Hướng tới những giá trị văn hóa
Trong suy nghĩ ngây ngô của trẻ, Tết đến là những ngày nghỉ dài để được thỏa thích vui chơi, nhận lì xì từ ông bà, cha mẹ, cô chú,… Chính vì vậy, ba mẹ cần dạy cho bé hiểu được ý nghĩa quan trọng của ngày Tết như thế nào. Hãy nói cho con biết Tết là một lễ truyền thống lớn của dân tộc Việt Nam. Tết mang nét đặc trưng văn hóa phương Đông và tín ngưỡng tôn giáo người Việt từ thời cha ông xưa.
Ngoài ra, Tết cũng có rất nhiều lễ hội diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Dịp này, không ít trẻ tò mò về các trò chơi dân gian. Những trò chơi ấy hầu hết đều bắt nguồn, gắn kết với các bài đồng dao, những câu vè, hay những câu văn vần rất hay và độc đáo.
Đặc biệt, dịp Tết và sau Tết Nguyên đán, nhiều trẻ được về quê, được tham gia các lễ hội cũng được trải nghiệm các trò chơi dân gian ở mỗi địa phương. Mặc dù trò chơi dân gian mang lại nhiều lợi ích cho trẻ. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại khiến nó dần bị mai một. Vì vậy, mỗi cá nhân trong xã hội cần tích cực góp phần gìn giữ nét đẹp này cho con trẻ.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương, trò chơi dân gian trong mỗi dịp Tết hay các lễ hội sau Tết giúp trẻ hiểu văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo. Qua các trò chơi, trẻ phát triển sự khéo léo và hiểu tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước…
Trò chơi dân gian còn góp phần phát triển toàn diện cho trẻ. Những trò chơi diễn ra ngoài trời sẽ đưa trẻ gần với thiên nhiên hơn. Trẻ có nhiều cơ hội tìm hiểu, quan sát về môi trường tự nhiên và có nhiều trải nghiệm.
Ngoài ra, nhiều trò chơi còn phát triển ngôn ngữ đáp ứng nhu cầu giao tiếp giữa trẻ và mọi người xung quanh. Đây là cơ sở cho việc làm phong phú hơn vốn từ, tạo môi trường rèn luyện ngôn ngữ nói cho trẻ.
Ngày nay, xã hội càng phát triển càng cần thiết hướng trẻ đến các trò chơi dân gian nhiều hơn. Nó giúp trẻ giảm thời gian chơi các thiết bị điện tử, tránh thụ động dẫn đến trầm cảm,…
Cũng theo TS Nguyễn Thị Thanh, trò chơi dân gian chính là chất xúc tác để giáo dục trẻ hướng về cội nguồn, văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, ngày nay nó dần bị mai một. Phần là do đất chật, người đông, nhiều gia đình sống ở các khu chung cư, khu phố khiến trẻ không có không gian chơi đùa.
Hơn nữa, nhiều cha mẹ ngại cho con ra ngoài vì lo sợ, muốn con ở trong nhà cho an toàn. Do vậy, trẻ sinh ra và lớn lên đều không có cơ hội tiếp cận với các trò chơi dân gian.
Khi đến trường, việc bê tông hóa toàn bộ sân trường tuy có mang lại sự sạch sẽ, thông thoáng, tiện dụng nhưng kéo theo đó là vô vàn bất tiện khác. Đặc biệt ở thành phố, diện tích đất không nhiều, cây xanh ít khiến trẻ không có sân chơi.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, cha mẹ cho con tiếp xúc sớm với thiết bị điện tử khiến trẻ ít tha thiết đến các trò vận động. Thay vào đó là những hình ảnh siêu nhân, chơi game, trò chơi điện tử thông qua ti vi, iPad, điện thoại… từ công nghệ 4.0 đã lấp đầy thời gian của trẻ. Ở nông thôn, tuy có không gian nhưng nhiều gia đình còn bận rộn chuyện kinh tế nên cha mẹ chưa thực sự dành thời gian để chơi với con.
Cùng con “trải nghiệm” Tết
Cô giáo Nguyễn Thu Hằng - Trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Nội) chia sẻ: “Muốn trẻ tiếp cận với trò chơi dân gian thì chính người lớn phải hiểu về nó. Không chỉ là giáo viên, mà còn là phụ huynh của 2 con nhỏ, tôi rất quan tâm tới việc cho trẻ vận động. Việc này giúp trẻ phát triển thể lực và trí tuệ, sống vui vẻ hơn. Vì thế, tôi thường lựa chọn các trò chơi sao cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng độ tuổi. Bởi, không phải trò chơi dân gian nào cũng dành cho mọi trẻ em”.
Cô Hằng cho biết thêm, đồ dùng, đồ chơi của các trò dân gian cũng vô cùng đa dạng và phong phú. Nó mang tính đặc trưng và được thiết kế dựa vào cách chơi và luật chơi riêng. Chính vì vậy, trước khi tổ chức cho trẻ chơi một trò nào đó cần phải tìm hiểu trước để am hiểu về nó mới có thể hướng dẫn trẻ.
Hiện nay, trước những kỳ nghỉ Tết, nhiều trường học tổ chức hoạt động ý nghĩa để trẻ được trải nghiệm Tết. Trẻ được tham gia hội chợ Tết, học gói bánh chưng, chơi các trò chơi dân gian.
Tại gia đình, cha mẹ có thể cho trẻ được trải nghiệm Tết thông qua các hoạt động hằng ngày. Chẳng hạn, vào những ngày cuối năm, gia đình thường dọn dẹp nhà cửa một cách gọn gàng, sạch sẽ và trang trí để đón Tết. Cha mẹ hãy hướng dẫn con cùng phụ giúp mình. Bắt đầu từ những việc nhỏ như dọn dẹp đồ chơi, gấp quần áo, quét nhà…
Cha mẹ có thể vừa làm vừa dạy bé nguyên nhân tại sao các gia đình thường dọn nhà để đón Tết. Ví dụ như để nhà cửa gọn gàng đón năm mới, vì dịp này sẽ có nhiều người đến nhà chơi. Dọn dẹp nhà cửa trước ngày Tết còn mang thông điệp là sắp xếp lại những “bừa bộn” của năm cũ để chào đón năm mới “An khang, Thịnh vượng”.
Ngoài ra, theo cô Hằng, một trong những điều nên dạy trẻ ngày Tết chính là dạy con chuẩn bị quà cho các thành viên trong nhà. Bởi việc tặng quà là một trong những cách bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu thương dành cho những người thân trong gia đình.
Khi trẻ cùng cha mẹ chuẩn bị quà, trẻ cũng học cách nhận biết và tôn trọng sở thích của mọi người. Ngoài ra, đây cũng là cách để trẻ học thể hiện tình cảm và có đức tính sẻ chia.
Bên cạnh đó, chúc Tết là một trong những nét văn hóa cần được duy trì trong mỗi dịp Xuân về. Dạy trẻ trong ngày Tết nói những lời hay ý đẹp sẽ giúp lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến những người xung quanh. Cha mẹ nên bắt đầu dạy trẻ những câu chúc Tết ngắn, đơn giản để trẻ dễ nhớ và thuộc lâu hơn. Điều này cũng giúp con bạn rèn luyện và phát huy năng lực tư duy ngôn ngữ.