Đầu tiên là bỏ hẳn động cơ, thay mới bộ khung bằng thanh sắt nhỏ gọn hơn. Anh tận dụng bánh xe đạp trẻ em và xích cũ để giúp xe di chuyển nhẹ nhàng. Không biết hạt sẽ được đưa xuống đất theo cách nào, anh nghĩ ra cách cho hạt chạy theo vòng của ròng rọc.
Nhờ vậy, nguyên lí hoạt động của chiếc xe gieo khá đơn giản: khi đẩy xe di chuyển, trục giữa quay làm ròng rọc quay theo. Trên dây ròng rọc gắn nhiều vá múc hạt đậu từ thùng chứa chạy theo dây, đổ xuống đất.
Theo anh Tiếp, khó khăn nhất khi chế tạo chiếc máy này đó là tính toán sao cho số vòng quay của bánh xe, nhông và ròng rọc phù hợp để mỗi hạt rơi xuống đất sẽ cách nhau 8 cm như cách gieo của bà con.
Sau bốn vụ đậu liên tục lắp vào tháo ra, cõng xe xuống ruộng gieo thử anh mới cho ra chiếc xe gieo hoàn thiện. Để tiết kiệm công của bà con, ngay sau bánh xe anh ráp thêm lưỡi cày xẻ rãnh. Xe tới đâu đất được xẻ rãnh tới đó.
Anh nói: “Mần chiếc xe ni ít tốn tiền lắm, vì phần lớn phụ tùng tui toàn mót sắt vụn thôi. Chỉ mất chừng 300 ngàn là có chiếc xe gieo ngon ơ rồi. Không hề tốn tốn xăng mà ai điều khiển cũng được”.
Một xe gieo bằng sáu lực điền
Chiếc xe gieo hạt nhỏ gọn, nặng chừng10kg, có thể cột sau xe máy để chở xuống đồng. Đặc biệt loai ruộng nào nông dân cũng có thể đưa xe xuống sử dụng.
Mùa này, đi khắp các bãi bồi bên dòng sông Vu Gia, đâu đâu cũng thấy bà con đẩy xe “sắt vụn” này để gieo đậu, thảy bắp. Một người đẩy xe chạy trước xẻ rãnh, đậu rớt xuống, một người theo sau lấp đất.
Hiện tại, anh Tiếp đã sản xuất được 30 xe, cho bà con thuê 140 ngàn/ngày. Vào mùa vụ, số xe trên không đủ cung cấp cho bà con xã Đại Hồng và các xã lân cận. Anh cho hay đang tìm cách nâng cấp chiếc xe lên để có thể gieo được các loại hạt có kích thước lớn hơn.