“Nóng” nhu cầu nhân lực kỹ thuật ngành Hàng không

GD&TĐ - Lần đầu tiên nghề sửa chữa và bảo trì máy bay được trình diễn tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI vừa qua. Đây được xem là một lời nhắc với các quốc gia trong khu vực về nhu cầu nhân lực của nghề này đang rất cao, cần phải được chú trọng đầu tư.

“Nóng” nhu cầu nhân lực kỹ thuật ngành Hàng không

Bài toán lớn

So với các nước trong khu vực, chất lượng nguồn nhân lực Hàng không Việt Nam đang ở mức trung bình khá về trình độ chuyên môn, năng lực làm việc còn kỹ năng hành nghề, kỹ năng mềm chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt và tương lai gần.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, đến hết năm 2015, tổng số nhân lực ngành Hàng không là 35.541 người (năm 2010 là 29.000 người). Trong đó, phần lớn là lao động ở khối các doanh nghiệp Hàng không với hơn 28.000 người. So với năm 2010, tốc độ tăng lao động bình quân hơn 4,5%/năm, cơ cấu lao động phù hợp với quy hoạch vận tải Hàng không, lao động chuyên ngành có xu hướng tăng.

Trình độ lao động trong lĩnh vực này cũng đã được nâng cao đáng kể, đội ngũ lao động chuyên ngành như người lái tàu bay, kiểm soát viên không lưu, nhân viên kỹ thuật hàng không được đào tạo, bồi dưỡng một cách cơ bản, toàn diện theo quy trình, quy chuẩn quốc tế, có khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ đối với các loại tàu bay hiện đại của các hãng sản xuất máy bay hàng đầu như Boeing hay Airbus…

Tuy nhiên, theo Cục Hàng không Việt Nam, ngành Hàng không dân dụng phát triển tốc độ nhanh, một số doanh nghiệp có biểu hiện phát triển nóng, đặc biệt là phát triển đội tàu bay trong khi chưa chuẩn bị các nguồn lực và nhân lực, dẫn đến khủng hoảng thiếu nhân lực chuyên ngành kỹ thuật cao như phi công, thợ kỹ thuật tàu bay. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, ngành Hàng không hiện nay đang rất phát triển, đòi hỏi nguồn nhân lực mạnh nhưng lực lượng nhân sự trong nước còn rất hạn chế.

Nhu cầu lớn về đào tạo

Thực tế cho thấy, dù đã có sự phát triển tốt nhưng đào tạo ngành hiện vẫn chưa đủ đáp ứng được nhu cầu, do các nguyên nhân chủ yếu như thiếu giáo viên, thiếu cơ sở thực hành, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, sinh viên ngành Hàng không hiện vẫn còn yếu về trình độ kỹ thuật lẫn cả trình độ tiếng Anh. Do đó dù thiếu nhân lực song nguồn lao động trong nước của ngành vẫn không được doanh nghiệp chào đón.

Đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời gian tới, trong lĩnh vực đào tạo, Cục Hàng không đã kiến nghị, tập trung vào đào tạo nghề đối với nhân viên Hàng không, bỏ các chương trình đào tạo trung cấp, cao đẳng đối với nhân viên Hàng không nhằm thu hút, nâng cao chất lượng đầu vào, giảm bớt chi phí xã hội, sớm thiết lập cơ sở đào tạo phi công cơ bản hoàn chỉnh tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu nhân lực.

Các doanh nghiệp cũng thống nhất cho rằng, nên đào tạo, bổ túc những kiến thức cơ bản cho sinh viên, chú trọng việc học tiếng Anh, đồng thời tập trung đào tạo lực lượng lao động có tay nghề vững vàng. Tăng cường đầu tư trang thiết bị để huấn luyện thực hành cho các lao động đặc thù chuyên ngành Hàng không, đặc biệt là đào tạo phi công, nhân viên không lưu và nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa máy bay; Gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong việc đào tạo và sử dụng lao động, cũng như giữa đào tạo kiến thức chung với huấn luyện thực tế tại các doanh nghiệp trong ngành; Kịp thời đúc rút kinh nghiệm thực tế và cập nhật công nghệ mới cho đội ngũ giáo viên ngành.

PGS.TS Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - cho biết: Việt Nam mới có Học viện Hàng không và một số xí nghiệp trong ngành Hàng không đào tạo nghề này. Tuy nhiên, tới đây nghề này cần phải được chú trọng để có sự cạnh tranh tốt hơn. Vì việc bảo trì bảo dưỡng không những cho các hãng Hàng không trong nước mà còn bảo dưỡng máy bay cho các hãng Hàng không quốc tế khi họ tham gia vào thị trường Hàng không của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ