(GD&TĐ) - Gọi bà Trần Thị Diều là “kỳ nhân” làm du lịch bởi ngoài 78 tuổi, 10 năm nay bà là hướng dẫn viên (HDV) du lịch được khách “Tây” yêu mến nhất ở Thừa Thiên - Huế. Bà Diều người làng Thanh Toàn, xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên -Huế) nói thạo tiếng Anh. Khi Festival Huế 2002 mở chương trình “Chợ quê ngày hội” ở Cầu ngói Thanh Toàn, bà tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí.
Một điểm đến hấp dẫn
Men theo con sông Như Ý, từ khu phố mới nam Vỹ Dạ, băng qua cánh đồng xã Thủy Vân đang vào mùa gặt, rồi đến xã Thủy Thanh cũng thế, thỉnh thoảng phải dừng xe máy nhường đường cho các xe tải chở đầy lúa chín, phải mất nửa giờ tôi mới đến cầu ngói Thanh Toàn.
Sau Festival Huế 2002 đến nay, cầu ngói Thanh Toàn trở thành một điểm du lịch ngoại thành nổi tiếng nhất ở Thừa Thiên - Huế, thường xuyên thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Tất nhiên đường sá thuận lợi, nhưng quan trọng không kém, nơi đây có các điểm đến hấp dẫn như chiếc cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu cổ (1776) có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam, được công nhận là Di tích quốc gia vào năm 1990.
Cầu do bà Trần Thị Đạo tặng tiền cho làng, xây dựng theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu). Cầu dài 43 thước mộc (18,75m), rộng 14 thước mộc (5,82m), chia làm 7 gian, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Mái cầu lợp ngói lưu ly xinh xắn như một ngôi nhà cổ.
Chiếc cầu đẹp bắc ngang một nhánh nhỏ của sông Như Ý, ở một vị trí thơ mộng, thoáng đãng, phía đông nhìn ra cánh đồng mênh mông bát ngát, phía nam bên cạnh ngôi chợ quê còn giữ được nếp xưa với đình chợ, cây đa, bến nước... Kẻ mua người bán tấp nập đông vui, hàng hóa thổ sản địa phương rất phong phú, phong vị đồng quê khiến du khách phương xa đến đây hết sức thích thú.
Cầu ngói Thanh Toàn là vùng đất giàu truyền thống văn hoá - lịch sử trên đất Hương Thuỷ. "Khi du khách về với cầu ngói Thanh Toàn, chúng tôi muốn giới thiệu thêm các di tích như đình làng Vân Thê, Phủ thờ Tôn Thất Thuyết và một số nhà thờ họ, phái. Lực lượng đoàn viên, thanh niên trong vùng sẽ giúp đón đưa khách đến các điểm tham quan và giới thiệu về truyền thống văn hoá của các điểm di tích chẳng hạn", ông Lê Văn Chung - Phó Chủ tịch thị xã Hương Thủy cho biết. Ngoài các di tích ấy, bên cạnh cầu ngói Thanh Toàn còn có một ngôi nhà rộng lớn, trưng bày đầy đủ các thứ nông cụ truyền thống: Cày, bừa, xe quạt lúa, xe đạp nước, cối xay giã...
Lúc tôi đến, chỉ thấy vài chiếc xe máy nhưng đến ba chiếc ô tô lớn chở khách du lịch. Trong nhà trưng bày nông cụ đông nghịt khách nước ngoài, anh hướng dẫn viên nói tiếng Pháp thao thao bất tuyệt, miệng nói tay chỉ vào những cối xay thóc, cối xay bột... Một bà già ngoài 70 tuổi hăng hái trèo lên guồng xe đạp nước trình bày thao tác như thật, thế là đám du khách nước ngoài ồ lên thích thú chụp ảnh. Tôi tự nhủ sao ở đây các vị hướng dẫn viên du lịch “tại chỗ” đều là bậc cao niên! Ghé tai một chị ngồi trong quầy bán hàng lưu niệm, tôi hỏi thăm: “Chị ơi hôm nay bà Diều có đến không?”, chị vui vẻ trả lời: “Hôm nào bà chả đến, anh muốn gặp thì ra ngoài cầu ngói Thanh Toàn”...
Cụ Diều đang ngồi đợi khách trên cầu ngói Thanh Toàn |
“Lão niên” làm HDV du lịch
Vừa đặt chân lên cầu, tôi thấy hai cô gái tóc vàng, vai đeo máy ảnh lỉnh kỉnh, ngồi với một bà già Việt, chuyện trò rôm rả. Bà cụ cầm tay một cô, miệng “nổ” tiếng Anh như pháo, thì ra bà đang xem bói. Bói đúng hay sai không biết, nhưng các cô hỉ hả lắm, cảm ơn luôn miệng. Hai chú tài xế xe ôm tỏ vẻ sốt ruột, nhảy vào cắt ngang câu chuyện, giục khách trở về thành phố Huế. Hai cô gái nước ngoài ôm chầm bà cụ hôn lên má, bye, bye, bye... Họ đi rồi, chả thấy tiền nong gì...
Tôi xin phép bà Diều chụp vài kiểu ảnh. Ngồi không, bà vồn vả bắt chuyện với tôi, cởi mở như bà với cháu. Sởi lởi, vui vẻ, phóng khoáng bà (đã ngoài 78 tuổi) cho tôi biết: Mỗi ngày làm việc của bà bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 11 trưa, ra cầu ngói Thanh Toàn, trò chuyện và hướng dẫn khách du lịch nước ngoài, trưa về nhà nghỉ, 13 giờ trở lại làm việc cho đến 17 giờ.
Từ Festival Huế 2002 đến nay, cầu ngói Thanh Toàn tấp nập khách đến, bà Diều tất bật với công việc giới thiệu (kể cả bằng tiếng Anh) về các di tích quê hương. Quãng đời về trước của bà Diều rất gian truân. Đi giặt là trong "sở Mỹ", quê mùa, vụng về, nên luôn bị mắng mỏ. Một người Mỹ thương tình, nhận bà làm người giúp việc rồi dạy tiếng Anh giao tiếp. Khi Thừa Thiên - Huế giải phóng, bà về quê, lập gia đình và sinh được một cô con gái.
Cuộc sống khó khăn, bà bồng con nhỏ vào thành phố Hồ Chí Minh, với vốn tiếng Anh lõm bõm, xin giúp việc trong một nhà hàng dành cho khách nước ngoài. Bà sáng dạ, nhờ thế mà khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh khá dần, bà Diều cho biết: "Cứ nói chứ không biết có đúng câu chữ hay không, nhưng làm sao khách hiểu là được! Mình chỉ biết nói chứ không biết viết”.
Khác hẳn với vẻngoài thảnh thơi, trong lòng bà ẩn giấu nhiều nỗi lo toan, buồn tủi. Bà cho biết người con gái duy nhất sau một lần trắc trở, để lại cho bà nuôi một đứa cháu ngoại gái, rồi đi lấy chồng xa. Đứa cháu ngoại ấy nay đang học Cao đẳng sư phạm mẫu giáo, bà phải đài thọ tất cả. Có lẽ khoản thu nhập ít ỏi từ công việc hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư, bấp bênh chả thấm vào đâu... Giờ du khách nước ngoài đến Thừa Thiên - Huế thường yêu cầu dẫn về cầu ngói Thanh Toàn, gặp bà Diều.
Bằng tài ăn nói có duyên và vốn hiểu biết sâu sắc về quê hương, bà làm hướng dẫn viên “đặc biệt” cho các đoàn. Nhìn bà ở tuổi 78, dáng đi vẫn khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Nếu so sánh với những người phụ nữ nông thôn “chân lấm tay bùn” thì bà hoàn toàn khác, mảnh mai, cao và hơi gầy, nước da trắng, phong cách giao tiếp tạo thiện cảm với người khác. Bà thường mặc bộ bà ba lụa, đội nón bài thơ khi hướng dẫn khách tham quan.
Chuyến về Cầu ngói Thanh Toàn để lại trong tôi cảm nhận thú vị về con người Việt Nam hôm nay. Đất nước cũng thế, đang vượt qua đói nghèo trong các thế kỷ trước, hướng về tương lai.
Vũ Hào