Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2024): Niềm tự hào mùa Thu độc lập

GD&TĐ - Những ngày này, cả dân tộc Việt Nam hân hoan hướng về kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An và học trò. (Ảnh: NVCC)
Cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An và học trò. (Ảnh: NVCC)

Cùng chung niềm tự hào đó, lớp lớp thế hệ học trò Hà Nội bày tỏ khát vọng cống hiến xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhớ về Tháng Tám

“Đất nước muôn ngàn yêu dấu đang rợp bóng cờ

Khắp nơi tưng bừng liên hoan mừng non nước ta.

Đội ta đi, trống rung vang lừng đất trời

Gió tung khăn quàng phấp phới như muôn ngàn hoa.

Ta lớn lên cùng đất nước, như các con trong lòng mẹ cha”.

Mỗi khi nghe những giai điệu trong bài hát “Đội ta lớn lên cùng đất nước” của nhạc sĩ Phong Nhã, nhà văn Lê Phương Liên lại bồi hồi bao cảm xúc về những ngày Thu lịch sử. Nhà văn Lê Phương Liên cho biết, sinh ra và lớn lên tại khu phố cổ Hà Nội nên ngay từ thơ bé đã được sống trong bầu không khí lịch sử của Thủ đô và đất nước, nhất là vào mỗi dịp lễ tết hay ngày kỷ niệm.

Những năm xưa ấy, ngày Quốc khánh thường có diễu binh và diễu hành. Thuở đó, đoàn thiếu nhi luôn được đi đầu cuộc diễu hành Nhân dân. Được đứng trong đội ngũ đoàn thiếu nhi tiến vào Quảng trường Ba Đình trong ngày Quốc khánh; được đi đều bước ngước mắt nhìn lên khán đài có Bác Hồ giơ tay vẫy chào, là ước mơ của bao học sinh Hà Nội thuở đó. Hình ảnh đoàn thiếu nhi tiến bước trong tiếng trống ếch rộn ràng trên quảng trường Ba Đình chính là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phong Nhã sáng tác bài hát “Đội ta lớn lên cùng đất nước”.

“Tôi nhớ như in ngày tựu trường (khoảng năm 1963), lúc ấy khi nghe thông báo của anh tổng phụ trách: “Trường ta năm nay sẽ được vinh dự tham gia diễu hành ngày 2/9 ở Quảng trường Ba Đình!”, chúng tôi như vỡ òa cảm xúc. Để chuẩn bị cho lễ diễu hành, cứ đến cuối tiết học ôn tập văn hóa, chúng tôi lại cùng nhau tập đánh trống, đi đều trong sân trường rợp bóng lá bàng xanh mướt. Trước ngày 19/8, chúng tôi còn rủ nhau ra phố Tràng Tiền xếp hàng mua báo Nhân dân, Hà Nội mới… Đó là những số báo đặc biệt có các bài hồi ký của những người từng tham gia cuộc biểu tình ngày 19/8/1945 ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội…”, nhà văn Lê Phương Liên kể.

Nhà văn Lê Phương Liên nhớ lại: "Anh tổng phụ trách bảo: “Đọc những bài viết ấy, các em sẽ hiểu rõ hơn về những đóng góp của Nhân dân Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng trong Cách mạng tháng Tám!”.

Ngày kỷ niệm 19/8, anh phụ trách còn đưa mọi người đến sinh hoạt ở vườn hoa Con Cóc trước cửa tòa nhà Bắc Bộ phủ để cùng nhau kể lại cuộc biểu tình ngày 19/8/1945 từ những bài báo mình đã đọc.

niem tu hao mua thu doc lap (2).jpg
Nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ về tháng Tám thời niên thiếu. (Ảnh: NVCC)

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

Mỗi người Hà Nội lại có một ký ức đón Tết Độc lập (2/9) khác nhau. Cô Phạm Thị Quỳnh Duyên - giáo viên Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình) chia sẻ, cô vẫn nhớ ngày còn bé, được ông bà kể về Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, về những năm tháng kháng chiến gian khổ. Cô cũng nhớ lại khi còn đi học, từ những bài học lịch sử về cuộc Cách mạng tháng Tám, những bài thơ ngợi ca sự ra đời của đất nước vào ngày 2/9/1945.

“Tất cả những thời khắc lịch sử ấy hàng năm được sống lại trên các thước phim tài liệu, những hình ảnh chân thực trên truyền hình và mạng Internet để thế hệ trẻ như chúng tôi được sống trong niềm tự hào, biết ơn thế hệ cha anh”, cô Duyên nói.

Cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) cho biết, tháng Tám đối với mỗi người con đất Việt đều có lòng tự hào vì đó là dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công và Ngày Quốc khánh 2/9. Nhất là với các thế hệ cán bộ quản lý, giáo viên và lớp lớp thế hệ học trò của Trường Tiểu học Tràng An càng tự hào hơn khi được giảng dạy, học tập trong ngôi trường thành lập đúng dịp Tháng Tám lịch sử và là công trình được xây dựng nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Vì thế, mỗi cán bộ quản lý giáo viên, nhân viên nhà trường cũng mang những cảm xúc rất đặc biệt để cố gắng phấn đấu rèn luyện, học tập xứng đáng với sự cống hiến hy sinh của biết bao thế hệ vì nền độc lập của nước nhà. Đồng thời, ai ai cũng ra sức thi đua dạy tốt - học tốt để thêm tự hào với truyền thống Thủ đô Hà Nội…

“Trong quá trình giảng dạy, thầy cô truyền lửa cho học sinh làm sao tiếp bước các thế hệ, học tập làm việc để trở thành công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng Thủ đô, đất nước phát triển. Nhất là, để giữ gìn văn hóa của người Tràng An, mỗi học sinh nhà trường phải thực sự văn minh - thanh lịch...”, cô Liên nhấn mạnh.

“Đã bao nhiêu năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh Bác Hồ đứng trên lễ đài vẫy chào đoàn thiếu nhi diễu hành trên Quảng trường Ba Đình. Sau cuộc mít-tinh Bác Hồ bắt nhịp cho toàn thể Nhân dân hát bài “Kết đoàn! Kết đoàn chúng ta là sức mạnh! Kết đoàn chúng ta là sắt gang...”. Lễ đài Ba Đình lịch sử sau này được chọn là vị trí xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sâu thẳm ký ức của tôi, hình ảnh Lễ đài Ba Đình, hình ảnh Bác Hồ và hình ảnh Đội thiếu nhi trong cuộc mít tinh ngày Quốc khánh 2/9 năm ấy vẫn còn mãi mãi...”. - Nhà văn Lê Phương Liên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

GD&TĐ - Khoảng 16h30 ngày 19/9, xưởng in có diện tích khoảng 300m2 ở tổ dân phố Dao Quang, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xảy ra cháy lớn.