờ chiều và khuya”, Trà My đưa ra lời khuyên.
Trong quá trình làm đề, bên cạnh việc ghi chú thích bên cạnh bài làm, mỗi môn My còn một quyển sổ nhỏ để ghi những phần kiến thức cần xem lại, công thức tính nhanh, những dạng bài khó…
“Đặc biệt, phải chia thời gian học các môn thật hợp lý. Toán, Tiếng Anh em cố làm và ôn lại thật nhiều đề và dạng bài khác nhau. Môn Ngữ văn, em tham khảo thêm tài liệu, sách Văn của các thầy cô nổi tiếng và ôn bài, luyện đề”, Trà My nói.
“Vá” kiến thức và xả stress trước ngày thi
Trước ngày thi, áp lực tâm lý ngày càng đè nặng lên thí sinh. Căng thẳng, lo lắng và hồi hộp là những gì các em phải đối mặt. Chính vì thế, các thủ khoa ở kỳ thi trước đưa ra lời khuyên cần tự tin, tỉnh táo và xả stress trước kỳ thi.
Sinh viên Hoàng Thu Hiền – học lớp 47K31.1, khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) từng là thủ khoa đầu vào năm học 2021 - 2022 của Trường Đại học Kinh tế cho hay: Trong quá trình ôn thi chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn nhất định và cảm thấy mệt mỏi. Theo Thu Hiền, mọi khó khăn, thử thách mới chỉ là bắt đầu, nếu muốn thành công bắt buộc bản thân phải cố gắng bước trên con đường mình đã chọn.
“Không được để ý nghĩ buông bỏ đánh gục chúng ta. Chỉ cần nghĩ rằng mình sẽ nhận được kết tốt nếu cố gắng, có như vậy mới có nhiều động lực tiếp tục vượt qua khó khăn”, Thu Hiền nhắn nhủ.
Khoảng thời gian cận ngày thi là lúc căng thẳng nhất, vì phải tập trung tối đa để luyện đề và củng cố kiến thức trọng tâm của các môn học. Chia sẻ điều này, Trà My cho hay: Để có thể hệ thống lại kiến thức, những ngày cận thi, em dậy từ 4 giờ 30 phút và ngủ lúc 23 giờ 30 phút. Mỗi thí sinh có giờ giấc sinh hoạt khác nhau, quan trọng nhất chọn thời gian học cảm thấy tập trung nhất.“Bí quyết của em chính là kiên trì, chăm chỉ và khoa học. Kết quả sẽ đạt được tốt nhất nếu chúng ta cố gắng”, Trà My nhấn mạnh.