Kỳ thi Giải toán trên máy tính cầm tay và hành trình truyền cảm hứng yêu toán

GD&TĐ - Qua sự phát động và tổ chức của Bộ GD&ĐT, kỳ thi quốc gia Giải toán trên máy tính cầm tay được đánh giá là một trong những cuộc thi uy tín và hiệu quả suốt 20 năm qua. Chính vì vậy, học sinh, giáo viên trông đợi và được hầu hết các Sở GD&ĐT khắp cả nước nhiệt tình hưởng ứng cũng như liên tục tham gia trong mỗi mùa thi.

Kỳ thi Giải toán trên máy tính cầm tay Casio cấp thành phố năm 2019
Kỳ thi Giải toán trên máy tính cầm tay Casio cấp thành phố năm 2019

“Giải toán trên máy tính cầm tay” - Lan tỏa mạnh mẽ từ cấp trường đến cấp quốc gia

Khởi nguồn từ cuộc thi đầu tiên do Sở GD&ĐT tổ chức vào năm 1995 tại TPHCM, Giải toán trên máy tính cầm tay được nâng tầm quốc gia vào năm 2001. Thành công ngoài mong đợi, kỳ thi được cả 63 tỉnh, thành trên cả nước hưởng ứng và được tổ chức thường xuyên từ cấp trường, đến cấp quận, huyện để chọn ra “hạt giống” cho đội tuyển của tỉnh dự thi quốc gia.

Cho đến nay kỳ thi đã có 16.687 học sinh thi cấp quốc gia; 246.725 học sinh thi cấp tỉnh/thành phố… Thấy được sức hút từ kỳ thi, ngoài môn Toán, Bộ GD&ĐT mở rộng thêm các môn Lý – Hóa – Sinh. Qua kỳ thi, chất lượng học tập của học sinh cũng từ đó được cải thiện rõ rệt, việc học trở nên thú vị và có tính thực tế cao.

Đặc biệt, thấy được hiệu quả to lớn mà kỳ thi Giải toán trên máy tính cầm tay mang lại, hãng Casio (Nhật Bản) đã phối hợp với Bộ Giáo dục các nước như Campuchia, Myanmar, Philippines… để học hỏi và nhân rộng tổ chức.

Ông Nguyễn Xuân Dũng – Chủ tịch HĐQT BITEX là người đầu tiên đưa ra ý tưởng ứng dụng máy tính Casio vào học đường
 Ông Nguyễn Xuân Dũng – Chủ tịch HĐQT BITEX là người đầu tiên đưa ra ý tưởng ứng dụng máy tính Casio vào học đường

Công tác chuẩn bị chu đáo và nghiêm túc

Để triển khai cuộc thi, công tác tổ chức luôn được thực hiện nghiêm túc và chu đáo cùng sự phối hợp nhịp nhàng của Ban tổ chức. Trong đó, các đơn vị phụ trách đăng cai tại mỗi cụm thi đều có sự đầu tư kỹ lưỡng từ khâu đón tiếp, khâu tổ chức hội đồng thi đến khấu chấm thi nhằm đảm bảo cuộc thi diễn ra nghiêm túc, công bằng, phản ánh đúng năng lực và chất lượng của thí sinh.

Tại các sở GD&ĐT, đội tuyển dự thi đã được thành lập thông qua việc tuyển chọn từ hơn 6.000 thí sinh tham gia kỳ thi giải toán trên máy tính cầm tay cấp trường, cấp tỉnh/thành phố. Sau đó, Sở tạo điều kiện để các thí sinh dự thi cấp quốc gia như bồi dưỡng thêm kỹ năng, sắp xếp phương tiện, nơi ăn chốn ở trong quá trình dự thi.

Và chung sức ngay từ khi kỳ thi mới ra đời, BITEX – nhà phân phối độc quyền máy tính Casio đóng vai trò là nhà tài trợ và đồng tổ chức kỳ thi, góp phần tạo điều kiện thuận lợi giúp thí sinh khắp mọi miền đất nước từ thành phố đến vùng sâu vùng xa có cơ hội được giao lưu và thể hiện tài năng.

Chia sẻ trên cương vị là đơn vị tài trợ của kỳ thi, ông Nguyễn Xuân Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty BITEX) cho biết: “Tôi chỉ đưa ra ý tưởng đưa máy tính vào học đường, hỗ trợ kinh phí, đầu tư giải thưởng và đồng hành phối hợp tổ chức thực hiện với Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT cho mỗi mùa thi.

Còn may mắn lớn nhất là được Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT ủng hộ, quan tâm và luôn có những chỉ đạo kịp thời cho kỳ thi. Bản thân tôi cảm thấy rất vui vì kỳ thi đã tạo dựng được tình cảm trong lòng các em học sinh, thầy cô giáo”.

Hàng trăm thí sinh tham gia kỳ thi “Giải toán trên máy tính Casio” vào năm 1995 tại Trường THPT Lê Quý Đôn – TPHCM
 Hàng trăm thí sinh tham gia kỳ thi “Giải toán trên máy tính Casio” vào năm 1995 tại Trường THPT Lê Quý Đôn – TPHCM

Kỳ thi phát huy khả năng tư duy

Kỳ thi Giải toán trên máy tính cầm tay đã không còn là một cuộc thi tài năng đơn thuần, mà đấy đã dần trở thành một sân chơi bổ ích, là bước đệm cho học sinh có nhiều kỹ năng thực tiễn. Nhờ có kỳ thi, mà giáo viên đã có thể đổi mới phương pháp dạy và học các môn KHTN trong nhà trường. Việc ra đề giờ đây đã không còn giới hạn trong những con số tròn trĩnh. Từ đó, giáo viên và nhà trường đã có thể phát hiện và ươm mầm cho những tài năng Toán học xuất sắc.

Đến với kỳ thi học sinh cần rèn luyện kỹ năng tư duy thật tốt, phán đoán nhanh và khả năng sử dụng thành thạo máy tính cầm tay để có thể tìm ra được phương pháp giải nhanh nhất trong thời gian ngắn nhất.

Chất lượng ra đề cho mỗi môn thi luôn được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo độ khó nhất định để có thể tìm ra những học sinh giỏi thật xứng đáng. Tuy vậy, kỳ thi không gây áp lực về điểm số và thành tích, cũng chẳng bắt buộc các em tham gia vì cơ chế cộng điểm, mà kêu gọi tình nguyện dự thi vì một niềm đam mê suy luận toán học.

Đặc biệt khi tham gia, thí sinh sẽ không tốn bất kỳ chi phí nào mà còn có cơ hội giành được những phần thưởng quý giá, nhất là phần thưởng tinh thần đến từ những tấm huy chương.

Không chỉ phát huy khả năng của từng thí sinh, kỳ thi còn phát huy tinh thần tập thể thông qua các phần thi cá nhân và đồng đội. Các thí sinh sẽ thể hiện kỹ năng tư duy nhanh, khả năng phối hợp giữa lý thuyết với mô hình bài toán thực tiễn và đặc biệt là kỹ năng bấm máy chính xác.

Từ con số 5% biết đến máy tính cầm tay thì đến nay 90% học sinh đã ứng dụng hiệu quả máy tính cầm tay vào học tập, thi cử. Điều hạnh phúc nhất với lãnh đạo ngành Giáo dục, đơn vị tài trợ không phải là những con số, huy chương đã trao đi mà là được theo đuổi đam mê đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam, góp phần thay đổi phương pháp tính toán và ứng dụng công nghệ vào học đường.

 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ