(GD&TĐ) - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bản hùng ca thời đại, cũng là bản hùng ca bất hủ, mãi mãi âm vang đi cùng năm tháng, cổ vũ, động viên toàn dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường đi lên phía trước.
Vào những ngày Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã vùng lên lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật, đập tan xích xiềng nô dịch ngót 100 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến đã tồn tại hàng nghìn năm, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới huy hoàng cho dân tộc: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Vào cuối thế kỷ XIX, sau khi xâm chiếm nước ta, thực dân Pháp đã thực hiện một chính sách thống trị vô cùng hà khắc. Chúng dùng mọi thủ đoạn bóc lột dân lành, vơ vét tài nguyên, thẳng tay đàn áp chém giết những người yêu nước, đẩy dân tộc ta vào đêm trường nô lệ. Không chịu khuất phục, nhân dân ta đã nhiều lần vùng lên chống ách nô dịch thực dân, nhưng các phong trào yêu nước đều không thể giành thắng lợi vì thiếu một đường lối đúng đắn. Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với người sáng lập là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, được soi sáng bằng Chủ nghĩa Mác – Lê nin, nhân dân ta mới có được con đường cứu nước đúng đắn: Con đường gắn liền sự nghiệp giải phóng dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Từ đó về sau, mặc dù từng giai đoạn, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng có những nhiệm vụ chiến lược khác nhau, nhưng tinh thần độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã trở thành kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam vượt qua biết bao thử thách to lớn để đi đến thắng lợi.
Mít tinh tổng khởi nghĩa trước Nhà hát lớn Hà Nội (19/8/1945) |
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh. Nhiều cao trào cách mạng – những cuộc tập dượt cách mạng lớn đã diễn ra để tiến tới Tổng khởi nghĩa. Đó là cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931, cao trào vận động dân chủ 1936 – 1939, cao trào đánh Pháp đuổi Nhật những năm đầu thập niên bốn mươi của thế kỷ XX, đêm trước của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Những cao trào cách mạng này đã mang đến những kinh nghiệm quý báu giúp Đảng ta hoàn thiện đường lối và chiến lược cách mạng, tăng cường sức mạnh tổ chức, nâng cao năng lực vận động và tập hợp quần chúng, và khi thời cơ đến chỉ với 5000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân nhất tề vùng lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong toàn quốc.
Bằng việc lật đổ chế độ thực dân, phong kiến đã lỗi thời, lập nên một chế độ xã hội mới tiến bộ, tạo ra những biến đổi xã hội - chính trị to lớn và căn bản, Cách mạng Tháng Tám thực sự là một bước nhảy vọt về chất của xã hội Việt Nam. Đây chính là cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đưa dân tộc ta từ đêm trường nô lệ bước đến bình minh của một ngày mới đầy hứa hẹn. Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám chính là kết quả của một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh và khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền tảng lòng yêu nước là những nhân tố căn bản nhất làm nên thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa lịch sử.
Bác Hồ đọc "Tuyên ngôn độc lập" tại vườn hoa Ba Đình |
Bản hùng ca Cách mạng Tháng Tám tiếp tục ngân vang theo dọc cuộc trường chinh cách mạng của dân tộc Việt Nam vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Với truyền thống yêu nước nồng nàn, với tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất, nhân dân ta đã vượt qua biết bao thử thách, gian khổ, hy sinh để đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau ngày non sông thu về một mối, trước những vận hội và thách thức mới, Đảng lại lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và mở cửa hội nhập quốc tế nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Tháng 1/2011, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã thành công tốt đẹp. Để bảo vệ và phát huy những thành quả cách mạng đã đạt được và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, Đại hội đã khẳng định phải tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ với hiệu quả ngày càng cao hơn. Bản hùng ca Cách mạng Tháng Tám đang tiếp tục là nguồn động lực tinh thần to lớn góp phần tạo nên sức mạnh cho đất nước ta đi tới phồn vinh.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra vận hội mới để xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, giáo dục đã được Nhà nước cách mạng non trẻ rất quan tâm. Nhiệm vụ chống nạn mù chữ khi đó đã được Chính phủ lâm thời khẳng định là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Từ đó, nền giáo dục Việt Nam dưới chế độ mới đã không ngừng được xây dựng và phát triển trên cơ sở được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của toàn xã hội. Từ một nền giáo dục nhỏ bé, manh mún thời Pháp thuộc, chúng ta đã xây dựng được một nền giáo dục bề thế với đầy đủ các cấp học, các trình độ đào tạo. Từ chỗ chỉ có 5% dân số biết chữ hiện nay chúng ta đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Một đội ngũ hùng hậu, đông đảo gồm nhiều thế hệ được đào tạo đã đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, nhưng với quyết tâm cao, ngành Giáo dục nước ta đang hướng tới đổi mới căn bản và toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của toàn xã hội, nhất định nền giáo dục nước nhà sẽ tiếp tục đổi mới hiệu quả để đóng góp xứng đáng vào công cuộc tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước theo con đường đúng đắn mà Cách mạng Tháng Tám đã mở ra và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã tiếp tục khẳng định một cách sáng tạo.
GD-TĐ