Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Siết chặt chấm thi, triệt tiêu gian lận

Đến nay, công tác chấm thi đang được các tỉnh, thành thực hiện hết sức khẩn trương để dự kiến đến ngày 7/7 có thể công bố điểm thi tới tất cả thí sinh. Do phần lớn là đề thi trắc nghiệm nên việc “siết chặt” thanh tra chấm thi được làm mạnh trong năm nay.

Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Siết chặt chấm thi, triệt tiêu gian lận

Nhiều thành phần thanh tra

Theo quy chế của Bộ GDĐT, năm nay do bài thi trắc nghiệm không rọc phách nên quy trình chấm thi được siết chặt hơn. Cụ thể, trước và sau khi quét bài thi, các hội đồng phải lập biên bản niêm phong. Các thành viên tổ xử lý bài trắc nghiệm tuyệt đối không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi; không sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời trắc nghiệm vì bất kỳ lý do gì. Ngoài ra, lực lượng thanh tra được yêu cầu giám sát trực tiếp và liên tục từ khi mở niêm phong đến khi kết thúc chấm thi.

Tại Hà Nội, từ ngày 27/6, ban chấm thi bắt đầu khai mạc công tác chấm thi tại các điểm thi. Theo ông Ngô Văn Chất – Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GDĐT), Hà Nội đã huy động hơn 300 giáo viên các trường THPT tham gia chấm bài thi tự luận môn văn, cán bộ các trường ĐH chỉ tham gia giám sát.

Theo ông Chất, đối với các môn thi trắc nghiệm, việc chấm thi sẽ có một tổ chấm riêng. “Để chấm các môn thi trắc nghiệm, ngoài các cán bộ chấm thi còn có thanh tra của Sở, thanh tra Bộ, thanh tra các trường ĐH và lực lượng an ninh giám sát để đảm bảo công bằng, khách quan” – ông Chất cho biết.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở GDĐT Hưng Yên thông tin, với trên 11.000 bài thi môn văn, sở phải huy động 72 cán bộ chấm thi. Đối với các bài thi trắc nghiệm, hiện nay, tổ xử lý bài thi gồm 12 người đang ở công đoạn quét bài với 3 máy chấm. Ông Phan Xuân Quyết - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GDĐT Hưng Yên) cho biết, năm nay việc chấm thi được siết chặt với nhiều thành phần thanh tra cùng tham gia giám sát chấm thi. Ngoài thanh tra Sở, thanh tra Bộ còn có thêm 2 cán bộ từ trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên giám sát cùng.

Tại các tỉnh phía Nam, việc chấm thi cũng được ráo riết thực hiện trong sự giám sát chặt chẽ của nhiều lực lượng thanh tra. Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh thông tin, ngành GDĐT thành phố đã huy động gần 1.000 giáo viên, cán bộ giám sát và công an phục vụ công tác chấm thi. Trong đó, chỉ riêng môn văn, Sở đã huy động khoảng 600 giáo viên chấm thi. “Mỗi môn thi sẽ có một tổ thư ký phụ trách để thực hiện các công việc liên quan. Mỗi tổ chấm đều có công an và cán bộ thanh tra giám sát chặt chẽ”- ông Đạt nói.

Bà Trương Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở đã huy động 130 giáo viên chấm thi, trong đó có 100 giáo viên chấm bài thi môn văn vì đây là môn thi tự luận duy nhất. Các môn còn lại thi trắc nghiệm sẽ chấm bằng máy.

Theo bà Huệ, năm nay việc chấm thi được siết chặt với nhiều thành phần thanh tra nên khó có thể xảy ra gian lận, thiếu minh bạch trong điểm số của thí sinh. Chính vì vậy, thí sinh và các trường ĐH hoàn toàn có thể tin tưởng vào kết quả này để xét tuyển.

Thí sinh hoàn thành môn thi tổ hợp Khoa học tự nhiên tại điểm thi trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội). (Ảnh: Đàm Duy)
Thí sinh hoàn thành môn thi tổ hợp Khoa học tự nhiên tại điểm thi trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội). (Ảnh: Đàm Duy)

Rút ngắn thời gian chấm thi

Do việc chấm thi phần lớn là trắc nghiệm bằng máy tính nên nhiều địa phương cho biết có thể hoàn thành việc chấm thi sớm hơn dự kiến.

Theo ông Chất, việc chấm thi trắc nghiệm bằng máy đã thuận lợi hơn rất nhiều so với các năm trước. Mặc dù là địa phương có số lượng thí sinh đông nhất cả nước (72.939 thí sinh dự thi) nhưng Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành công tác chấm thi sớm nhất vào ngày 4.7. Sở GDĐT Hưng Yên dự kiến hoàn thành chấm thi trắc nghiệm vào ngày 2.7, thi tự luận chấm xong vào ngày 3.7.

Ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GDĐT Phú Thọ cũng thông tin, dự kiến tỉnh này sẽ kết thúc việc chấm thi môn tự luận cũng như quét bài thi vào ngày 2.7. Sau đó, tỉnh sẽ gửi dữ liệu cho Bộ và thực hiện việc kiểm dò kết quả. Khoảng ngày 5.7 có thể hoàn tất về cơ bản để kịp tiến độ công bố kết quả vào ngày 7.7 tới.

Riêng với môn văn, ông Tường cho biết, trước khi tiến hành chấm, ban chấm thi đã họp thống nhất thang điểm đáp án của Bộ và chấm chung 10 bài để thảo luận, trao đổi những vướng mắc. “Việc chấm thi các bài trắc nghiệm hoàn toàn không có gì vướng mắc vì đã được “tập dượt” nhiều năm nay” – ông Tường nói.

Trong khi đó, tại Bình Dương, bà Nguyễn Hồng Sáng - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh này cho biết đã tiến hành chấm thi từ ngày 25.6 và dự kiến đến ngày 6.7 sẽ chấm xong. “Năm nay toàn tỉnh có 10.143 thí sinh dự thi, trong đó môn văn có 9.705 thí sinh dự thi. Để đảm bảo công tác chấm thi, sở huy động 100 cán bộ chấm thi môn văn và 8 người chấm trắc nghiệm” - bà Sáng nói.

Ngoài thanh tra cắm chốt, Bộ sẽ cử các đoàn thanh tra của Bộ tới điểm chấm thi các tỉnh để giám sát. Đối với các môn thi trắc nghiệm, trường hợp xảy ra lỗi kỹ thuật, máy không nhận biết được những câu thí sinh tô chì mờ, giám sát chấm thi sẽ điều chỉnh bằng tay để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Sau khi có kết quả, nếu thí sinh thấy điểm thi lệch quá nhiều so với dự đoán của mình có thể làm đơn phúc khảo”. - Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga.
Theo danviet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ