Học sinh đặc biệt lưu ý, tích cực tự học tập, tự nghiên cứu tài liệu trên cơ sở định hướng của giáo viên. Bố trí thời gian học tập hợp lý có tập trung đối với các môn thi THPT quốc gia. Phương châm ôn tập là tự học tập, nghiên cứu là chính.
Cụ thể, các em học sinh cần tự học một cách chủ động để hệ thống hóa kiến thức. Dành thời gian luyện tập thông qua việc giải các đề thi minh họa để phân tích, rút kinh nghiệm và củng cố kiến thức, kỹ năng làm bài thi theo đặc thù từng môn thi, hình thức thi.
Đặc biệt các em nên tự ôn tập theo sự hướng dẫn của các thầy giáo, cô giáo ở trường đồng thời củng cố và bổ sung kỹ năng phân tích đề thi, trình bày bài thi và cách phân bố thời gian hợp lý để giải quyết đề thi. Tuyệt đối không để bị mất điểm do những lỗi kỹ thuật không do sơ suất của chủ quan.
Thời điểm này, các em có thể tăng cường độ ôn tập cao hơn so với giai đoạn trước, tuy nhiên cũng tránh trường hợp bị quá tải và chuẩn bị cho mình tâm lý thật tốt trước khi bước vào kỳ thi.
Đối với giáo viên
Giáo viên cần căn cứ kết quả khảo sát chất lượng của học sinh, cùng tổ/nhóm bộ môn xây dựng khung chương trình, nội dung ôn tập chi tiết (bao gồm thời lượng, nội dung, tài liệu ôn tập) phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, trình hiệu trưởng phê duyệt.
Chỉ nên lựa chọn các nội dung cần thiết để ôn tập, bổ sung thêm kiến thức cho học sinh; các nội dung học sinh có thể tự học thì hướng dẫn học sinh tự đọc và tham khảo tài liệu.
Ngoài ra, tổ chức ôn tập theo đúng nội dung, chương trình đã xây dựng và được hiệu trưởng phê duyệt. Trước khi lên lớp phải có bài soạn. Bài soạn phải thể hiện rõ các nội dung: yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng; phương pháp dạy học (tiến trình lên lớp của giáo viên và hình thức tổ chức hoạt động học của học sinh; dự kiến chia nội dung của từng chuyên đề theo từng tiết dạy trong đó có nội dung dạy trên lớp, có nội dung giao cho học sinh làm ở nhà; bài soạn có thể soạn theo từng chủ đề hoặc theo từng buổi dạy hoặc theo từng tiết học.
Cùng với đó, giáo viên cần thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường để nâng cao năng lực chuyên môn và kinh nghiệm trong công tác ôn tập học sinh dự thi THPT quốc gia.
Có thể Phô tô nội dung, tài liệu ôn tập đến 100% học sinh tham gia ôn tập, khuyến khích các học sinh không tham gia ôn tập phô tô tài liệu để tham khảo và tự học (Không phô tô đáp án).
Ngoài ra, giáo viên trực tiếp giảng dạy cần tích cực tư vấn cho học sinh trong việc chọn môn thi tự chọn, lựa chọn cụm thi tại các trường cao đẳng, đại học hay cụm thi tại địa phương đảm bào phù hợp với năng lực thực của học sinh.
Cán bộ quản lý cần lưu ý
Thời điểm này, cần quản lý chặt chẽ công tác dạy ôn tập của giáo viên và học sinh: hồ sơ sổ sách, kế hoạch dạy ôn tập của nhà trường, nội dung, chương trình ôn tập, bài soạn của giáo viên (có phê duyệt của tổ trưởng/trưởng nhóm bộ môn theo từng chuyên đề), tài liệu ôn tập của học sinh, tỷ lệ chuyên cần của học sinh, công tác thu chi và việc thực hiện kế hoạch ôn tập đã đề ra.
Đồng thời sắp xếp thời khóa biểu đảm bảo hợp lý, không gây quá tải đối với học sinh. Chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên trực tiếp ôn tập thường xuyên kiểm tra sự tiến bộ của học sinh sau mỗi nội dung hoặc chuyên đề.
Việc ra đề kiểm tra đánh giá sự tiến bộ của học sinh phải được thực hiện theo nguyên tắc giáo viên trực tiếp giảng dạy không ra đề và chấm bài của học sinh mình giảng dạy.
Căn cứ kết quả khảo sát, hiệu trưởng tư vấn, đề nghị giáo viên kịp thời điều chỉnh PPDH, nội dung giảng dạy cho phù hợp, cùng giáo viên tháo gỡ khó khăn nảy sinh trong quá trình ôn tập.
Box: Sở GD&ĐT khuyến khích các trường định kỳ tổ chức lấy ý kiến của học sinh đối với các giáo viên trực tiếp giảng dạy, nội dung, chương trình, tài liệu ôn tập, PPDH, … để kịp thời có các điều chỉnh cần thiết, đảm bảo hiệu quả ôn tập.