Cần thiết duy trì kỳ thi “2 trong 1”

GD&TĐ - Đây là nhận định của PGS.TS Đỗ Anh Tài - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) khi phân tích về Kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích: Xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ.

PGS.TS Đỗ Anh Tài
PGS.TS Đỗ Anh Tài

Theo PGS. TS Đỗ Anh Tài, tinh thần của kỳ thi “2 trong 1” mà Bộ GD&ĐT đưa ra là rất tốt, bởi mục tiêu ở đây là mong muốn một kỳ thi gọn, nhẹ cho thí sinh, không để các em phải lãng phí nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đi thi ở một nơi khác.

PGS Đỗ Anh Tài

“Với một vài sự việc đáng tiếc diễn ra trong thời gian qua, tôi cho rằng dư luận có lẽ không nên đánh giá kỳ thi mà cần đánh giá những người đã sai phạm khi tham gia trong các khâu của kỳ thi đó. Bản chất kỳ thi là tốt, không có vấn đề gì, nhưng khi thực hiện thì lại bị một số người luồn lách, bóp méo đi. Nếu như tất cả các cán bộ đều có trách nhiệm thì sẽ không xảy ra những việc như ở Hà Giang, Sơn La” - PGS Đỗ Anh Tài nhận định.

Theo PGS Đỗ Anh Tài, hiện chỉ có một số trường ĐH lớn có thể sẵn sàng để thay đổi phương pháp, cách thức tuyển sinh, còn lại hầu hết các trường ĐH sẽ gặp khó khăn nếu phải tự tổ chức tuyển sinh. Trước đây, kỳ thi tổ chức ở các trường trong bối cảnh số lượng trường ĐH còn ít. Còn thời điểm hiện tại, số lượng trường ĐH tăng lên rất nhiều, không ít trường ĐH mới hình thành, nếu phải tổ chức một kỳ tuyển sinh riêng, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, từ khâu ra đề đến tổ chức kỳ thi, chấm thi…

PGS. TS Đỗ Anh Tài bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia. Việc phát hiện các thí sinh tại một số địa phương được sửa điểm từ thấp thành cao không phải là con số chiếm tỷ lệ rất lớn, đa phần số thí sinh còn lại vẫn đảm bảo được đánh giá đúng năng lực thực sự của các thí sinh. Chính vì vậy, vị lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) cho rằng, trong thời gian trước mắt, khi các trường chưa sẵn sàng tự chủ, chưa chuyển đổi, Bộ GD&ĐT vẫn nên tổ chức kỳ thi “2 trong 1” sau khi rà soát, điều chỉnh về cách thức triển khai, con người vận hành các khâu của kỳ thi. Những vụ việc vừa qua chính là cơ hội để tìm ra lỗ hổng và bổ sung, vá lỗi.

"Thời gian vừa qua, khi phát hiện ra những vấn đề về điểm thi một số địa phương, Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm hạn chế, khắc phục những sai sót đó. Cũng như khi viết ra một phần mềm, ta luôn mong muốn đưa ra những phần mềm tối ưu nhất, nhưng sau đó phát hiện ra những lỗ hổng cần phải cập nhật phần mềm, điều chỉnh cho chặt chẽ hơn. Ta nên nhìn dưới góc độ tích cực chứ đừng nhìn dưới góc độ tiêu cực của vấn đề. Không chỉ vì sai sót của số ít mà phủ nhận những điểm tốt, tích cực của cả một kỳ thi". -

PGS.TS Đỗ Anh Tài nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ