Kỹ sư quản lý bảo dưỡng máy bay có mức lương 15.000 USD/tháng

GD&TĐ - Ở một số công ty nước ngoài, kỹ sư quản lý bảo dưỡng máy bay chất lượng cao có mức lương khoảng 15.000 USD/tháng.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Thông tin trên được ông Hà Tiến Dũng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng Không Hải Âu cung cấp tại Hội thảo “Đào tạo và nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật hàng không tại Việt Nam” do Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tổ chức - ngày 23/5.

Theo ông Dũng, riêng lĩnh vực hàng không, nhiều trường đang thiếu mảng đào tạo về quản lý bảo dưỡng máy bay. Do đó, hầu hết các công ty phải tự đào tạo đội ngũ này, với chi phí cao.

Ông Dũng đề xuất USTH nên có một số chủ đề đào tạo liên quan đến quản lý kỹ thuật và quản lý bảo dưỡng máy bay.

Ông Hà Tiến Dũng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng Không Hải Âu chia sẻ tại hội thảo.

Ông Hà Tiến Dũng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng Không Hải Âu chia sẻ tại hội thảo.

Cho rằng, học trên lớp mới là điều kiện cần, ông Nguyễn Thao – Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty Cổ phần dịch vụ Kỹ thuật hàng không AESC – nhấn mạnh, điều kiện đủ là sinh sinh viên cần tự học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm trong thực tiễn. Có kiến thức, kinh nghiệm thực tế sẽ giúp các em trưởng thành hơn trong nghề nghiệp.

Theo GS Jean-Marc Lavest - Hiệu trưởng Chính Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, sự hồi phục và phát triển của ngành hàng không đã có nhiều tín hiệu rõ nét, kèm theo đó là sự tăng trưởng trong nhu cầu nhân lực ngành hàng không nói chung và Kỹ thuật Hàng không nói riêng.

Việc USTH tổ chức Hội thảo “Đào tạo và nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật Hàng không tại Việt Nam” nhằm kết nối và cung cấp những thông tin hữu ích, cập nhật về nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật Hàng không tại Việt Nam trong bối cảnh mới.

GS Jean-Marc Lavest - Hiệu trưởng Chính Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

GS Jean-Marc Lavest - Hiệu trưởng Chính Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

“Chúng tôi hy vọng sự kiện sẽ trở thành diễn đàn để các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp hàng không chia sẻ về hoạt động đào tạo và thị trường việc làm hiện nay, cũng như kết nối sinh viên, giảng viên, các cơ sở đào tạo về hàng không với các doanh nghiệp về mặt đào tạo, thực tập và cơ hội việc làm trong lĩnh vực này” - GS Jean-Marc Lavest bày tỏ.

Hội thảo “Đào tạo và nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật Hàng không tại Việt Nam” nằm trong chuỗi các sự kiện hướng tới kỷ niệm 50 năm hợp tác Việt Nam - Pháp do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức kéo dài từ tháng 5 đến tháng 12/2023.

Sinh viên đặt câu hỏi, giao lưu, trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không.

Sinh viên đặt câu hỏi, giao lưu, trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không.

Tại hội thảo, các chuyên gia chia sẻ, từ quý II/2022, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, sự hồi phục và phát triển của ngành hàng không đã có nhiều tín hiệu rõ nét; kèm theo đó là sự tăng trưởng trong nhu cầu nhân lực ngành hàng không nói chung và Kỹ thuật Hàng không nói riêng.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, mỗi năm cả nước sẽ cần bổ sung khoảng 150 – 200 nhân sự cho lực lượng kỹ thuật tàu bay bao gồm cả kỹ sư máy bay và thợ kỹ thuật máy bay.

Từ năm 2018, USTH triển khai chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không với hai chuyên ngành bảo dưỡng và vận hành bay. Chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Kỹ thuật Hàng không mỗi năm tại USTH là 40 sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không và kỹ thuật bảo dưỡng các dòng máy bay dân dụng. Qua đó, có thể đáp ứng nhu cầu về nhân sự kỹ thuật cao từ các tổ chức hàng không trong nước và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ