Kỹ năng xử lý những tình huống khó xử của con trẻ khi khách đến nhà

GD&TĐ - Ngày Tết không chỉ là lúc vui chơi, nghỉ ngơi mà còn là dịp tốt để bố mẹ dạy trẻ cách cư xử.

Nhiều cha mẹ cho biết ngày Tết, trẻ có thể “hư” hơn ngày thường.
Nhiều cha mẹ cho biết ngày Tết, trẻ có thể “hư” hơn ngày thường.

Đây là thời điểm bé học được nhiều điều bởi thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ với mọi người.

Nguyên nhân trẻ “hư” hơn ngày thường

Tết đến Xuân về, mọi gia đình đều sum họp và chuẩn bị đón năm mới. Tuy nhiên, càng ngày càng thấy nhiều cha mẹ than phiền về chuyện Tết thêm mệt vì bọn trẻ mè nheo khóc lóc và có phần “hư” hơn ngày thường. Dường như đây cũng là dịp mà trẻ nhỏ rất dễ có hành vi bộc phát để ăn vạ.

Chị Nguyễn Thảo An (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Ăn vạ dường như là vũ khí lợi hại của trẻ, đặc biệt là mỗi khi nhà có khách hoặc đi đến chốn đông người, nhất là dịp Tết. Mỗi lúc như vậy, nếu không nổi nóng thì cha mẹ cũng đến phát điên vì con.

Thậm chí, khi nhà có khách, không ít lần con mè nheo lăn đùng ra đất đòi hỏi đủ thứ khiến người lớn ngượng ngùng. Đôi khi vì xấu hổ nên đành chiều theo ý con cho “xong chuyện”. Chính vì thế, con càng được đà mà đưa ra những đòi hỏi vô lý”.

Cô giáo Lê Thị Thủy, Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội) cho rằng: “Trẻ có nhiều biểu hiện để thể hiện sự mè nheo như la hét, hờn dỗi, khóc lóc, hay đòi hỏi… Cha mẹ cần hiểu rằng sự bộc phát cảm xúc là một phần không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển của trẻ và đó không phải là điều xấu.

Và nhất là trong dịp Tết, nếu bé tỏ ra ương bướng hơn, dễ khóc và hay hờn thì người lớn cũng không cần quá căng thẳng mà nên cùng con vượt qua. Khi hiểu được nguyên nhân, cha mẹ sẽ dễ dàng “trị bệnh” này của con mà vẫn “mát mặt” khi có khách đến nhà”.

Cô Lê Thị Thuỷ khuyên rằng, tốt nhất, nếu đã hiểu tính cách của trẻ, hoặc con có biểu hiện ăn vạ khi có đông người, cha mẹ nên có những quy tắc từ trước đó để thống nhất với trẻ.

Một số chuyên gia tâm lý cho rằng, khi trẻ coi “ăn vạ” là một vũ khí có tác dụng thì trẻ sẽ sử dụng nó thường xuyên để đòi hỏi. Vì thế, trong gia đình cần có sự thống nhất giữa các thành viên về cách dạy trẻ để bỏ đi thói quen xấu này. Đặc biệt, ngày Tết là ngày sum vầy, có cả ông bà, anh chị em đông đủ lâu ngày gặp con cháu nên cũng dễ chiều theo ý trẻ.

Càng như vậy, trẻ mới càng có xu hướng ăn vạ chỗ đông người. Vậy nên, tùy vào cách dạy dỗ của bố mẹ mà trẻ sẽ tiếp tục hành vi ăn vạ hay quên đi chiêu trò này.

Muốn giải quyết dứt điểm, cha mẹ cần hiểu được nguyên nhân mè nheo của con. Có những trẻ vì ngày Tết cha mẹ bận rộn cỗ bàn, tiếp khách,… mà “làm ngơ” con. Trẻ có cảm giác “bị bỏ rơi” nên việc ăn vạ khóc lóc cũng là cách để được quan tâm, chú ý. Hoặc có những trẻ vì mệt mỏi, thiếu chất, ngày Tết ăn uống không đúng giờ giấc, ăn nhiều, cũng gây ra sự khó chịu trong cơ thể nên có phần quấy nhiễu.

Vì vậy, nếu bé có khóc, cha mẹ cũng đừng bỏ đi, bé có cảm giác mình thực sự không được quan tâm khiến càng khóc nhiều hơn, dai hơn. Hãy ở lại và giải quyết dứt điểm từng tình huống để chúng không còn cơ hội mè nheo, nhõng nhẽo.

Tuỳ theo tâm lý mỗi trẻ mà cha mẹ có cách ứng xử hợp lý. Đôi lúc bé khóc, bố mẹ cần ôm ấp, vỗ về, bé sẽ cảm thấy mình được chia sẻ, yêu thương.

Nhưng cũng có khi phải tỏ ra nghiêm khắc vì nếu trẻ hay khóc quá sẽ thành thói quen, người lớn quanh trẻ sẽ mệt mỏi, dẫn đến cáu gắt thậm chí dùng đòn roi để giải quyết vấn đề.

Kỹ năng xử lý tình huống

Một số nhà tâm lý giáo dục cho rằng, phụ huynh nên chiều con đúng cách và có điểm dừng. Trước hết, cần phân biệt được khi nào trẻ nhõng nhẽo, nũng nịu là hợp lý, khi nào không, từ đó có cách xử lý thích hợp. Nhất là ở chỗ đông người hay những dịp nghỉ Tết dài ngày.

Hãy giáo dục để trẻ có ý thức ngay từ nhỏ, không bỏ mặc trẻ phát triển bột phát. Khi chúng nhõng nhẽo, nũng nịu không đúng lúc, đúng chỗ, cha mẹ phải phân tích để trẻ biết hành động đúng, sai mà có hướng sửa chữa.

Bé sẽ được cho quà bánh, lì xì những lúc đến nhà người khác chúc Tết. Đừng đợi đến lúc ấy bạn mới hối hả giục con: “Cảm ơn đi con!”, “Chúc Tết đi con!”. Trẻ nhỏ chỉ có thể làm tốt những việc này nếu bạn thật sự xem đó là một kỹ năng và rèn luyện nghiêm túc cho trẻ đến lúc trẻ thật sự thân thuộc.

Vì thế, cha mẹ hãy dạy con một số câu chúc Tết cũng như cách cảm ơn khi được người lớn cho thứ gì. Hãy thử ứng dụng thành trò chơi cho bé chơi hàng ngày.

Một hành động nữa của nhiều trẻ khiến cha mẹ khó xử đó là mở bao lì xì ngay khi nhận được.

Cha mẹ nên giải thích trước với con phong bì lì xì là để chúc con may mắn, hay ăn chóng lớn. Con không nên mở ra xem ngay lúc ấy, cũng không nên đưa ra lời khen chê nhiều ít.

Cách tốt nhất là con chúc Tết mọi người, cảm ơn và cất bao lì xì vào túi rồi chơi ngoan. Để thuận tiện cho con, bạn có thể tặng cho bé gái một chiếc ví xinh xắn hoặc cho bé mặc áo có túi để cất bao lì xì của riêng mình vào.

Bên cạnh đó, ngày Tết, nhiều cha mẹ cũng thường gặp phải tình huống khó xử khi cho trẻ đi chơi và chí choé nhau với trẻ khác.

Chuyện này sẽ không xảy ra nếu có thể “huấn luyện” con biết nhường nhịn. Khi có bạn muốn giành một món đồ chơi, hãy gợi ý cho trẻ chơi sang món khác, hoặc nói với bạn là: “Chúng mình chơi cùng nhau nhé!”.

Sẽ khá khó lúc ban đầu, nhất là với các bé còn nhỏ, song nếu bạn tìm cách giám sát trẻ lúc chơi, khéo léo can thiệp đúng lúc cũng như tập cho con: “Nhường cái này cho anh nhé!” quen nhiều lần thì tình trạng khó xử kia sẽ không còn nữa.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên hướng dẫn cho trẻ kỹ năng không tự ý sử dụng đồ của người khác khi chưa xin phép. Hãy nói với trẻ rằng việc tùy tiện sử dụng đồ mà chưa nhận được sự đồng ý của chủ nhân là một hành động bất lịch sự, và có thể gây hiểu nhầm là trộm đồ. Nếu con muốn sử dụng hoặc tò mò về bất cứ thứ gì của ai đó, con cần phải xin phép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.