Hãy nhìn nhận, đánh giá công bằng, khách quan
- Sau Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, có ý kiến cho rằng việc tổ chức kỳ thi với 2 mục đích là không còn phù hợp, ông nghĩ sao?
Năm nay là năm thứ 4 chúng ta tổ chức kỳ thi với mục đích kép, vừa công nhận tốt nghiệp phổ thông cho học sinh, vừa làm căn cứ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng.
Hình thức thi này đã giải quyết được tồn tại từ nhiều năm là học sinh phải vất vả, chịu đựng bốn kỳ thi trong năm, chỉ cách nhau một thời gian ngắn, hơn một tháng. Không chỉ học sinh chịu áp lực mà gia đình các em cũng phải mất tiền bạc, công sức không nhỏ cho chi phí các kỳ thi.
Khi tổ chức riêng kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, các địa phương không thể tìm cách nào đó để hài hòa giữa hai mục tiêu là vừa đảm bảo chất lượng học tập cho học sinh và vừa đảm bảo an sinh xã hội, trước sức ép cho ra trường với hàng vạn học sinh phổ thông mỗi năm. Kỳ thi “2 trong 1” thực sự giải quyết được những bức xúc của các địa phương từ nhiều năm mà vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra và chất lượng đầu vào cho giáo dục.
Năm nay cũng là năm thứ 2 kỳ thi hầu hết sử dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan (trừ môn Ngữ văn), thể hiện được thế mạnh của nó đối với kỳ thi quốc gia và với quy mô lớn. Nội dung bài thi trắc nghiệm bao quát được hầu hết kiến thức của học sinh đã được học ở lớp 11 và lớp 12 và học sinh chỉ có thể trả lời đúng khi các em nắm được bản chất các khái niệm khoa học.
Đây thực sự là cách làm đúng hướng theo triết lý giáo dục đổi mới mà chúng ta đang thực hiện. Trong cùng một phòng thi, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng, đã giải quyết triệt để hiện tượng học sinh quay cóp, chép bài của bạn và giám thị lúc này thực sự được nhàn rỗi trong quá trình coi thi. Có thể nói, quá trình tổ chức coi thi là rất khách quan và giải quyết được trật tự, kỷ luật phòng thi mà chưa kỳ thi nào từ trước tới nay có thể làm được.
Có lẽ, ý kiến cho rằng, Kỳ thi THPT quốc gia không còn phù hợp là bởi vi phạm đáng tiếc xảy ra ở Hà Giang, Sơn La.
Những cán bộ vi phạm nghiêm trọng Quy chế thi đã bị cơ quan chức năng khởi tố hoặc sẽ khởi tố. Tham nhũng và lợi ích nhóm là hai “vấn nạn” mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm và bằng mọi biện pháp chống lại và loại trừ.
Cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương đã lợi dụng chức trách và nhiệm vụ được giao để vụ lợi, chắc chắn họ sẽ bị pháp luật trừng trị một cách thích đáng.
Đành rằng “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng một nhóm người vi phạm pháp luật, không thể làm xấu đi hình ảnh đẹp đẽ của hàng triệu cán bộ giáo viên trong ngành Giáo dục, đang miệt mài ngày đêm chăm lo cho thế hệ trẻ.
Đành rằng, giáo dục là ngành cao quý, luôn đề cao sự rèn luyện giá trị của nhân cách, nhưng giáo dục cũng khó thoát ra được những nhức nhối chung về tham nhũng và lợi ích nhóm đang xảy ra ở hầu hết các địa phương, thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và an ninh của nước ta.
Chúng ta nên nhìn nhận đánh giá về giáo dục trước những tiêu cực của một nhóm người thoái hóa, biến chất gây ra trong Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, dưới góc nhìn khách quan, thực tiễn và tích cực nhất.
Các trường ĐH, CĐ cần tham gia sâu hơn vào công tác chấm thi
- Ông đánh giá cao phương thức thi THPT quốc gia, nhưng bên cạnh đó còn vấn đề gì ông có thể đóng góp thêm để kỳ thi năm tới tốt hơn?
Tôi cho rằng, Quy chế thi cần quán triệt, quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Chúng ta không thể cứ dựa vào tập thể, một nhóm người được phân công để chứng kiến, giám sát và nghĩ là họ phải làm đúng theo quy chế. Mỗi công đoạn hay mỗi hoạt động tổ chức coi và chấm thi phải do một cá nhân chịu trách nhiệm.
Ban chỉ đạo thi cần giao thêm trách nhiệm, tức là phải vừa chỉ đạo vừa trực tiếp tham gia các hội đồng thi. Thực tế cho thấy, những địa phương nào có đội ngũ cán bộ làm thi nghiêm túc, chuyên nghiệp thì Ban chỉ đạo ở đó “khỏe”, kỳ thi không xảy ra sự cố và ngược lại.
Lãnh đạo các trường đại học và cao đẳng cần tham gia trực tiếp vào các hội đồng chấm thi ở cả 63 tỉnh, thành phố; phải trực tiếp chịu trách nhiệm về kết quả chấm thi và chất lượng tuyển sinh vào các trường mà mình sẽ có nhiệm vụ GD-ĐT.
Năm nay, tuy có quy định rõ ràng cho các thành viên giám sát trong quá trình chấm thi trắc nghiệm, nhưng vẫn có tiêu cực xảy ra. Nếu các trường đại học, cao đẳng trực tiếp chấm thi, tôi nghĩ những địa phương có ý đồ tiêu cực khó có thể thực hiện.
Cuối cùng, tôi bày tỏ quan điểm cần tiếp tục triển khai Kỳ thi THPT quốc gia lần thứ 5, năm 2019, với một số chỉnh sửa bổ sung về mặt tổ chức thi và một số kỹ thuật trong quy định về chấm thi.
- Xin cảm ơn ông!